Đắk Lắk: Dai dẳng cuộc chiến chống ‘cát tặc’ | |
'Cát tặc' lộng hành: Dân xót xa nhìn đất trôi theo cát |
Luật một đường, “cát tặc” làm một nẻo
Mặc dù thời gian hoạt động của các tàu hút cát vào ban ngày, nhưng tờ mờ sáng các tàu đã kéo nhau từng đoàn về nạo hút. Ảnh: Trang Anh. |
Liên quan đến tình trạng 'cát tặc' ở Đắk Lắk lộng hành, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng phòng quản lí khoáng sản, Sở TNMT tỉnh Đắk Lắk.
Ông Thiềm cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 16 đơn vị đã được cấp 17 giấy phép. Riêng Công ty CPVLXD Tây Nguyên được cấp hai giấy phép hoạt động.
Theo vị Trưởng phòng, trong những năm qua có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở ở các con sông như lũ lụt, thủy điện xả lũ gây sạt lở.
Bên cạnh đó không thể phủ nhận việc khai thác cát trái phép cũng khiến nhiều đoạn sông bị ăn mòn nghiêm trọng. Các tàu thuyền lợi dụng việc người dân bán đất ở hai bên bờ sông để khai thác cát một cách triệt để.
“Do tình hình sạt lở nghiêm trọng nên tỉnh đã chỉ đạo cho các xã quản lí không cho người dân bán đất sản xuất cho các doanh nghiệp, công ty khai thác cát”, ông Thiềm thông tin.
Ông Thiềm còn cho hay, các đơn vị được cấp phép chỉ được khai thác từ 10.000 m3 – 47.000 m3/ năm, tùy thuộc vào khối lượng từng tàu mà đơn vị cấp biển hiệu.
Cũng vào ngày 12/3 vừa qua, Công ty CPVLXD Tây Nguyên đã bị rút một giấy phép hoạt động do công ty để cho HTX Đoàn Kết khai thác gây sạt lở trên phạm vi công ty được cấp phép.
“Riêng HTX Đoàn Kết và HTX Nam Sơn không có giấy phép hoạt động nên đơn vị đã yêu cầu huyện Krông Bông giải tỏa.
Còn một số đơn vị khác sử dụng chiêu trò lấy danh gia đình có đối tượng chính sách để đăng kí hoạt động nên rất khó xử lí.
Năm 2017, Sở đã tăng cường một số văn bản xử lí đối với việc khai thác cát, đất trái phép. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp và xử lí mạnh tay của các địa phương thì vấn nạn cát tặc ở Đắk Lắk mới có hy vọng đẩy lùi”, ông Thiềm cho biết.
Các tàu thi nhau đưa vòi rồng vào bờ hút cát. Ảnh: Trang Anh. |
Cũng theo vị Trưởng phòng, các tàu thuyền chỉ được khai thác cát vào khung giờ từ 6h sáng đến 18h tối và cách bờ ít nhất 4m.
“Nếu đơn vị nào khai thác ngoài phạm vi này sẽ bị xem là khai thác trái phép, vi phạm quy định trong giấy phép hoạt động và sẽ bị đình chỉ”, ông Thiềm khẳng định.
“Săn” cát tặc ở Đắk Lắk lúc "canh tư"
Thấy sự có mặt của máy ảnh, các tàu khai thác cát liên tục nháy đèn “ra hiệu”. Ảnh: Trang Anh. |
Theo như quy định trong giấy phép hoạt động mà vị Trưởng phòng quản lí khoáng sản, Sở TNMT tỉnh Đắk Lắk đề cập đến, các đơn vị khai thác cát chỉ được hoạt động vào ban ngày. Nhưng theo phản ánh của người dân huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) cứ 3-4h sáng các tàu thuyền lại đua nhau về đây như "trẩy hội" mà không có sự giám sát của cơ quan chức năng.
Thấy sự có mặt của chúng tôi, một người trên tàu đã nhanh chóng đứng che tên công ty. Ảnh: Trang Anh. |
Để xác thực vấn đề trên, chúng tôi quyết định phục kích tại khu vực sông Krông Ana (đoạn qua xã Đắk Liêng, huyện Lắk) để có thể theo dõi quá trình hoạt động của các đơn vị khai thác cát.
Không ngoài dự đoán, khoảng 3h sáng, dưới bóng đêm mịt mờ những tiếng tàu máy chạy ầm ầm phá tan đi bầu không khí tĩnh lặng. Từng chiếc tàu hút cát nối đuôi nhau đến khu vực cánh đồng buôn Mliêng II rồi đâm thẳng “vòi rồng” vào bờ hút cát.
Đến khoảng 4h, đã có bốn tàu hút cát tập trung tại đây để khai thác cát một cách vô tội vạ. Nhận thấy sự có mặt của chúng tôi, người trên hai tàu chở cát sử dụng áo, vải che biển hiệu của tàu lại.
Hai tàu còn lại gọi điện thoại thông báo cho một “nhân vật bí mật” rồi thản nhiên đâm vòi vào bờ hút tiếp, phớt lờ sự có mặt của chúng tôi. Sau đó, các tàu liên tục nháy đèn vào chúng tôi “ra hiệu”.
Mặc dù, những người có mặt trên tàu cố tình che biển số tàu nhưng chúng tôi vẫn kịp ghi lại tên doanh nghiệp và ba trên bốn biển số tàu.
Các tàu chúng tôi bắt gặp khai thác trái phép gồm: Hai tàu của Doanh nghiệp tư nhân VLXD Sông Núi mang số hiệu ĐL-SN:06 và ĐL-SN:03; Hai tàu Công ty CPVLXD Tây Nguyên ĐL-TN:02 và một tàu không thấy được biển hiệu do lái tàu đã nhanh ý che lại. Sau khi hút đầy cát lên tàu, các tàu lại nổ máy chạy về như chưa có chuyện gì xảy ra.
Doanh nghiệp tư nhân VLXD Sông Núi và Công ty CPVLXD Tây Nguyên thay phiên nhau đâm vòi vào bờ. Ảnh: Trang Anh. |
Theo quan sát của chúng tôi, những nương rẫy của người dân mà tàu hút cát đi qua có vách dựng đứng như những bức trường thành, kèm theo đó là đất cát cũng bị nhấn chìm. Dòng sông bị uốn cong vào tựa hình cung tên khiến hai bên bờ cách nhau hàng trăm mét. Từng lớp đất cát sau khi bị “vòi rồng” đâm vào lở từng mảng rơi xuống sông.
Như người dân tại đây cho hay, “như một thói quen” ngày nào cũng vậy cứ đến thời điểm trên các tàu lại kéo nhau tập trung về khu vực khiến bầu không khí yên tĩnh bị phá tan. Theo đó là hàng ngàn lớp đất cát bị kéo theo một cách không thương tiếc.
Trong cùng kì tháng ba, nhân chuyến thăm tại huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thị sát việc khắc phục sự cố sụt lún tại cầu Chư Păm và động viên cuộc sống người dân. Cũng tại đây, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương kiểm tra, rà soát rút giấy phép khai thác cát đối với các cơ sở khai thác trái quy định, gây ảnh hưởng đến cây cầu và người dân sinh sống cạnh dòng sông. Trước đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu các bộ ngành liên quan cần phải thắt chặt trong công cuộc quản lí, nêu cao tinh thần đấu tranh ngăn chặn nạn cát tặc lộng hành. Những nơi nào để xảy ra vi phạm trong thời gian dài mà không xử lí được thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm. |
Đô thị 06:50 | 08/10/2019
Đô thị 12:52 | 06/10/2019
Đô thị 20:27 | 04/10/2019
Đô thị 12:18 | 04/10/2019
Du lịch 16:47 | 18/09/2019
Đô thị 14:50 | 24/08/2019
Thời sự 09:25 | 13/06/2019
Tiêu dùng 18:22 | 04/06/2019