Số phận pháp lí của khối tài sản khủng thuộc 'đế chế Trung Nguyên'?

Sau nhiều lần mở phiên tòa, vợ chồng "vua cà phê Việt" vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc phân chia cổ phần; số tiền 2.100 tỉ gửi tại ngân hàng bị bà Thảo cho là "bốc hơi" sau khi ông Vũ đưa ra yêu cầu phản tố.

Sáng nay, 27/3, TAND TP HCM dự kiến mở lại phiên xử vụ li hôn của vợ chồng nhà sáng lập "đế chế Trung Nguyên". Trước đó, chiều 1/3, sau vài phút bất ngờ trở lại phần xét hỏi, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên xử li hôn này để thu thập thêm chứng cứ.

2.100 tỷ đã "bốc hơi"?

Cụ thể, các bên phải cung cấp thêm hồ sơ liên quan đến khoản tiền 2.100 tỉ đồng - số dư trong tài khoản của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại 3 ngân BIDV, Vietcombank và Eximbank, gồm: 654,2 tỉ đồng; 9,3 triệu Euro; 2,3 triệu GBP (bảng Anh); 28,9 triệu USD; 5,1 triệu AUD (đô la Australia) và 10.000 lượng vàng.

Số phận pháp lí của khối tài sản khủng thuộc đế chế Trung Nguyên?  - Ảnh 1.

Phía bà Thảo cho rằng số tiền 2.100 tỉ tại ngân hàng đã hết

Ngày 23/3, các ngân hàng đã có công văn trả lời về khoản tiền trên. Theo kết quả xác minh, hiện chỉ còn khoảng 1,3 tỉ đồng tại ngân hàng Eximbank. Đối với những tài sản nằm tại ngân hàng nước ngoài không thể xác minh do bị từ chối cung cấp thông tin khách hàng.

Tại tòa trước đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng đây là tài sản chung của hai vợ chồng tích lũy suốt 20 năm chung sống hiện do bà Thảo nắm giữ, quản lí. Song, bà Thảo phũ nhận, khẳng định số tiền trong ngân hàng đã hết do dùng vào việc điều hành công ty và chuyển cho mẹ chồng.

Phát biểu quan điểm tại tòa chiều 25/2, đại diện VKSND TP HCM nhận định trước đây ông Vũ đã rút yêu cầu phản tố liên quan đến số tiền 2.100 tỉ, song tòa án chưa có quyết định đình chỉ. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ nên VKS cho rằng chưa có đủ cơ sở vững chắc để giải quyết trong vụ án này.

Chưa tìm được tiếng nói chung về việc chia cổ phần

Trong vụ li hôn này, các bên đề nghị tòa giải quyết chia tài sản chung trong 8 công ty gồm: Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông, Công ty Trung Nguyên Singapore.

Tuy nhiên, VKS cho rằng tòa đã tách vụ án đối với Công ty Trung Nguyên Singapore vào năm 2017 nên không có cơ sở giải quyết.

Số phận pháp lí của khối tài sản khủng thuộc đế chế Trung Nguyên?  - Ảnh 2.

Ông Vũ muốn được chia 70% tổng số cổ phần tại 7 công ty

Tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, nơi hai vợ chồng nắm 30% cổ phần, bà Thảo muốn mỗi người hưởng 15%. Còn ở Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên, tài sản chung của hai vợ chồng là 15% cổ phần nên cũng cưa đôi, mỗi người 7,5%. Riêng 4 công ty còn lại, bà Thảo đồng ý cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.

Tuy nhiên, ông Vũ không đồng ý với đề nghị này. "Vua cà phê" muốn được chia 70% tổng số cổ phần tại 7 công ty, 30% còn lại là của bà Thảo.

Về bất động sản, nguyên đơn và bị đơn đồng ý chia theo tỉ lệ 5:5. Theo đó, bà Thảo sẽ nhận 7 nhà đất đang quản lí có giá trị hơn 375 tỉ đồng. Còn ông Vũ nhận 6 bất động sản do ông quản lí với tổng giá trị hơn 350 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch 25 tỉ đồng, luật sư đề nghị bà Thảo thanh toán lại cho ông Vũ 12,5 tỉ. Ngoài ra, bà Thảo sẽ được sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3).

Phát biểu quan điểm trong phiên tòa ngày 25/3, đại diện VKS cho rằng: "Theo quy định, tài sản chung của vợ chồng, nếu không thống nhất cách chia thì sẽ chia đôi, nhưng có tính theo công sức đóng góp, hoàn cảnh, điều kiện để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Người vợ hoặc chồng ở nhà cũng tính là thu nhập phù hợp.

Xét giấy phép kinh doanh, Công ty Trung Nguyên thành lập mang tên ông Vũ từ 1996, bà Thảo cho rằng mình có đóng góp, nhưng không có chứng cứ chứng minh. Qua các lần thay đổi, Từ khi Trung Nguyên thành lập đến nay, ông Vũ là người đại diện pháp luật.

Nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên cũng do ông Vũ xây dựng. Năm 2007, bà Thảo mới được bổ nhiệm. Vì vậy đề nghị phân chia tài sản phải phù hợp, đảm bảo hoạt động công ty, đảm bảo quyền lợi các bên".

Về con chung, vợ chồng "vua cà phê" đều muốn nuôi các con, song ông Vũ tôn trọng quyết định của chúng. Do 4 người con đều có nguyện vọng sống với mẹ nên hai bên thống nhất giao con cho bà Thảo nuôi.

Lúc đầu ông Vũ đồng ý cấp dưỡng cho các con mỗi người 5% cổ tức nếu tòa tuyên giao con cho vợ chăm sóc. Sau đó ông quyết định cấp dưỡng 10 tỷ đồng mỗi năm cho các con và được bà Thảo chấp nhận.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.