Cuối năm 2019, Forbes châu Á đã công bố danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019. Việt Nam có 7 doanh nghiệp được vinh danh, là: Masan, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup.
Vingroup đã có 365 ngày thật sự bận rộn trong năm vừa qua. Nguồn thu của Vingroup trong năm, như thường lệ, vẫn đến từ lĩnh vực bất động sản.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019, doanh thu thuần của toàn tập đoàn đạt 31.571 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vingroup đạt 2.544 tỉ đồng, giảm 3%. Lãi ròng quý III của Vingroup chỉ ở mức 712 tỉ đồng, giảm 54% so cùng kì. Giảm tốc trong lợi nhuận chủ yếu đến từ chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp, cũng như lỗ từ các doanh nghiệp liên doanh tăng lên.
Trong quý III/2019, doanh thu từ chuyển nhượng và cho thuê bất động sản chiếm 55% tổng doanh thu của Vingroup. Mảng sản xuất gồm sản xuất ôtô, xe điện và điện thoại dù mới chào sân nhưng vẫn đạt 2.119 tỉ đồng, đóng góp 7% doanh thu.
Mảng đóng góp 7% này cũng là sinh kể chiến lược mà Vingroup xác định sẽ theo đuổi đến cùng. Cuối tháng 12, Vingroup dừng hoạt động chuỗi bán lẻ điện thoại và điện máy VinPro. Sang tháng 1/2020, Tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục dừng dự án hãng hàng không VinPearl Air. CEO Nguyễn Việt Quang xác nhận chuyện dừng tất cả các hoạt động bán lẻ, đóng cửa hãng hàng không VinPearl cđang chuẩn bị bay, vì tập đoàn thay đổi chiến lược mới dồn mọi nguồn lực cho VinFast và VinSmart.
Trước đó, Vingroup đã có "cú bắt tay" lớn nhất năm 2019 với Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Hai bên thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam với hệ thống hơn 2.600 siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart +. Trong đó, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động với 83,74% cổ phần, Vingroup là cổ đông.
Nguồn lực dồn cho "con cưng" VinFast, Vingroup đã đầu tư gần 31.000 tỉ đồng vào tổ hợp dự án VinFast, tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với cuối năm 2018. Chưa kể, tỉ phú giàu nhất Việt Nam cũng đang dồn tiền từ việc bán mảng bán lẻ và thêm 10% cổ phần cá nhân dự kiến bán, để có 2 tỉ USD đầu tư vào dự án xuất khẩu ôtô điện VinFast sang Mỹ trong vòng 2 năm tới.
Mang điện thoại sang tận Tây Ban Nha và Myanmar để bán, những mẫu VsMart Live đang dần nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước và phản ứng tích cực từ thị trường ngoại quốc.
Theo ghi nhận của Forbes, Tập đoàn Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang có giá trị thị trường vốn hoá của Masan đạt 3,766 tỉ USD trong năm 2018. Năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 37.354 tỉ đồng, giảm 2,2% so với mức 38.188 tỉ đồng trong năm 2018. Lãnh đạo Masan cho biết nguyên nhân là doanh thu thuần của Masan Resource và Masan MEAT Life trong năm qua sụt giảm.
Một trong những mảng kinh doanh Masan đang kì vọng là thịt và các sản phẩm từ thịt. Dù bị ảnh hưởng do dịch tả heo châu Phi, doanh thu từ thịt năm 2019 giảm 1,3% so với năm 2018, đạt 13.799 tỉ đồng, nhưng riêng tháng 12/2019, sản phẩm thịt mát đạt 100 tỉ đồng.
Masan tự tin ngành thịt sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng năm 2020. Đến năm 2022, doanh thu từ mảng kinh doanh thịt và sản phẩm thịt heo sẽ đạt 2 tỉ USD, lợi nhuận 200 - 250 triệu USD, các sản phẩm thịt sẽ đóng góp 50 - 70% doanh thu của công ty. Và mảng thịt sẽ chiếm 10% thị phần thịt cả nước.
Đáng chú ý là trong tháng 12/2019, Masan đã thực hiện thương vụ sáp nhập Masan Consumer Holdings và Vincommerce của Vingroup. Hiện Vincommerce đang vận hành 134 siêu thị VinMart và 2.888 cửa hàng tiện lợi VinMart+.
Hiện, Masan nắm 83,74% công ty quản lý chuỗi bán lẻ tiêu dùng mới thành lập, với tham vọng vươn mình thành đế chế sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu.
Cũng trong năm 2019, Masan đề nghị mua 60% cổ phần Bột giặt Net, tương đương 28 triệu USD, tiến vào ngành hàng chăm sóc cá nhân.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 những ngày giáp Tết Canh Tý, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang cũng đã lần đầu tiên lên tiếng về thương vụ lịch sử trong ngành bán lẻ này. Ông cho biết: "Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan".
Chủ tịch Masan tiết lộ rằng hệ thống phân phối và sự phổ biến của sản phẩm luôn là điều quan trọng đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới và khả năng phục vụ người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi đang trở thành những nhu cầu cơ bản.
"Chính vì vậy, việc kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống trên toàn quốc của Masan tạo ra lợi thế vượt trội, để chúng tôi xây dựng một hệ thống bán lẻ hiện đại, xuyên suốt phục vụ người tiêu dùng", tỉ phú Nguyễn Đăng Quang khẳng định.
Một doanh nghiệp khác có dấu ấn của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang cũng góp mặt trong "câu lạc bộ doanh nghiệp có doanh thu tỉ đô tốt nhất châu Á" là ngân hàng Techcombank. Forbes thống kê doanh thu năm 2018 của ngân hàng này đạt 1,338 tỉ USD, lợi nhuận ròng đạt 368 triệu USD và giá trị vốn hoá vượt 3,27 tỉ USD.
Năm 2019, Techcombank có lãi trước thuế 12.838 tỉ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2018 và chỉ xếp sau ngân hàng thu lãi tỉ đô Vietcombank.
So với con số đặt ra hồi đầu năm là 11.750 tỉ đồng, ngân hàng của cặp đôi tỉ phú Nguyễn Đăng Quang - Hồ Hùng Anh đã vượt gần 10% mục tiêu lãi trước thuế theo kế hoạch. Tổng tài sản của ngân hàng tính đến ngày 31/12/2019, đạt 383.699 tỉ đồng, tăng 19,5%.
Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư vào cuối tháng 10, lãnh đạo Techcombank tiết lộ tổng nguồn thu của Techcombank từ Vingroup và Masan chiếm khoảng 9-10% toàn hệ thống.
Theo một báo cáo phân tích từ các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), ngân hàng do tỉ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch đang "neo" vào Vingroup quá nhiều. Báo cáo này chỉ rõ, các lĩnh vực mục tiêu của Techcombank khá tương đồng các lĩnh vực của tập đoàn tỉ phú Phạm Nhật Vượng, như bất động sản (VinHomes), ôtô (VinFast), điện tử (VinSmart), du lịch và nghỉ dưỡng (Vinpearl),…
ACBS khẳng định cho vay mua nhà và ôtô là trụ cột trong phân khúc khách hàng cá nhân của Techcombank. "Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại về rủi ro tập trung tại Techcombank, khi hoạt động kinh doanh mở rộng và phát triển dựa trên một số ít doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, trong khi bất động sản được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là lĩnh vực rủi ro", chuyên gia ACBS nhận định.
Một doanh nghiệp với doanh thu tỉ đô được Forbes vinh danh là hãng hàng không Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, doanh nhân nữ duy nhất trong hội tỉ phú đô la.
Với tỉ lệ lấp đầy luôn đạt mức 88%, hết tháng 9/2019, hãng hàng không này thu về 38.134 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế ở mức 1.912 tỉ đồng.
Tổng số đường bay hãng hàng không của tỉ phú Phương Thảo đạt được khoảng 130 đường, trong đó chủ yếu là các đường bay quốc tế, chuyên chở hơn 6 triệu lượt khách hàng bay đến các điểm trong nước và phủ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Chiến lược của chúng tôi là mở rộng ra bất kì thị trường khu vực nào trong bán kính 2.500 km. Vì vậy chúng tôi có thể tạo ra mạng lưới phục vục một nửa dân số thế giới", bà Thảo chia sẻ mục tiêu của Vietjet với truyền thông nước ngoài.
Trong báo cáo của Cục hàng không cuối tháng 12/2019 về thị phần các hãng hàng không nội địa, trong khi nhóm Vietnam Airlines, Jetstar và VASCO giảm thị phần thì Vietjet vẫn tăng tốt. Vietjet Air trong tháng 12/2019 đang nắm 42,2% thị phần, tăng nhẹ 1% so với đầu năm.
Theo Nikkei Asian Review, Vietjet đặt mục tiêu triển khai dịch vụ thương mại điện tử trong vòng 2 năm. Phó Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Thúy Bình chia sẻ: "Tất cả các nhà cung cấp và đối tác sẽ tham gia nền tảng của chúng tôi, để phục vụ không chỉ cho 30 triệu hành khách của chúng tôi mà còn có hàng trăm triệu khách hàng tại Việt Nam và các nơi khác trên thế giới".
Bà cho biết thêm nền tảng này sẽ bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, khách sạn, hàng tiêu dùng và nhiều hơn nữa. Ý tưởng là để các công ty đối tác trong các lĩnh vực tham gia nền tảng của Vietjet, và sử dụng công nghệ blockchain để thuận tiện chia sẻ các giao dịch giữa họ với nhau.
Đô thị 08:29 | 13/07/2020
Nhà đất 08:06 | 13/07/2020
Kinh doanh 08:03 | 13/07/2020
Đô thị 08:03 | 13/07/2020
Kinh doanh 09:07 | 29/06/2020
Đô thị 06:02 | 29/06/2020
Du lịch 06:00 | 29/06/2020
Tiêu dùng 20:34 | 28/06/2020