Những phiên giao dịch cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã có rất nhiều cảm xúc diễn ra. Nhà đầu tư chứng kiến sự vươn lên vững vàng trong ngôi đầu giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft và sự lao dốc không phanh của Apple khi bị đẩy xuống vị trí thứ tư, sau cả Amazon.
Ngày 2/8/2018, sau thành công vang dội của chiếc iPhone X, Apple chính thức trở thành công ty công nghệ nghìn tỉ USD đầu tiên trên thế giới.
Apple chính thức trở thành công ty công nghệ nghìn tỉ USD đầu tiên trên thế giới.
Thế nhưng, Apple cũng chỉ làm được có thế. Khi thị trường smartphone toàn cầu đã trở nên bão hòa, những chiếc iPhone ngày càng đắt đỏ, các nhà đầu tư "đánh hơi" được các dấu hiệu ngừng tăng trưởng đã đến gần và tiến hành bán tháo cổ phiếu.
Từ tháng 10/2018, tức là chỉ sau chưa đầy hai tháng sau, thị trường liên tục chứng kiến sự lao dốc của Apple, và đến đầu năm nay, Apple chính thức trở thành cựu vương của làng công nghệ.
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6/2019, công ty trị giá nghìn USD của thế giới đã tụt xuống đáng thất vọng, chỉ còn khoảng 880 tỉ USD, đứng sau cả Microsoft và Amazon.
Riêng Amazon, đầu tháng này giá trị vốn hóa đã giảm xuống còn 900 tỉ USD, tức hơn mất hơn 200 tỉ USD chỉ sau 5 tháng.
Ngược lại với đà lao dốc của các công ty nằm trong nhóm FAANG (gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix, Google, được cho là nhóm công ty có cổ phiếu hấp dẫn và giá trị nhất nước Mỹ) có một công ty công nghệ khác đã cần mẫn lần lượt tăng trưởng vượt qua Amazon, Apple trở thành công ty công nghệ giá trị nhất nước Mỹ. Đó chính là cựu vương: Microsoft.
Cựu vương Microsoft trở lại cuộc đua.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2018, thế giới chứng kiến sự rượt đuổi đến nghẹt thở giữa Apple và Microsoft. Các phiên giao dịch trong ngày, Microsoft luôn vươn lên dẫn trước Apple, nhưng đến cuối ngày Apple vẫn lấy lại vị trí ngôi đầu của mình.
Nhưng may mắn không mỉm cười với Apple lần thứ hai, vào ngày cuối cùng của năm 2018, Microsoft vững vàng vươn lên vị trí số một thế giới với giá trị vốn hóa lên tới 851 tỉ USD, bỏ xa Apple ở vị trí thứ hai với giá trị 747,4 tỉ USD.
Và chính thức, sau phiên giao dịch ngày 7/6, giá trị thị trường của Microsoft đã vượt qua mức 1.000 tỉ USD. Với kết quả này, Microsoft đã lấy lại vị thế của mình sau 16 năm vắng bóng trong cuộc đua công nghệ thế giới
Windows đã đem lại hào quang một thời cho Microsoft.
Trong thập niên 90, không một công ty nào có thể vượt qua được cái bóng của người khổng lồ Microsoft. Một mình Microsoft chi phối toàn bộ làng công nghệ với sức mạnh mang tên Windows.
Với Windows, hệ điều hành máy tính hàng đầu, Microsoft đã mở ra kỉ nguyên về điện toán trên toàn cầu. Với Internet Explorer, Microsoft đã mang đến cho người dùng một thế giới Internet kì diệu mà đến tận ngày nay, công lao của nó vẫn được ghi nhận.
Thế nhưng, cái bóng quá to, đến nỗi chính gã khổng lồ cũng không thể vượt qua nổi, và ngã đau ngay chính trên bục vinh quang của mình.
Quá tự tin với những gì đạt được, Microsoft cho rằng mình không cần thay đổi, thế giới sẽ phải thay đổi theo. Microsoft tự đặt mình vào trung tâm phát triển của công nghệ, nhưng rõ ràng các công ty công nghệ, những lập trình viên, nhà phát triển hoàn toàn không thích điều này.
Windows tiện dụng nhưng không di động, IE tốt nhưng ngày càng trở nên chậm đổi mới, xuất hiện nhiều lỗi hơn, còn Microsoft thì quá độc quyền nên luôn "đủng đỉnh" với việc khắc phục sự cố.
Người dùng khát khao một hệ điều hành di dộng linh hoạt. Các lập trình viên cũng chán ngấy khi bị bó buộc vào một IE với chất lượng tồi tệ. Sau này, nhắc đến IE người ta có thể nhắc đến hào quang của quá khứ và cả những thất bại thảm hại sau này.
IE từ người hùng trở thành kẻ tội đồ.
Thế giới thì luôn vận động, và Microsft rõ ràng không phải là trung tâm của vũ trụ.
Năm 2007, Apple ra mắt hệ điều hành di dộng đầu tiên trên thế giới là iOS chạy trên những chiếc iPhone do chính hãng này sản xuất. Khi đó, những nhà lãnh đạo của Nokia, Blackbery, và thậm chí là Microsoft, đều coi iPhone là một thứ đồ chơi và iOS là một hệ điều hành què cụt.
"Ai lại đi mua những chiếc điện thoại không có nổi bàn phím cứng", Steve Ballmer, CEO Microsoft lúc đó đã cười nhạo iPhone như thế.
Cũng chính từ sự chậm chạp và ngạo mạn của mình, công ty đã đẩy IE xuống bờ vực thẳm và đã khiến Google Chrome nghiễm nhiên thế chân, trở thành trình duyệt được ưa chuộng nhất hiện nay.
Đến tận bây giờ nhiều lãnh đạo cấp cao của Microsoft vẫn không thể tin được IE đã bị đánh bại.
Microsoft cũng đã bỏ qua cả ba cuộc cách mạng phần cứng công nghệ trong suốt hai thập kỉ qua là iPod, iPhone và iPad.
Trong suốt hai thập kỉ qua, người yêu mến Microsoft thấy một bộ mặt bạc nhược đáng thất vọng của ông lớn làng công nghệ. Tập đoàn này hoàn toàn biến mất trên thị trường, khi những cái tên như Apple, Google, Facebook nổi lên kiểm soát thế giới.
Cũng trong suốt hai thập kỉ ấy, người ta nhận thấy rằng không cần những cỗ máy tính chạy Windows cồng kềnh, họ cũng có thể giải trí và làm việc với iOS hay Android. Họ cũng nhận ra rằng kiểm soát Internet bây giờ không còn là Microsft nữa, mà là Google với Chrome mạnh mẽ và Android cho tất cả mọi người.
"Ai lại đi mua những chiếc điện thoại không có nổi bàn phím cứng", Steve Ballmer, CEO Microsoft lúc đó đã cười nhạo iPhone.
Khi nhận ra mình đã bị bỏ lại quá xa phía sau, Microsoft bừng tỉnh. Thế nhưng, những nỗ lực nửa vời và những nước cờ sai hướng đã không những không giúp tập đoàn này lấy lại vị trí của mình mà ngày càng nhấn chìm nó vũng bùn đen.
Trong thời gian này, có thể kể đến hai mảng công nghệ mà Microsoft đã đổ hàng tấn tiền đi nhưng không hề mang lại chút kết quả nào, đó là di động và máy tính.
Với di dộng, sau khi để Apple và Google thống trị, Microsoft cũng chạy đua để tạo ra hệ điều hành di động của riêng mình, là Windows Mobile. Thế nhưng việc chậm chân sau đối thủ hẳn một năm, cộng với việc "ham lợi" thu phí bản quyền, khiến Microsoft không thể nào làm tăng thị phần Windows Mobile trong những năm đầu.
Hơn nữa, Windows Mobile lại là một hệ điều hành được viết để chạy trên những máy có bàn phím, không hỗ trợ cảm ứng. Loay hoay mất hơn một năm nữa, công ty này đã nóng vội cho ra Windows Moblie 6.5 tạm thời.
Tuy nhiên, do thiếu tầm nhìn với những kế hoạch dài hơi, những năm tiếp theo Microsoft lại tung ra một phiên bản hệ điều hành di động hoàn toàn mới, như Windows Mobile, Windows Phone và cuối cùng là Windows 10 Mobile.
Cứ mỗi lần nâng cấp, thay đổi là một lần Microsoft "bỏ rơi" người dùng với hệ điều hành cũ không còn được hỗ trợ. Điều này đã dẫn tới việc các fan hâm mộ lần lượt rời bỏ Microsoft để tìm tới Android hay iOS.
Những quyết định sai lầm của Steve Ballmer đã khiến Microsoft thua đau trong cuộc đua di động.
Trong một nỗ lực dành lợi thế trên thị trường di động, tháng 4/2014, Microsoft chính thức mua lại đế chế Nokia với giá 7 tỉ USD, như một bệ phóng cho hệ điều hành của mình.
Thế nhưng những nỗ lực của Microsoft đã quá muộn màng đi cùng với quá nhiều sai lầm, đến năm 2017, Microsoft chấp nhận dừng bước trong cuộc đua di động, nhường thị trường cho Apple và Google.
Với máy tính, không thể không ghi nhận sự nỗ lực của Microsoft trong việc di động hóa nó để cạnh tranh với iPad của Apple. Thế nhưng một hệ điều hành nửa vời, nửa chuột nửa cảm ứng của Windows 8 với rất nhiều lỗi, không những không giúp ích cho Microsoft mà còn làm cho những chiếc máy tính mờ nhạt hơn trước những thế hệ iPad và iMac mạnh mẽ.
Hệ điều hành què cụt Windows RT, cũng như Windows S chỉ chạy được các ứng dụng trên cửa hàng ứng dụng nghèo nàn đã làm cho người dùng giận dữ, khi số tiền họ đầu tư vào những thiết bị này quá lớn.
Tiếp tục những sai lầm khi ra mắt Windows RT.
Sai lầm nối tiếp sai lầm, Microsoft ngày càng bị chôn vùi như một phần của quá khứ.
Một dấu mốc quan trọng trong hành trình tìm lại ngôi vương của Microsft, đó là vào năm 2014, khi Satya Nadella chính thức thay Steve Ballmer trở thành CEO của tập đoàn.
Người ta đã chứng kiến sự thay đổi lạ lùng đến từ nhà Microsft.
Đầu tiên là khẩu hiệu Windows miễn phí. Tất cả các máy đang chạy hệ điều hành Windows 7 hoặc Windows 8 đều được nâng cấp miễn phí lên Windows 10 một cách dễ dàng. Chương trình miễn phí Windows này kéo dài trong nhiều năm liền.
Người ta không thể tưởng tượng được rằng, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Microsft, một kẻ sống nhờ Windows đã không còn thu tiền bản quyền. Windows 10 sinh ra là sự kết hợp hoàn hảo từ sự ổn định của Windows 7 và hỗ trợ cảm ứng của Windows 8.1.
Dưới sự lãnh đạo của Satya Nadella, vị CEO gốc Ấn, Microsoft đã bừng tỉnh sau giấc ngủ dài.
Tháng 10 năm đó, một sự kiện lạ lùng hơn gây sốt trong giới công nghệ: Microsoft giới thiệu phiên bản Office cho iPad, đối thủ của mình.
Tiếp tục những câu chuyện lạ như thế, Microsoft tập trung tối ưu và đưa những phần mềm độc quyền của họ lên hai nền tảng đối thủ là iOS và Android.
Microsoft cũng quyết định chấm dứt vòng đời của Windows 10 Mobile, dứt hẳn mảng di động ra khỏi sự phát triển chung của hãng, và bán lại Nokia chỉ với 350 triệu USD cho HMD, sẵn sàng chịu lỗ 20 lần chỉ trong vòng hai năm.
Dưới sự lãnh đạo của Satya Nadella, vị CEO gốc Ấn đã khiến "ông già khó tính"-Microsoft mở hơn bao giờ hết, và tập trung trở lại phần mềm, lĩnh vực thế mạnh của hãng này.
Cũng trong năm 2017, Microsoft đã bất ngờ hỗ trợ cả các nền tảng của đối thủ cạnh tranh, như Linux và macOS. Red Hat, một trong những nhà phát triển Linux nổi tiếng thế giới, cũng đã xác nhận rằng .NET Core 1.0 có hỗ trợ hệ điều hành Red Hat Enterprise Linux.
Gã khổng lồ phần mềm cũng chấp nhận phát triển cơ sở dữ liệu SQL Server của mình trên hệ điều hành Linux. Đây là lần đầu tiên Microsoft phát triển dịch vụ của mình trên nền tảng không phải là Windows.
Một Microsoft mở hơn với tất cả các nền tảng.
Nhiều người nói rằng Microsoft cũng đã yêu Linux rồi. Nhưng khi mà cả thế giới đang thay đổi, thì ngay cả gã khổng lồ cũng phải thay đổi nếu như muốn tồn tại.
Sự thân thiện và cởi mở đến bất ngờ của Microsft khiến nhiều người nghi ngại cho tương lai của công ty này, khi những sản phẩm chủ lực là Windows và Office đã không đem lại tiền nữa.
Thế nhưng, Microsoft đã tìm ra câu trả lời đúng cho mình, đó chính là điện toán đám mây, tương lai mới của thế giới công nghệ.
Điện toán đám mây (Cloud computing) là các nguồn điện toán như phần mềm, hệ điều hành, cơ sở dữ liệu… sẽ thực hiện trên máy chủ ảo (đám mây) thay vì sử dụng máy tính bàn, laptop.
Sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, doanh nghiệp không phải tốn chi phí để mua sắm, duy trì, bảo dưỡng, thuê người quản lí. Tất cả các doanh nghiệp có thể truy cập vào tài nguyên trên đám mây, tại bất kỳ đâu thông qua hệ thống mạng Internet.
Với Microsoft Azure, Microsoft đến thị trường điện toán đám mây khá muộn vào năm 2010, nhưng đã tự phát triển bằng cách sử dụng phần mềm sẵn có của mình - Windows Server, Office, SQL Server, Sharepoint, Dynamics Active Directory, .Net và các dịch vụ khác... tái sử dụng phần mềm của mình cho điện toán đám mây.
Hoàn toàn không phải trí tuệ nhân tạo hay xe điện, điện toán đám mây mới chính là cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo của thế giới. Chỉ trong vòng chưa đầy chục năm, Microsoft đã "soán ngôi" vị trí số một của Amazon trong lĩnh vực điện toán đám mây, đem về doanh thu chục tỉ USD la mỗi năm cho tập đoàn này.
Nhờ đà tăng trưởng khởi sắc của lĩnh vực điện toán đám mây, doanh thu của tập đoàn công nghệ này trong quý IV/2018 đã tăng 12,3% lên 32,47 tỉ USD, so với mức dự báo trung bình 32,51 tỉ USD của các nhà phân tích.
Điện toán đám mây là tương lai của Microsoft.
Điện toán đám mây giúp Microsoft đã chiếm một vị trí quan trọng, trở thành nền tảng cho mọi công nghệ trên thế giới.
Kể từ 2014, cổ phiếu của Microsoft chỉ tăng một chiều và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bằng những cải tiến phần mềm trên Windows 10 và những sản phẩm phần cứng mang thương hiệu Surface sang trọng, sáng tạo đã giúp Microsoft không chỉ đánh bật iPad ra khỏi vị trí của nó, mà khiến ngay cả Apple trước đó từng chỉ trích những chiếc Surface Pro nay cũng phải chạy theo bắt chước.
Surface Pro, Microsoft đã tạo ra xu hướng laptop lai máy tính bảng trên thế giới và thực sự đã vực dậy mảng PC sau nhiều năm suy thoái trước sức ép đến từ những chiếc smartphone.
Mới gần đây, sản phẩm tìm kiếm Bing cũng công bố kết quả có lãi sau nhiều năm lép vế trước Google. Những nỗ lực của Microsoft nhằm lấy lại vinh quang giờ đã có quả ngọt.
Ngày nay, nhìn vào cái cách mà một công ty đứng dậy và lấy lại hào quang sau hơn hai thập kỉ vắng bóng, người ta không thể không cảm phục tinh thần chiến binh và tâm thế của một kẻ dẫn đầu mang tên Microsoft.