Lễ Phật Đản hay Vesak là lễ kỉ niệm ngày sinh của Đức Phật. Đây cũng là ngày nghỉ lễ quốc gia ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Indonesia, Singapore, Campuchia…
Tại Đài Loan, ngày Phật Đản được tổ chức hàng năm vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5, trùng với ngày của Mẹ.
Trong khi ở nhiều ngôi chùa Nhật Bản, ngày Đức Phật sinh được tổ chức vào ngày 8/4 dương lịch, ít khi theo âm lịch của Trung Quốc (từ năm 1873, Nhật Bản đã thông qua lịch Gregorian).
Còn tại Myanmar, ngày Vesak còn gọi là ngày của Kason. Trong đó Kason là tháng thứ 2 trong 12 tháng theo lịch Myanmar.
Do sử dụng hệ thống lịch riêng nên trước đây, một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền (Bắc tông) thường cử hành Đại lễ kỉ niệm vào ba ngày khác nhau trong năm.
Cụ thể, Phật giáo Bắc tông cho rằng, ngày 15/2 âm lịch là ngày Phật Niết Bàn, ngày 8/4 âm lịch là ngày Phật sinh còn ngày 8/12 âm lịch là ngày Phật thành đạo.
Lễ Phật Đản mang nhiều ý nghĩa quan trọng. (Ảnh minh họa: VGP/Thế Phong).
Nhưng Phật giáo Nam tông thì quan niệm, cả ba dịp này đều diễn ra vào ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch hay ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch. Biểu hiện rõ ràng nhất là Phật giáo các nước Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia, Indonesia.
Vào những năm có 2 ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch, mỗi quốc gia lại kỉ niệm lễ Phật Đản vào các ngày khác nhau. Chẳng hạn năm 2007, nhiều nơi tổ chức Đại lễ Vesak vào ngày trăng tròn đầu tiên, tức ngày 1/5, trong khi những nơi khác lại kỉ niệm ngày lễ trọng đại này vào ngày trăng tròn lần 2 tức ngày 31/5.
Ngoài ra, do cách tính kỉ nguyên Phật lịch tại các quốc gia theo truyền thống Nam tông khác nhau nên năm Phật lịch có thể cách nhau một năm tùy theo quốc gia.
Đại lễ Phật Đản là một trong những lễ hội quan trọng nhất của tăng ni, phật tử trên toàn thế giới. Đây là dịp để tăng ni, phật tử và nhân dân tưởng nhớ ngày sinh của Đức Phật Thích Ca - người khai sáng đạo Phật.
Tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên diễn ra từ ngày 25/5 đến ngày 8/6 năm 1950 ở Colombo, Tích Lan, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch.
Trong khi đó như đã nhắc tới ở trên, một số nước Đông Á thường kỉ niệm lễ Phật Đản ngày vào ngày 8/4 âm lịch.
Tháng 12/1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Đồng thời những hoạt động kỉ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp Quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch.
Xem thêm: Điều đặc biệt ở chùa Tam Chúc - nơi diễn ra Đại lễ Phật Đản Vesak 2019
Với chủ đề "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững", Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc - Vesak 2019 diễn ra tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) từ ngày 12-14/5/2019.