Tâm sự nhân viên ngân hàng '0 đồng' những ngày cận Tết

Đã cùng nhau đi qua 4 mùa Tết Nguyên đán không thưởng với lương tối thiểu thấp nhất hệ thống, những nhân viên ngân hàng nằm trong 3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc vẫn an ủi nhau chờ đến ngày sau cơn mưa trời lại sáng.

Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là hạn cuối cùng để Chính phủ thông qua đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém được Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc với giá 0 đồng từ năm 2015. Đây cũng là năm đáng mong chờ nhất của các nhân viên đang làm việc tại hệ thống 3 ngân hàng này, họ vẫn tin rằng "sau cơn mưa trời sẽ lại sáng".

Năm 2019 đi qua với nhiều thông tin tích cực trong hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhiều ngân hàng báo lãi lớn với những con số kỉ lục lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, như BIDV báo lãi 10.800 tỉ đồng; Vietcombank báo lãi 23.155 tỉ đồng; Agribank 11 tháng báo lãi 11.000 tỉ đồng; Vietinbank cũng báo lãi 11.500 tỉ đồng lợi nhuận riêng lẻ...

Tuy nhiên, cùng với niềm vui của những con số lợi nhuận vượt bậc từ các ông lớn thì đâu đó vẫn còn những nỗi buồn "nho nhỏ" của nhân viên các ngân hàng yếu kém. Họ không được chờ đợi thưởng Tết, chưa thể vạch ra các kế hoạch cho tương lai, vì "miếng cơm manh áo" vẫn còn treo ở đó, phương án tái cơ cấu ngân hàng vẫn còn đang dang dở.

Tâm sự nhân viên ngân hàng '0 đồng' những ngày cận Tết - Ảnh 1.

Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là trường hợp thứ 2 được mua lại với giá 0 đồng vào ngày 25/4/2015.

Ngày 30/12/2019, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã báo cáo tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 (Nghị quyết 01/NQ-CP). 

Theo đó, một vấn đề trọng tâm được Phó Thủ tướng nêu ra là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn. Trong đó, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc; ban hành khuôn khổ thể chế quản lí thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt.

Với kim bài "đang tái cơ cấu" hiện nay không nhiều thông tin về hoạt động của các ngân hàng 0 đồng được công khai. Tuy nhiên, xem xét các thông tin cập nhật thời gian gần đây trên website chính thức của 3 ngân hàng là Oceanbank, GPBank và CB Bank, có thể thấy các ngân hàng này cũng đang chạy nước rút, để có được một phương án tái cơ cấu cụ thể, rõ ràng.

Đối tác Nhật Bản đang tham gia tìm hiểu Oceanbank

Chiều ngày 31/12/2019, tại buổi lễ động viên quyết toán 2019 và trao quyết định bổ nhiệm nhân sự  tại Trụ sở chính Oceanbank, một thông tin hiếm hoi về kết quả hoạt động của ngân hàng đã được đưa ra.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch HĐTV Oceanbank, khẳng định trong giai đoạn 5 năm tái cơ cấu (từ 2015-2019), OceanBank đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững hệ thống OceanBank, đảm bảo xuyên suốt việc chi trả cho khách hàng, giải quyết xử lí nợ xấu và tiến hành công tác đàm phán với đối tác nước ngoài.

Theo thông tin mà Nhadautu.vn tìm hiểu được, hiện đang có một đối tác Nhật Bản tìm hiểu và có thể tham gia tái cơ cấu Oceanbank trong giai đoạn tới.

Theo chia sẻ từ phía CB Bank, ngân hàng này đang đẩy mạnh kinh doanh theo đúng định hướng của NHNN và bám sát 3 trọng tâm cơ bản là tập trung thu hồi những khoản nợ lớn, phát triển tín dụng bán lẻ và quản lí hiệu quả chi phí hoạt động. 

Ước thực hiện đến hết năm 2019, tổng tài sản của CB đạt trên 20.000 tỉ đồng; số dư huy động vốn tăng ròng gần 4.000 tỉ đồng, tăng khoảng 14% so với năm 2018; doanh số tín dụng tăng ròng trên 1.000 tỉ đồng tăng gần 10% so với năm 2018. 

Đặc biệt, công tác xử lí, thu hồi nợ đạt được kết quả tích cực. Lũy kế đến 30/11/2019 đạt trên 5.500 tỉ đồng đối với nhóm nợ thu hồi theo bản án, và trên 800 tỉ đồng thu hồi nhóm nợ nhỏ lẻ. 

Hiện tại CB có tổng số gần 1.500 nhân sự với 100 điểm hoạt động trên toàn quốc.

GPBank là ngân hàng đầu tiên trong số 3 nhà băng bị mua lại bắt buộc với giá 0 đồng. Tuy nhiên, không có nhiều thông tin về hoạt động của ngân hàng này từ thời điểm 2016 đến nay (sau khi bị mua bắt buộc). Tuy nhiên, mới đây GPBank đã công khai tìm kiếm nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu hoạt động.

Tiêu chí của nhà băng này đưa ra là các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm và nhu cầu quan tâm tham gia tái cơ cấu GPBank, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng và pháp luật khác có liên quan. Thời gian nộp phương án cơ cấu chậm nhất là chiều ngày 16/12/2019.

Có thể thấy quyết tâm của Chính phủ, và bản thân các ngân hàng bị mua bắt buộc cũng đang rất "sốt ruột", để có được một phương án tái cơ cấu cụ thể trong năm 2020.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng thương mại, để tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng sẽ phải dựa chủ yếu vào các đối tác nước ngoài để có nguồn tài chính mạnh. Đây là một phương án khả thi, tuy nhiên nó cũng còn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách từ phía nhà nước có thể cấp cho nhà đầu tư. 

Ngoài về giới hạn tỉ lệ sở hữu, theo vị này thì còn các cơ chế khác như tăng trưởng tín dụng "riêng", phát triển mạng lưới và tỉ lệ dự trữ bắt buộc.

Từ phía các ngân hàng bị mua lại bắt buộc, theo chia sẻ của nhân viên thuộc khối này thì từ thời điểm bị NHNN mua lại đến nay (5 năm), họ chỉ được hưởng mức lương tối thiểu trong hệ thống và không có thưởng. 

Đi qua 4 cái Tết Nguyên đán cùng nhau, họ chỉ có thể động viên nhau bằng tinh thần và sẽ tiếp tục đón tết Nguyên đán năm nay theo "thông lệ". Bản thân các nhân viên gắn bó lâu năm với ngân hàng đều đã ở độ tuổi ngoài 40. 

Thực tế rất khó để họ dứt áo ra đi và tìm một công việc mới, khi trước đó, vào thời điểm khó khăn nhất là bị mua lại bắt buộc họ cũng đã quyết tâm ở lại. 

Theo chia sẻ, điều mà những nhân viên này, mong muốn nhất hiện nay là sớm có "cái kết cuối cùng" cho số phận của ngân hàng để họ "yên vui" làm việc.

Mục tiêu trong năm 2020 phải hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lí ngân hàng mua bắt buộc không chỉ là mong muốn từ phía Chính phủ, mà còn là tâm nguyện, hi vọng lớn lao của hàng ngàn nhân sự đang làm việc các ngân hàng này. 

Đây có thể là cơ hội cuối cùng để 3 ngân hàng Oceanbank, CB Bank, GPBank có thể đứng một mình tái hoà nhập vào thị trường tài chính.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.