Tập đoàn Hòa Bình đặt mục tiêu lãi tăng 260%, sắp chào bán 74 triệu cổ phiếu để bổ sung vốn kinh doanh

Tập đoàn Hòa Bình vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ sắp tới với kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng hơn 260% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công ty dự kiến tăng thêm hơn 800 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trong năm nay.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) đặt mục tiêu năm 2022 đạt tổng doanh thu 17.500 tỷ đồng, tăng 54,1% so với kết quả năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng, tăng 261%. 

 Nguồn: Xây dựng Hòa Bình. 

Song, mục tiêu lợi nhuận này đã giảm 17% so với nghị quyết mà Hội đồng quản trị công ty thông qua hồi tháng 1 đầu năm nay. Khi đó, công ty kỳ vọng doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 420 tỷ đồng.

Theo nhận định của Chứng khoán BSC, giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2022 của Xây dựng Hòa Bình kỳ vọng đạt 20.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, giá trị backlog chuyển sang từ 2021 là 18.900 tỷ đồng, tăng 39%. Bên cạnh đó, việc thoái vốn khỏi 4/11 dự án bất động sản trong giai đoạn 2022-2023 ước tính đem về cho công ty trên 1.000 tỷ đồng. 

Liên quan đến hoạt động kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình, gần đây nhất, liên danh Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) - Xây dựng Hòa Bình đã có văn bản xin được chỉ định làm tổng thầu xây lắp tại hai dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau và Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Hai dự án cao tốc nói trên có tổng mức đầu tư khoảng 45.000 tỷ đồng. Trong đó, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau có tổng mức đầu tư khoảng 27.000 tỷ đồng còn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) khoảng 18.000 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, mỗi thành viên trong liên danh sẽ đảm nhiệm thi công và hoàn thiện 50% giá trị dự án.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh được trình bày trong tài liệu họp ĐHĐCĐ, Xây dựng Hòa Bình cũng công bố kế hoạch tài chính cho năm 2022. Theo đó, công ty dự kiến phát hành 74 triệu cổ phiếu riêng lẻ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thanh toán các khoản nợ vay nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp. Dự kiến thời gian thực hiện trong năm 2022-2023. Giá phát hành cụ thể vẫn chưa được công ty công bố. 

Số cổ phiếu từ đợt phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, Xây dựng Hòa Bình cũng cho biết sẽ phát hành 12,55 triệu cổ phiếu ESOP với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cp), trong đó, 1,3 triệu đơn vị theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2016; 2,5 triệu cp theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2017; 3,75 triệu đơn vị theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019 và 5 triệu đơn vị theo kế hoạch năm nay. 

Sau khi hoàn tất các đợt phát hành trên, vốn điều lệ của Xây dựng Hòa Bình dự kiến sẽ tăng từ hơn 2.456,5 tỷ đồng lên 3.322 tỷ đồng. 

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.