Tập đoàn Hòa Bình kỳ vọng lãi năm 2022 tăng vọt sau khi trúng loạt gói thầu từ cuối năm qua

Tập đoàn Hòa Bình vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 tăng vọt so với kế hoạch năm 2021 mặc dù công ty chỉ mới thực hiện 31% kế hoạch lợi nhuận năm nay sau ba quý.

Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo đó, công ty kỳ vọng doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 420 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 79% so với kế hoạch kinh doanh năm 2021.

Hiện, công ty vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2021. Lũy kế ba quý đầu năm 2021, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận 7.536 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Song, nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 115% cùng với việc tiết giảm đáng kể chi phí quản lý, công ty báo lãi sau thuế tăng 17%, đạt 73,3 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III/2021, công ty đã thực hiện lần lượt 56% và 31% kế hoạch kinh doanh của năm.

Trong quý IV/2021, Xây dựng Hòa Bình đã công bố trúng thầu 5 gói thầu xây dựng với tổng giá trị 2.419 tỷ đồng, bao gồm khách sạn Grand Mecure thuộc dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 2 (90 tỷ đồng); khách sạn H1&2 (266 tỷ đồng) và khách sạn H4 (61 tỷ đồng) thuộc dự án Tổ hợp du lịch Thung Lũng Đại Dương. Cả hai dự án này đều do thành viên nhóm Novaland (NVL) làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó còn có gói thầu thi công dự án Heritage West Lake do liên doanh CapitaLand và Hiền Đức Group làm chủ đầu tư (tổng giá trị gói thầu 1.800 tỷ đồng) và dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng để bán đối với lô đất TT3 thuộc ô quy hoạch C14 tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội do CTCP Đầu tư Bất động sản Song Lộc làm chủ đầu tư (tổng giá trị gói thầu 202 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Công ty Phân tích thị trường Mordor Intelligence, thị trường xây dựng tại Việt Nam trong năm 2020 đạt 57,5 tỷ USD và dự kiến đạt 94,9 tỷ USD vào năm 2026, tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến là 8,7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026.

Nhóm ngành này cũng được đánh giá là có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ, hoặc gián tiếp từ tác động lan tỏa của chính sách này. Trong thời gian 3 - 5 năm tới, đầu tư công sẽ được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến là 50.000 tỷ đồng, đây cũng là mức đầu tư công trung hạn cao nhất từ trước đến nay. 

Theo báo cáo chiến lược tháng 1/2022 của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), ngành Xây dựng cũng sẽ được hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp và môi trường pháp lý có nhiều chuyển biến tích cực. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.