Tập đoàn Hòa Bình ra loạt kế hoạch mới để giải bài toán dòng tiền, vay tối đa 2.000 tỷ từ MSB

Trong các nghị quyết vừa công bố, Hòa Bình cho biết sẽ vay tối đa 2.000 tỷ đồng từ MSB, đồng thời sẽ mượn cổ phiếu của gia đình Chủ tịch Lê Viết Hải làm tài sản đảm bảo cho việc cấp bảo lãnh thanh toán đối với hai lô trái phiếu tại ngân hàng này.

Ngày 21/5 vừa qua, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) đã đồng loại công bố 9 nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT), trong đó có nhiều quyết định nhằm tạo nguồn tiền cho công ty. 

Nghị quyết thứ nhất, HĐQT Hòa Bình chấp thuận việc mượn cổ phiếu của bên liên quan là gia đình Chủ tịch Lê Viết Hải để thế chấp vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), làm tải sản đảm bảo cho việc cấp bảo lãnh thanh toán đối với các gói trái phiếu phát hành theo hai nghị quyết vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 của Hòa Bình. 

Công ty sẽ tạm ứng 266 tỷ đồng cho bà Phạm Thị Quốc Hương để giải chấp 45 triệu cổ phiếu của gia đình ông Lê Viết Hải tại một số công ty chứng khoán, sau đó thế chấp lại số cổ phiếu này vào MSB. 

Số tiền tạm ứng nêu trên sẽ được hoàn trả lại công ty khi công ty hoàn trả lại cho gia đình ông Lê Viết Hải số cổ phiếu đang thế chấp tại MSB. Tiền lãi phát sinh từ khoản tạm ứng 266 tỷ đồng sẽ được bù trừ với tiền lãi phát sinh từ việc mượn cổ phiếu của gia đình ông Hải. 

Thứ hai, HĐQT Hòa Bình đã thông qua việc thực hiện đề nghị và giao dịch cấp tín dụng với MSB với hạn mức cấp ngắn hạn tối đa 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hạn mức cho vay tối đa 1.000 tỷ đồng; hạn mức bảo lãnh tối đa 1.000 tỷ đồng.

Mục đích, bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh phục vụ hoạt động kinh doanh. Thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng phát hành 5 triệu cổ phiếu cho Sanei Architechture Planning Co. Ltd. Sanei là đối tác Nhật Bản đã đồng ý mua 5 triệu cổ phiếu HBC phát hành riêng lẻ theo công bố năm 2022 của Hòa Bình.  

HĐQT Hòa Bình cũng chấp thuận việc tạm ứng cho bà Phạm Thị Quốc Hương với số tiền 99,5 tỷ đồng để có 5 triệu cổ phiếu HBC, nhằm đảm bảo cho việc thực hiện thỏa thuận phát hành cổ phiếu giữa Sanei Architecture Planning Co. Ltd với công ty. 

Sau khi thực hiện xong thỏa thuận với doanh nghiệp trên, HĐQT Hòa Bình giao Chủ tịch HĐQT công ty xem xét, theo dõi giá cổ phiếu và quyết định thời điểm bán 5 triệu cổ phiếu trên để hoàn ứng cho công ty. 

Thứ ba, đối với khoản tạm ứng 20 tỷ đồng của ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Tài chính Hòa Bình nhằm mục đích phát triển khách hàng tiền năng để tăng trưởng doanh thu, HĐQT công ty chấp thuận việc chuyển khoản tạm ứng này thành khoản vay cá nhân của ông Thành đối với công ty. Ông Thành có nghĩa vụ hoàn trả số tiền trên theo đúng kế hoạch cam kết. 

Thứ tư, HĐQT công ty cũng thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH MTV Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình (HBIC) cho Công ty TNHH Nuance hoặc bên thứ 3 do Nuance chủ định. Giá chuyển nhượng là 167 tỷ đồng. Trong đó phần đã chi cho dự án là 127 tỷ, còn lãi 40 tỷ.  

Theo báo cáo tài chính gần nhất của Hòa Bình, tại thời điểm cuối quý I, HBIC đều không phải công ty con, công ty liên kết hay công ty đầu tư dài hạn khác của Hòa Bình. Song, người đại diện pháp luật của đơn vị này là ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình. 

Thứ năm, ở chiều ngược lại, HĐQT Hòa Bình thông qua việc phát hành tăng vốn điều lệ với số lượng phát hành 47 triệu cổ phiếu, giá 12.000 đồng/cp, cao gấp 1,5 lần giá cổ phiếu trên thị trường (tương đương 564 tỷ đồng). Đối tượng phát hành là hai cổ đông hiện nắm giữ 75% vốn góp của Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân, là ông Phạm Quang Hàng và ông Mai Hữu Thung. 

Hòa Bình cho biết, ông Hàng và ông Thung đều đã đồng ý mua 47 triệu cổ phiếu với mức giá trên. 

HĐQT Hòa Bình cũng chấp thuận chủ trương mua lại 75% phần vốn góp của hai cổ đông nói trên tại BĐS Thành Ngân với số tiền tương đương với giá trị phát hành 47 triệu cổ phiếu là 564 tỷ đồng nói trên.

Nếu hoàn tất phát hành như kế hoạch, vốn điều lệ của Hòa Bình sẽ tăng từ hơn 2.741 tỷ đồng lên hơn 3.211 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, sau khi hoàn tất mua lại 75% phần vốn góp trên, Hòa Bình sẽ đạt tỷ lệ sở hữu 100% dự án 127 An Dương Vương, phường 10, quận 6, TP HCM với tổng diện tích hơn 1,5 ha. Theo ông Lê Viết Hải, đây dự án rất tiềm năng, sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho tập đoàn.  

 Ảnh minh họa: Tập đoàn Hòa Bình.

Mặt khác, tại các nghị quyết còn lại, Hòa Bình cho biết sẽ thành lập thêm một công ty con và việc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp khác. 

Cụ thể, tại nghị quyết thứ sáu, Hòa Bình sẽ thành lập công ty con Công ty TNHH Quy hoạch và Kiến trúc Hòa Bình (HBA), vốn điều lệ 2 tỷ đồng, ngành nghề tư vấn, thiết kế công trình dân dụng và công nghiệp, tư vấn thẩm tra và các dịch vụ khác thuộc lĩnh vực thiết kế. Trụ sở đặt tại quận Đống Đa, TP Hà Nội. 

Nguồn vốn là từ Hòa Bình, ông Vũ Ngọc Kiên và một số cán bộ nhân viên trực thuộc phòng QLTK Miền Bắc. Đại diện pháp luật của HBA là ông Vũ Ngọc Kiên

Đại diện phần vốn góp của Hòa Bình là ông Lê Viết Hiếu, con trai Chủ tịch Lê Viết Hải và hiện là Phó Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng Giám đốc thường trực của Hòa Bình. 

Hòa Bình cho biết, việc thành lập công ty con này là theo định hướng cơ cấu tổ chức mới của Hòa Bình, hướng đến mục tiêu tái cấu trúc đảm bảo hiệu quả cao nhất trong sản xuất kinh doanh và phát triển trong thời gian tới để thực hiện nhiều hơn các dự án tổng thầu D&B trong và ngoài nước. 

Thứ bảy, HĐQT công ty chấp thuận việc mua cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Green+ vào tháng 3/2022. Số lượng cổ phiếu là 1 triệu đơn vị, giá chào bán 16.000 đồng/cp, tương đương 16 tỷ đồng. 

Thứ tám, HĐQT công ty chấp thuận việc mua lại toàn bộ cổ phần của ông Lê Viết Hải tại CTCP Đầu tư Pax International theo vốn thực góp được xác nhận (giá trị hiện nay là hơn 138 tỷ đồng). 

Cuối cùng, HĐQT Hòa Bình cũng chấp thuận các hợp đồng và giao dịch giữa công ty và người có liên quan của công ty, bao gồm nhưng không giới hạn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa công ty với ông Lê Viết Hải và vợ là bà Bùi Ngọc Mai. Diện tích chuyển nhượng là 7.218,6 m2, giá chuyển nhượng 120 tỷ đồng, khu đất nằm tại quận 12, TP HCM. 

Hòa Bình cho biết, tất cả những giao dịch trên, Hòa Bình sẽ không sử dụng tiền mặt mà chỉ phát hành cổ phiếu và thu hồi những khoản tiền tạm ứng phục vụ cho mục đích kinh doanh của Tập đoàn trước đây. Việc thu hồi các khoản tạm ứng này giúp cho Tập đoàn có thêm nhiều tài sản nhằm nâng cao năng lực tài chính. 

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.