Tây Ninh sẽ có ba tuyến cao tốc đi qua, dự kiến làm thêm 339 km quốc lộ

Ba tuyến cao tốc sẽ đi qua địa bàn tỉnh Tây Ninh gồm cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT 02), đoạn Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) - Đức Hoà (tỉnh Long An); cao tốc TP HCM - Mộc Bài (CT 31); cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (CT 32).

Dự thảo quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dẫn thông tin từ Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết, tỉnh Tây Ninh sẽ có ba tuyến cao tốc đi qua với tổng chiều dài 113 km.

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ có 5 tuyến quốc lộ đi qua, với tổng chiều dài đoạn qua tỉnh khoảng 471 km (so với hiện trạng đang có tăng 339 km).

 Quy hoạch mạng lưới GTVT kết nối liên vùng tỉnh Tây Ninh.

Ba tuyến cao tốc đi qua bao gồm cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT 02), đoạn Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) - Đức Hoà (tỉnh Long An), dài 84 km, quy mô 6 làn xe, giai đoạn - đầu tư trước năm 2030; trong đó qua Tây Ninh dài 21,7 km. Tuyến dự kiến được Bộ GTVT phân kỳ đầu tư quy mô đường cấp III trong giai đoạn 2021 - 2025.

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài (CT 31), chiều dài khoảng 50 km (đoạn qua Tây Ninh dài 26,3 km) kết thúc tại cửa khẩu Mộc Bài, quy mô 6 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Dự án đang được TP HCM và tỉnh Tây Ninh phối hợp thực hiện kêu gọi đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 (4 làn xe) trong năm 2027. Định hướng bổ sung nhánh kết nối với đường cao tốc Phnom Penh – Bavet, Campuchia theo hành lang Xuyên Á.

Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (CT 32), chiều dài khoảng 65 km, quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030. Tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư giai đoạn 1 (đoạn từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh, dài khoảng 28 km) trong giai đoạn trước năm 2030.

Đối với quốc lộ qua địa bàn tỉnh, hiện tại, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh có 8.260km đường bộ, trong đó có 3 tuyến quốc lộ (do Bộ GTVT quản lý) với tổng chiều dài khoảng 132 km, gồm đường Xuyên Á (quốc lộ 22); quốc lộ 22B và quốc lộ 22B kéo dài.

Đến năm 2030, tỉnh sẽ có 5 tuyến quốc lộ đi qua, với tổng chiều dài đoạn qua tỉnh khoảng 471 km (so với hiện trạng đang có tăng 339 km). 5 tuyến quốc lộ này bao gồm quốc lộ 22, điểm đầu nằm tại ngã tư An Sương; điểm cuối nằm tại cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, chiều dài 59 km, quy mô quy hoạch cấp I - II, 4 - 6 làn xe.

Quốc lộ 22B có điểm đầu giao QL 22, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh; Điểm cuối nằm tại cửa khẩu chính Chàng Riệc, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; chiều dài 104 km; quy mô quy hoạch tối thiểu cấp II - III, 2 - 4 làn xe.

Quốc lộ 22C có điểm đầu kết nối vào vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Mỹ Phước) thuộc tỉnh Bình Dương; Điểm cuối nằm tại cửa khẩu chính Kà Tum, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, chiều dài khoảng 120 km, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2 - 4 làn xe.

Hướng tuyến đoạn qua tỉnh Tây Ninh sẽ kết nối với ĐT 744 (tỉnh Bình Dương) - đường kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh (vượt sông Sài Gòn tại cầu đang đầu tư xây dựng) - ĐT 789B (Đất Sét - Bến Củi) - ĐT 789 - đi dọc Hồ chứa nước Dầu Tiếng theo ĐT 781 - ĐT 781B đến ngã tư Tân Hưng - ĐT 785 đến cửa khẩu chính Kà Tum; chiều dài khoảng 68 km.

Quốc lộ 14C lộ trình tuyến đoạn qua tỉnh Tây Ninh bắt đầu từ cầu Sài Gòn (giáp tỉnh Bình Phước) - ĐT 794 - ĐT 785 - ĐT 792 - ĐT 791 - ĐT 788 - ĐH 5 - ĐH 6 - ĐH 7 - ĐT 781 - ĐT 796 - đường Trà Sim - Long Chữ - ĐT 786 - đường tránh qua thị trấn Bến Cầu - ĐT 786 - ranh tỉnh Long An; dài khoảng 200 km, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III - IV, 2 - 4 làn xe. Đoạn trùng với ĐT 791 và một số đoạn kết nối đầu tư trước năm 2030.

Quốc lộ 56B có lộ trình tuyến đoạn qua tỉnh Tây Ninh bắt đầu từ cầu kết nối với tỉnh Bình Dương (vượt sông Sài Gòn) - ngã ba Cây Me - ĐT 782 - ngã ba Bàu Đồn - ĐT 784 - ngã tư Tân Bình - ĐT 785 - ngã ba Cầu Gió - đường Trần Văn Trà - trùng QL 22B - ngã tư Sư đoàn Bộ bình 5 - ĐT 781 - đến cửa khẩu chính Phước Tân; chiều dài khoảng 71 km, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2 - 4 làn xe.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.