Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày khiến các chị em lo “sốt vó”
Thông tin về lịch nghỉ tết năm nay những 7 ngày khiến chị em sốt xình xịch. Nguyên nhân không phải hào hứng mà là... sợ Tết. Ngoài những vấn đề liên quan đến việc đảo lộn sinh hoạt hàng ngày như chuyện học tập của con cái, người giúp việc rậm rịch đòi về quê, đòi thưởng Tết, họ hàng hai bên nhắc nhở chuyện lễ Tết về ngày nào, thăm ai, lương thưởng cho Tết có đủ “ấm” không... thì một nguyên nhân khiến phụ nữ sợ Tết đó chính là việc phải làm “vợ hiền dâu thảo” ngày Tết.
Mỗi khi nghĩ đến Tết, các chị em phụ nữ Việt lại lo "sốt vó" (Ảnh: Vietnamnet) |
3 cái Tết đã trôi qua kể từ ngày chị Vân (Hà Nội) phải về quê chồng đón Tết ở Lạng Sơn. Tuy đường xá cũng không quá xa xôi, chỉ hơn 200 km nhưng năm đầu tiên chị mang thai nên chuyến đón Tết ở nhà chồng vẫn trở thành nỗi ám ảnh mỗi dịp xuân về. Anh Trung nhà chị vốn là con trưởng lại còn độc đinh của dòng họ, mỗi dịp lễ Tết đều phải có mặt để làm lễ, rồi cả dòng họ quây quần lại ở nhà thờ Tổ, cũng là ngôi nhà mà bố mẹ chồng đang sống. Năm đầu tiên về, mặc dù đã được chồng động viên tinh thần là chỉ về chơi thôi, không cần phải làm gì cả nhưng chị Vân vẫn tá hỏa khi vừa bước đến cổng nhà đã thấy mấy chục người đang tất bật dựng rạp, các bà các cô trong họ thì tay dao tay thớt băm chặt thái từ ngoài cổng đi vào.
Mặc dù chồng bảo đi xa về cứ nghỉ ngơi nhưng nghĩ phận dâu mới, ai lại ru rú ở phòng trong khi các cô các dì đang tất bật với ngổn ngang cỗ bàn thế kia. Thế là thay vội bộ quần áo ở nhà cho thoải mái, Vân nhiệt tình ra giúp các họ hàng nhặt rau đến... gù cả lưng, đứng dậy còn phải nhờ người dìu vì tê hết cả chân tay.
Hơn chục mâm cỗ vừa tàn, một đống bát đĩa lại ngổn ngang, ai cũng bận việc nhà nên dành lại phần rửa bát cho dâu mới, Vân và cô chị dâu đành phải giải quyết nốt hơn chục mâm bát rồi mới đi ngủ. Chồng thì say bét nhè nên ngủ tít, Vân vừa rửa bát vừa đau ê ẩm hết cả người, đến khi xong xuôi cô lên giường làm một giấc đến sáng quên cả tắm rửa.
Chung nỗi niềm với Vân, chị Huyền (Phú Thọ) cũng thở dài khi nghĩ đến kì nghỉ Tết năm ngoái. Vừa có quyết định nghỉ Tết thì bà giúp việc đã nằng nặc đòi về quê vì phải chuẩn bị Tết nhất cho con cái. Ngoài tiền lương tháng, chị Huyền còn thưởng thêm cho bà lương tháng thứ 13 theo cam kết, ngặt nỗi vì con vẫn đang đi lớp, chị vẫn đi làm chưa được nghỉ, trong khi lương thưởng còn chưa biết được bao nhiêu, hai bên gia đình thì nhắc nhở về ăn Tết, mỗi lần về nhà hai bên là vợ chồng lại bay mất một khoản ít nhất chục triệu. “Ai cũng biết là cả năm mới có một lần, làm quanh năm cũng chỉ chờ cái Tết, vì tâm lí như thế nên năm nào cả nhà cũng trắng tay sau Tết, đã thế mọi việc cứ nháo nhào hết cả!” – Chị Huyền than thở.
Những mâm bát như thế này luôn là hình ảnh thường trực trong những ngày Tết (Ảnh: Tiin) |
Nên nghỉ Tết mấy ngày là đủ?
Nhiều chị em công sở than thở lịch nghỉ Tết năm nay quá dài, bởi mang tiếng nghỉ nhưng các chị em chẳng hề được nghỉ, thậm chí còn mệt mỏi hơn cả ngày thường. Cả năm làm lụng vất vả, có chút thưởng Tết để tiết kiệm thì lại phải chi tiêu quá nhiều, đi lại hai bên nội ngoại tốn kém, lại thêm phải thực hiện bổn phận khiến các chị em chả thiết tha gì Tết.
Chị Thu (nhân viên Sale, công ty TNHH Đại Việt, Hà Nội) đã “mạnh dạn” tổ chức cho cả nhà một kì nghỉ Tết tại Hội An (Đà Nẵng) vào năm ngoái. Thay vì về quê như mọi năm, chị bàn với chồng “trốn” Tết bằng cách cả nhà sẽ đi du lịch đúng vào dịp Tết nguyên đán để có một kì nghỉ Tết đúng nghĩa. Quyết định của gia đình chị Thu khiến nhiều người nửa thèm thuồng nửa chép miệng cho rằng hơi “ích kỉ” khi chỉ biết nghĩ đến mình. Chị Thu chia sẻ bản thân đã về nhà chồng ăn Tết đến năm thứ 7, bổn phận làm dâu con vẫn thực hiện cả 365 ngày chứ không chờ đến Tết mới thể hiện, nên chị hoàn toàn có thể quyết định được việc nghỉ Tết ở đâu. Hai bên gia đình cũng bày tỏ hơi buồn khi các cháu không về thăm nhưng ngay sau Tết thì cả nhà lái xe về thăm ông bà nội ngoại và tặng quà nên hai bên cũng không trách cứ mà hoàn toàn thông cảm vì “bọn trẻ giờ nó sống khác mình thời xưa”.