Thái Bình sẽ có khu công nghiệp nằm trên đường ven biển, gần hai đường vành đai, bố trí xây dự án 800 triệu USD của Geleximco

KCN Hưng Phú do Geleximco Hưng Phú làm chủ đầu tư có quy mô 209 ha, nằm trên tuyến đường nối vành đai 4 - vành đai 5. Tại dự án này, Geleximco có kế hoạch đầu tư khoảng 800 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.

Ngày 13/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Hưng Phú tại tỉnh Thái Bình đối với CTCP Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú. Trước đó, quy hoạch phân khu 1/2000 của dự án đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt vào tháng 6/2023.

Theo phê duyệt, KCN Hưng Phú nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, thuộc địa phận xã Nam Hưng, Nam Phú, huyện Tiền Hải với tổng diện tích quy hoạch 209 ha.

Phía bắc dự án giáp ĐT.462; phía nam giáp sông Hồng; phía đông giáp các khu dân cư của xã Nam Phú và đường hành lang bảo vệ cầu của đường ven biển; phía tây giáp với khu dân cư xã Nam Hưng và xã Nam Trung.

Ranh giới KCN Hưng Phú. (Nguồn: Chủ đầu tư).

Về hiện trạng, phần lớn diện tích khu đất dự án là đất nông nghiệp (184,7 ha) và đất giao thông (31,7 ha), còn lại khoảng 0,6 ha là đất bãi vật liệu xây dựng. Dân cư xung quanh ranh giới đất dự án có khoảng 1.000 hộ thuộc xã Nam Hưng. 

Về giao thông, khu vực dự án chưa có tuyến đường đối ngoại nào tiếp cận, chỉ có tuyến đường N2 theo quy hoạch (đi qua phía bắc khu đất) theo hướng đông - tây; đường nối vành đai 4 - vành đai 5 Thủ đô (ở phía tây khu đất) theo hướng bắc - nam.

Tuyến đường N2 còn gọi là tuyến đường nhánh cầu Tân Lang theo quy hoạch, rộng khoảng 36 m. Còn tuyến nối vanh đai 4 - vành đai 5 rộng 48 m.

Ngoài ra theo quy hoạch, hệ thống giao thông đối ngoại của KCN Hưng Phú sẽ có thêm tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường TP Thái Bình - Cồn Vành (rộng 80 m).

Về tính chất, đây sẽ là khu công nghiệp tập trung đa ngành ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ tiên tiến, có các khu vực chức năng như nhà máy, kho tàng công nghiệp; điều hành dịch vụ, giao thông,hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe...

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí hơn 147 ha ha xây dựng nhà máy, xí nghiệp; 4,6 ha cho hạ tầng kỹ thuật; 5,4 ha cho công trình hành chính, dịch vụ; 27,2 ha đất cây xanh; còn lại là đất giao thông, mặt nước.

Các công trình nhà máy, xí nghiệp sẽ có mật độ xây dựng 60%, chiều cao tối đa 5 tầng. Công trình hành chính, dịch vụ được xây tối đa 7 tầng, mật độ xây dựng 50%. Các lô đất có vị trí giáp với khu đô thị, khu dân cư không được bố trí cho các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có mức độ độc hại cấp I, cấp I theo quy định.

Không gian của dự án sẽ được quy hoạch theo dạng ô bàn cờ; xây dựng tuyến đường trục chính kết nối giao thông đối ngoại với giao thông nội bộ; thuận lợi cho việc chia lô đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp.

Khu vực xây dựng các nhà máy, xí nghiệp được đề xuất 3 lựa chọn. Lô nhỏ có diện tích khoảng 1 ha, kích thước 50 x 200 m. Lô vừa khoảng 3 - 5 ha, kích thước 120 x 25 m. Lô lớn rộng 8 ha trở lên, kích thước 240 x 350 m.

Tổng mức đầu tư của KCN Hưng Phú khoảng 1.940 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 300 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày giao đất.

Sẽ xây nhà máy sản xuất ô tô 0,8 tỷ USD của Geleximco

Về chủ đầu tư, Geleximco Hưng Phú thành lập vào tháng 6/2023, trụ sở tại TP Thái Bình, vốn điều lệ hiện nay là 500 tỷ đồng và Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Huy Hoàng. Vị này đang đồng thời đang đứng tên tại CTCP Khu công nghiệp và Đô thị An An Hòa, chủ đầu tư của KCN Tam Anh - An An Hòa tại huyện Núi Thành, Quảng Nam (436 ha).

Vào tháng 11 năm ngoái, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng về dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại KCN Hưng Phú.

Ước tính tổng vốn đầu tư cho 3 giai đoạn (chưa bao gồm đầu tư KCN phụ trợ) của dự án vào khoảng 800 triệu USD (khoảng 19.700 tỷ đồng).

Trong đó, giai đoạn 1 (năm 2024 - 2030) vốn đầu tư dự kiến 220 triệu USD, giai đoạn 2 (năm 2031 - 2033) vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, giai đoạn 3 (năm 2034 - 2035) vốn đầu tư khoảng 380 triệu USD.

Tổng nhu cầu sử dụng đất xây dựng nhà máy khoảng 100 ha đáp ứng quy mô sản xuất xe và 100 ha phát triển khu công nghiệp phụ trợ. Dự kiến giai đoạn 1 hoàn thành vào quý III/2025 và nhà máy đi vào sản xuất hàng loạt từ quý IV/2025.

Thái Bình đã có 8 khu công nghiệp được Thủ tướng phê duyệt

Theo Quyết định 326 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 được phân bổ cho tỉnh Thái Bình lần lượt là 2.565 ha và 1.662 ha.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Bình đã có 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, bao gồm KCN Phúc Khánh, KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Đô thị Dịch vụ Liên Hà Thái, KCN Cầu Nghìn, KCN Tiền Hải, KCN Gia Lễ, KCN Sông Trà và mới đây là KCN Hưng Phú.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.