Thanh tra Chính phủ nói gì về sai phạm đất đai ở Quảng Trị?

Thanh tra Chính phủ vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về kết quả thanh tra trong quản lí, sử dụng đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng xảy ra tại tỉnh này.

Theo Thanh tra Chính phủ, công tác quản lí, sử dụng đất đai, qui hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, cho thuê và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Quảng Trị chưa đúng với các quy định của pháp luật.

Trong đó, công tác lập, thẩm định và phê duyệt qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị xã, TP còn chậm so với yêu cầu; chất lượng các qui hoạch chưa cao. Nhiều doanh nghiệp được giao đất, thuê đất nhưng do thiếu năng lực, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai dẫn đến chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí đất đai.

Cũng theo kết luận thanh tra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng các khu dân cư để tổ chức bán đấu giá còn dàn trải; nhiều dự án được Nhà nước giao, cho thuê đất dù được cấp phép khai thác nhưng lại không có hợp đồng cho thuê đất, chưa nộp tiền ký quĩ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định...

Ngoài ra, trong kết luận thanh tra còn nhấn mạnh đến sai phạm trong việc bán trụ sở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và dự án khu đô thị Bắc Thành cổ do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư được hưởng ưu đãi không đúng theo quy định. Việc xác định và áp giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai 2003, gây thất thoát ngân sách 14 tỉ đồng.

“Việc nhiều dự án có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng, gây thất thoát ngân sách nhà nước là do công tác quản lý của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Trị còn yếu kém” - kết luận nêu. Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021 có liên quan đến các sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ cũng giao chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thu hồi vào ngân sách nhà nước số tiền 14 tỉ đồng từ Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn và thu phí bảo vệ môi trường của 29 chủ đầu tư các dự án khác. Đồng thời, thực hiện thu hồi số tiền 5,718 tỉ đồng của các đơn vị còn nợ tiền thuê và tiền sử dụng đất; thu hồi 1,586 tỉ đồng tiền ký quĩ phục hồi môi trường và 5,977 tỉ đồng tiền cấp quyền khai thác của Công ty cổ phần Phát triển khoáng sản 4.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.