Thị trường điện thoại 4G giá rẻ dưới 1 triệu đồng không phải dễ cạnh tranh

Thông tin Bkav bắt đầu bán điện thoại 4G với giá dưới 1 triệu đồng vào tháng tới được cho là một tín hiệu đáng mừng, nhưng thị trường không dễ để cạnh tranh khi có nhiều thương hiệu chen chân cạnh tranh.

Điện thoại "ngốc nghếch"

Việc Bkav bất ngờ công bố việc sẽ sản xuất và phân phối dòng điện thoại 4G với giá rẻ dưới 1 triệu đồng với tên gọi Bkav Smart Feature Phone 4G - C85 không quá mới mẻ khi điều này đã được hoạch định sớm. Tuy vậy, việc tung ra thị trường dòng sản phẩm điện thoại giá rẻ là điều tương đối bất ngờ bởi các sản phẩm Bphone trước đây của Bkav thường có giá khá cao, ở phân khúc trung, cận cao cấp.

Tuy nhiên, sản phẩm mới của Bphone không phải là một "smartphone" mà là một điện thoại với thiết kế theo kiểu cũ: Phím bấm thực, kích cỡ nhỏ gọn (134,5  x 56 x 16,85 mm). Về bản chất, đây là một "feature phone" (điện thoại phụ), hỗ trợ điện thoại chính.

Trào lưu sản xuất điện thoại với mức giá rẻ đã xuất hiện trên thế giới từ nhiều năm trước. Nokia, hãng điện thoại lâu đời bậc nhất, từng tung ra các dòng điện thoại phụ trong vài năm gần đây, với phiên bản tiêu biểu nhất là chiếc 2720 Flip (giá 98 USD).

Ngoài 2720 Flip, các dòng điện thoại phụ của Nokia từng được giới truyền thông gọi với cái tên hài hước là "điện thoại ngốc nghếch" (dumb phone). 

Chờ đợi gì với chiếc điện thoại phụ giá dưới 1 triệu đồng của Bkav - Ảnh 1.

Feature phone của Bkav với thiết kế khá cũ nhưng có tích hợp công nghệ 4G và có thể chạy các ứng dụng phổ biến. Ảnh: Bkav.

Để đảm bảo tính năng đúng như tên gọi, một điện thoại phụ phải có mức giá tương đối rẻ, đồng thời nhỏ gọn và tiện lợi - hai tiêu chí C85 của Bkav hoàn toàn có thể đáp ứng. Theo thông tin từ hãng sản xuất, thậm chí C85 còn sở hữu dung lượng pin "trâu", đủ xứng đáng trở thành một thiết bị thứ hai bên cạnh smartphone.

Bkav chưa công bố giá sản phẩm mới. Người tiêu dùng vẫn chỉ biết hiện công ty sẽ bán chiếc điện thoại phụ với giá dưới 1 triệu. Hiện nay thị trường vẫn có nhiều dòng smartphone với giá tương tự, với sản phẩm tiêu biểu là Phillips Xenium S307 hay MobiiStar Buddy.

Ngoài ra, hầu hết điện thoại dưới 1 triệu đồng đều đã thương mại hóa, tức là công ty chủ quản nhiều khả năng sẽ phải có lãi khi sản xuất và bán với mức giá đó. Để bán C85, Bkav hiện nhận trợ giá từ một nhà mạng lớn sau khi hai bên thỏa thuận.

Thỏa thuận các bên cũng cho phép C85 phân phối ngay tại chuỗi bán hàng của nhà mạng đó. Dù không công bố danh tính, nhưng có khả năng đó là Mobifone vì hiện Bkav cũng đang sử dụng hệ thống phân phối của Mobifone để bán Bphone.

Về tính năng, C85 không hề "ngốc nghếch". Với việc tích hợp 4G, người dùng C85 có thể truy cập các ứng dụng phổ biến như Google, Facebook, Youtube... 

Toan tính của nhà sản xuất

Trong thông cáo báo chí công bố việc ra mắt điện thoại mới, ông Nguyễn Bá Cơ, Giám đốc kinh doanh Bkav, tuyên bố: "Bkav đã có các dòng sản phẩm cao cấp và cận cao cấp. Đây là lúc chúng tôi có thể bắt tay vào làm các dòng smartphone giá rẻ".

Feature phone chưa quá phổ biến trên thị trường nên người dùng khó có thể so sánh. Tuy nhiên ở phân khúc giá tương tự, C85 sẽ phải cạnh tranh với các smartphone khác, và liệu có chiếm được thị phần hay không vẫn còn phải chờ thị trường trả lời.

Dòng điện thoại Bphone của Bkav vẫn được đánh giá là khá "đắt" nếu so với mức cấu hình. Mặc dù có một số tính năng nổi trội như chống nước, nhưng rõ ràng người tiêu dùng vẫn chưa quá cuồng nhiệt với Bphone. Bằng chứng rõ nhất là việc hãng chưa đạt được tốc độ tiêu thụ 1 triệu thiết bị/năm, tiêu chuẩn để Google cấp chứng nhận Play Protect.

Chờ đợi gì với chiếc điện thoại phụ giá dưới 1 triệu đồng của Bkav - Ảnh 2.

Bphone vẫn chưa thể bán 1 triệu thiết bị/năm. Ảnh chụp màn hình.

"Để có một sản phẩm công nghệ tốt với giá cả cạnh tranh, cần có nhà sản xuất am hiểu và làm chủ được công nghệ gốc. Việc sở hữu kĩ thuật lõi trong lĩnh vực sản xuất smartphone sẽ đảm bảo chất lượng của sản phẩm, dù ở bất kì phân khúc giá nào", ông Cơ cho biết.

Mặc dù khẳng định việc nắm "công nghệ gốc", nhưng dường như việc hạ giá thành vẫn đang là một vấn đề với Bkav. Để hạ giá thành, cần phải sản xuất qui mô lớn; để sản xuất qui mô lớn, cần có một lượng khách hàng đủ đông; để có một lượng khách lớn, công ty cần có một lợi thế cạnh tranh đủ lớn, mà ở giá rẻ hơn là một trong số đó.

Để giải quyết câu chuyện con gà, quả trứng, một nhà mạng lớn đã sẵn sàng trợ giá để bán C85. Việc trợ giá để bán sản phẩm giá rẻ hơn thường thấy ở các startup gọi xe công nghệ với việc tung ra nhiều khuyến mãi để hút khách hàng. Việc đốt tiền để lấy tăng trưởng đã dần hạ nhiệt trong thời gian qua khi các hãng gọi xe công nghệ đã bắt đầu "thu" nhiều hơn.

Việc "nhà mạng lớn" có thể trợ giá đến bao giờ cũng là một vấn đề chưa công bố. Chiếc điện thoại mới của Bkav, nếu đắt hàng thì sẽ phải "đốt" một số tiền lớn để trợ giá trong khi đương nhiên không bên nào muốn "ế" khi tung ra thị trường.

Feature phone của Bkav sẽ xuất hiện trên thị trường trong tháng 7. Hiện chưa có thông tin cụ thể về ngày ra mắt cũng như giá thành, song nếu Nokia có thể sản xuất và phát triển nhiều dòng "điện thoại ngốc nghếch" trong vài năm qua, feature phone của Bkav vẫn rất đáng kì vọng. Điều quan trọng là các bên có thể sử dụng chiến lược trợ giá trong bao lâu.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.