Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa qua đã ký ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 29,09 km2, quy mô dân số là 77.813 người của thị xã Cửa Lò vào TP Vinh. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Nghi Xuân, xã Phúc Thọ, xã Nghi Thái và xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc vào TP Vinh.
Sau khi sắp xếp, TP Vinh sẽ có diện tích tự nhiên là 166,2 km2 và quy mô dân số là 580.669 người. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/12.
Đường Vành đai 3 TP HCM đoạn qua tỉnh Long An khởi công từ ngày 30/6/2023, có chiều dài 6,8 km. Tính đến tháng 10 đã đạt hơn 51% giá trị xây dựng, cơ bản hoàn thành so với kế hoạch, các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết ngày 15/8/2022.
Dự kiến đến ngày 31/12/2025, hoàn thành công tác hoàn thiện, thông xe kỹ thuật dự án. Trong khi đó, với nút giao cuối tuyến kết nối với dự án Bến Lức - Long Thành, mốc thời gian đưa ra là đến ngày 31/10/2025 hoàn thành thông xe kỹ thuật toàn bộ nút giao.
Ngày 6/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Dự án gồm 3 giai đoạn bao gồm giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách; giai đoạn 2 là tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3 là hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Ban Quản lý Đường sắt Đô thị cho biết, theo quy hoạch Hà Nội sẽ có tuyến metro số 2 kết nối sân bay Nội Bài với lộ trình từ khu đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Bưởi - Nội Bài - Sóc Sơn, với chiều dài gần 12 km.
Đến nay, dự kiến tuyến đường sắt đô thị này sẽ được khởi động trong năm 2024 - 2025, hoàn thiện toàn bộ vào năm 2034; đoạn tuyến 2.4 Nam Thăng Long - Nội Bài đưa vào khai thác sử dụng năm 2030.
UBND tỉnh Hải Dương vừa qua đã phê duyệt dự án xây cầu Tân An và cầu Vạn kết nối TP Chí Linh với huyện Nam Sách và thị xã Kinh Môn, vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng.
Dự án xây dựng cầu Vạn và đường dẫn dài 13 km, điểm đầu giao với quốc lộ 37 thuộc xã Đồng Lạc, TP Chí Linh; điểm cuối giao với đường tỉnh 389 và đường dẫn cầu Triều, thuộc xã Lê Ninh, thị xã Kinh Môn. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.290 tỷ đồng. Thực hiện từ nay đến năm 2030.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tân An và đường dẫn dài khoảng 2,5 km có điểm đầu thuộc phường Chí Minh, TP Chí Linh và điểm cuối thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2023 đến 2025.
HĐND TP Nha Trang vừa qua đã thông qua tờ trình quyết định chủ trương đầu tư dự án Cầu Phú Kiểng tại xã Vĩnh Ngọc.
Dự án Cầu Phú Kiểng do Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Nha Trang thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 70%, ngân sách thành phố 30%, thực hiện trong giai đoạn năm 2024 - 2027.
Cầu sẽ được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép (cầu cấp II trong đô thị), chiều dài dự kiến 280 m, bề rộng 18 m, trong đó phần mặt đường dành cho xe chạy rộng 12 m, vỉa hè mỗi bên rộng 2 m, giải phân cách giữa rộng 2 m.
Tại Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề) vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330, đoạn từ thị trấn Ba Chẽ đến ĐT 342.
Tổng chiều dài tuyến có hiện trạng đầu tư khoảng 23,5 km. Điểm đầu nằm tại tuyến ĐT 330 hiện trạng (khu vực ngã ba cây xăng, thị trấn Ba Chẽ). Điểm cuối tại điểm giao cắt với ĐT 342 hiện trạng (thuộc địa phận xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ).
Đây là dự án nhóm B, tổng mức đầu tư không quá 990 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án này từ năm 2024 - 2027.
Ga đường sắt Thủ Thiêm được quy hoạch nằm tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Ví trí này nằm cạnh các tuyến đường lớn như đại lộ Mai Chí Thọ, đường Đồng Văn Cống và đường Lương Định Của và cao tốc TP HCM - Long Thành.
Theo quy hoạch, ga Thủ Thiêm có diện tích khoảng 17 ha. Nhà ga này được quy hoạch sẽ phục vụ ba tuyến đường sắt lớn bao gồm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và metro Bến Thành - Thủ Thiêm. Đây cũng là nhà ga cuối cùng của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.