Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình vừa qua đã có buổi làm việc nghe báo cáo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Khánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Huyện Yên Khánh được xác định sẽ phát triển không gian theo 3 đô thị trung tâm và 4 trục hành lang phát triển. Về tổ chức không gian đô thị, có 3 đô thị chính gồm: Đô thị Yên Ninh, đô thị Khánh Thiện, đô thị Khánh Thành.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, định hướng tuyến đường sắt tốc độ cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng huyện, đồng thời khoanh vùng quy hoạch sân bay.
Đặc biệt là quy hoạch quy mô các tuyến đường bộ liên vùng, liên huyện, ở các khu vực có tiềm năng phát triển phải đủ lớn đảm bảo phát triển lâu dài của huyện.
Theo báo cáo của TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh và Đạ Huoai, các địa phương cơ bản đã xác định được diện tích đất phải giải tỏa để triển khai phục vụ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Cụ thể, đối với TP Bảo Lộc, địa phương đã xác định tổng diện tích thu hồi đất toàn tuyến phục vụ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là 106 ha (chưa tính diện tích đường giao thông và suối do UBND các xã, phường quản lý). Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 608 hộ (146 hộ có nhà ở cấp 4 và nhà tạm bị thu hồi).
Đối với huyện Bảo Lâm, có 77 ha phải thu hồi để thực hiện dự án. Tương tự, tại huyện Đạ Tẻh, để phục vụ dự án cao tốc, địa phương sẽ phải thu hồi khoảng 112 ha đi qua các xã Đạ Kho, Đạ Pal và Triệu Hải.
Trong khi đó, huyện Đạ Huoai có chiều dài toàn tuyến cao tốc đi qua là khoảng 14,5 km, diện tích thu hồi khoảng 104 ha.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan cùng các địa phương phải phối hợp ngay việc triển khai cắm mốc phân định ranh giới diện tích thu hồi phục vụ cao tốc và hoàn thành trong tháng 5. Từ đó, cùng phối hợp tiến hành song song các bước để đảm bảo tiến độ, khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trước ngày 2/9 tới đây như UBND tỉnh đã ký thông báo.
Đại diện Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ cho biết, với dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ban đã trình Bộ GTVT thẩm định thiết kế kỹ thuật của công trình và làm cơ sở để phê duyệt. Sau khi thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, Ban sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công.
Ngoài ra, Ban đang phối với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. UBND thành phố vừa phê duyệt giá đất bồi thường tại 3 huyện có dự án đi qua, Ban đang chờ các huyện áp giá và phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ để tiến hành chi trả cho dân. Dự kiến đến tháng 6 mặt bằng đạt 70%, trước tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án…
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, hiện ban quản lý chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai nhằm sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung theo quy hoạch và góp phần giải quyết ùn tắc giao thông.
Trong đó, hai dự án sẽ được hoàn thành trong năm nay là dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và dự án xây dựng cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội còn tích cực chuẩn bị đầu tư theo tiến độ các dự án lớn của thành phố; trong đó, dự án trọng điểm quốc gia đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ bảo đảm khởi công trong tháng 6.
Ngày 23/5, lãnh đạo thành phố cùng đoàn công tác đã có buổi giám sát về công tác giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cầu Rạch Đỉa, nằm trên địa phận quận 7 và huyện Nhà Bè.
Cầu Rạch Đỉa nằm tại phường Tân Phong, kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè. Hiện nay, Ban Giao thông đã chuyển 100% chi phí bồi thường theo dự toán được duyệt cho Quận 7 và huyện Nhà Bè. Đến nay, có 41/50 trường hợp phía quận 7 và 28/45 trường hợp phía huyện Nhà Bè đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.
Về tiến độ thực hiện dự án, dự kiến đến tháng 6 sẽ khởi công công trình (sau khi được bàn giao mặt bằng) và hoàn thành vào 31/12/2024.
Ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Quyết định chủ trương đầu tư đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương 930 tỷ đồng. Diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án là 75,6 ha.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 192/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra về tình hình triển khai một số dự án tại TP Hải Phòng.
Tại thông báo này, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hải Phòng chủ động nghiên cứu đầu tư một số công trình trong sân bay như đường lăn, các công trình cần thiết khác…
Cùng với đó, phải khởi công nhà ga hành khách T2 vào quý IV năm nay; triển khai Dự án bảo đảm an toàn, chất lượng, hoàn thành xây dựng công trình sau một năm.