Vừa qua, tại tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Tây Ninh đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2025.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai bên tham mưu, đề xuất đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối vùng; triển khai các nội dung có liên quan đến hai địa phương trong các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt như Quy hoạch mạng lưới đường bộ; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa.
Cùng với đó, thống nhất quy hoạch hai tuyến đường và cầu kết nối từ ĐT 789 (Tây Ninh) - ĐT 744 (Bình Dương) trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu, lựa chọn đầu tư một dự án kết nối và khởi công trong giai đoạn 2024 - 2025.
Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, HĐND TP Hải Phòng khóa XVI đã ra nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo vỉa hè, đường Nguyễn Bỉnh khiêm, Lê Lợi và một số tuyến đường nội đô thành phố với tổng chi phí đầu tư hơn 434 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng gần 18 tỷ đồng, chi phí xây lắp gần 330 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi khác gần 41 tỷ đồng và chi phí dự phòng gần 43 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư bao gồm cải tạo, mở rộng mặt đường tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn từ đường Văn Cao đến trạm bơm Kiều Sơn, chiều dài khoảng 0,83 km); cải tạo, mở rộng tuyến đường Lê lợi (điểm đầu giao với Cầu Đất, điểm cuối tại Ngã 6 Máy Tơ, chiều dài khoảng 1,36 km); chỉnh trang 16 tuyến đường nội đô thành phố với tổng chiều dài 11,18 km.
Vừa qua, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, TP Phủ Lý.
Nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối có quy mô xây dựng nút giao trước mắt gồm hai tầng. Trong đó, tầng 1 sẽ xây dựng hầm trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với quy mô 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 120 km/h.
Tầng 2 sẽ xây dựng 4 nhánh ra, vào cao tốc kết nối với đường bên vành đai 5 và đường địa phương. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.
Riêng tầng 3, gồm cầu vượt trên cao của đường vành đai 5 - vùng thủ đô vượt cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Được dự trữ quỹ đất theo phương án nút quy hoạch để đầu tư xây dựng ở giai đoạn sau).
Đúng 10 giờ sáng ngày 19/5, tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (dài 101 km) thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chính thức đưa vào vận hành.
Hiện nay, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đi TP HCM.
Dự án đưa vào khai thác đã hoàn thiện 05/05 nút giao, gồm: nút giao Vĩnh Hảo tại Km134+700, nút giao Chợ Lầu tại Km162+777,78, nút giao Đại Ninh tại Km178+655,22, nút giao Ma Lâm tại Km208+701,74, nút giao Phan Thiết tại Km234+617,56. Dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km144+560 và Km205+092 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận (bố trí 2 bên cao tốc). Bộ Giao thông Vận tải đang giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9 (chuyên đề) - HĐND tỉnh khóa X đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó đồng thuận đề xuất thực hiện cao tốc TP HCM - Chơn Thành và chủ trương đầu tư đường vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn.
Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường vành đai 4 TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1), dự án này có điểm đầu tại vị trí vuốt nối đường vành đai 4 TP HCM với đầu cầu Thủ Biên hiện tại phía tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài khoảng 48 km. Quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; loại công trình giao thông cấp I. Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 18.248 tỷ đồng.
Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu khu số 1, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang (tỷ lệ 1/2.000).
Theo đó, khu vực lập quy hoạch thuộc trung tâm TP Bắc Giang, bao gồm các phường, xã: Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Trần Phú, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Thọ Xương, Xương Giang.
Quy mô lập quy hoạch 1.545 ha. Quy mô dân số đến năm 2025 khoảng 114.000 người, đến năm 2035 khoảng 180.308 người.
Về tính chất, phân khu số 1, TP Bắc Giang là khu vực trung tâm nội thành thành phố Bắc Giang, là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Bắc Giang.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM cho biết, nhà thầu đang triển khai thi công xây dựng 9 cầu bộ hành bắc qua Xa lộ Hà Nội, tạo thuận lợi và an toàn cho người dân đến các nhà ga trên cao tuyến metro số 1 TP HCM (Bến Thành - Suối Tiên).
Các cầu bộ hành được thi công kết nối các nhà ga trên cao của metro Bến Thành – Suối Tiên gồm: Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Công nghệ cao, Đại học Quốc gia Thành phố.
Mỗi cầu bộ hành có tổng chiều dài khoảng 78 m tùy vị trí, rộng 3,5m; có mái che. Cầu bộ hành có hai đầu, kết nối hai bên đường của Xa lộ Hà Nội và 2 đường song hành Xa lộ Hà Nội với nhà ga. Điều này giúp người dân dễ dàng di chuyển từ khu dân cư, trung tâm thương mại vào nhà ga trên cao. Cầu bộ hành cũng sẽ kết nối với các điểm dừng chờ xe buýt nhằm mục đích tăng cường khả năng tiếp cận nhà ga.