Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (26/12-1/1): TP HCM khởi công nút giao An Phú và dự án mở rộng quốc lộ 50

Khởi công nút giao An Phú tại TP Thủ Đức; khởi công dự án mở rộng quốc lộ 50; TP Nha Trang có thể mở rộng thêm 880 ha... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Khởi công nút giao An Phú tại TP Thủ Đức

Sáng nay 29/12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM đã khởi công 4 gói thầu đầu tiên của dự án nút giao thông An Phú của TP Thủ Đức.

Đây là dự án tháo gỡ điểm nghẽn về ùn tắc giao thông ở khu vực phía đông TP HCM, được phê duyệt ngày 28/3/2022 với tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng.

 Nút giao thông An Phú hiện hữu. (Ảnh: Hải Quân)

Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng một nút giao thông khác mức hoàn chỉnh ba tầng tại khu vực nút giao đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ.

Khởi công dự án mở rộng quốc lộ 50

Ngày 27/12, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP HCM tổ chức Lễ khởi công dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. Dự án có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối tiếp giáp tỉnh Long An với tổng chiều dài toàn tuyến 6,9 km, mặt cắt ngang 34 m (tương đương 6 làn xe) cùng hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng và hào kỹ thuật theo quy định.

 Quốc lộ 50 hiện nay. (Ảnh: Hải Quân)

Trong 6,9 km chiều dài tuyến có 4,4 km xây dựng mới (từ vị trí giao với đường Nguyễn Văn Linh đến vị trí giao với Quốc lộ 50 hiện hữu) và 2,6 km mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu.

Bình Dương đầu tư tuyến đường gần 1.500 tỷ đồng

Đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa kết nối huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã được mở rộng lên 6 làn xe để kết nối với khu công nghiệp và đường Vành đai 4 TP HCM. Đây là công trình trọng điểm có vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng được khởi công xây dựng ngày 30/12.

Đường ĐT.746 là tuyến đường huyết mạch dẫn vào Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 (VSIP3), kết nối đường tạo lực bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và tuyến đường Vành đai 4 TP HCM. Dự án được UBND tỉnh Bình Dương giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Công trình giao thông cấp II có điểm đầu tại ngã ba xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên và điểm cuối giao nhau với đường ĐT.747a tại ngã ba phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên.

TP Nha Trang có thể mở rộng thêm 880 ha

UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về việc thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 27.502 ha, bao gồm khoảng 26.622 ha thuộc TP Nha Trang và khoảng 880 ha thuộc 4 xã, thị trấn của huyện Diên Khánh. Quy mô dân số của thành phố đến năm 2030 khoảng 640.000 người và đến năm 2040 khoảng 780.000 người.

 Một góc TP Nha Trang. (Ảnh tư liệu: Khải An). 

Theo quy hoạch, Nha Trang sẽ trở thành đô thị du lịch biển quốc gia và quốc tế; là đô thị hạt nhân, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh; là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là trung tâm du lịch, thương mại - tài chính, dịch vụ hàng hải của vùng Nam Trung Bộ và cả nước.

Bổ sung hơn 900 tỷ đồng cho metro Cát Linh - Hà Đông

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa qua đã ký quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ Giao thông Vận tải.

Một nhà ga trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Kiều Anh). 

Theo đó, quyết định điều chỉnh tăng hơn 911 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông  (phần thực hiện dự án) của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, bao gồm khoảng 223,14 tỷ đồng vốn trong nước và 687,9 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Khánh thành cầu nối Bình Dương - Tây Ninh 

Ngày 26/12, UBND tỉnh đã tổ chức lễ khánh thành công trình xây dựng đường và cầu kết nối Bình Dương - Tây Ninh với tổng mức đầu tư hơn 410 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh.

Theo đó, công trình đường và cầu kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh có chiều dài 800 m, phần đường dẫn phía Bình Dương dài khoảng 378 m; phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh dài 92 m.

Đường và cầu kết nối Bình Dương - Tây Ninh. (Ảnh: Báo Bình Dương)   

Điểm đầu cầu giao với đường ĐT744, thuộc khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Điểm cuối công trình đấu nối vào đường Đất Sét - Bến Củi do phía Tây Ninh làm chủ đầu tư tại lý trình Km 0+800,38, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Quảng Ninh sắp hợp long cầu Cửa Lục 3

Cầu Cửa Lục 3 là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh, phục vụ nhân dân các phường, xã vùng xa của TP Hạ Long với trung tâm TP Hạ Long, giải quyết được vấn đề điều kiện đi lại, môi trường tự nhiên vốn là thách thức từ nhiều năm nay của cả hai khu vực.

Đến nay, hạng mục cầu chính đã cơ bản hoàn thành kết cấu chính và đang chuyển sang giai đoạn hoàn thiện. Vòm thép cảnh quan cũng đã hoàn thành lắp dựng. Đối với hạng mục cầu dẫn phía Hà Khánh đã hoàn thành thi công đúc dầm và lao lắp xong nhịp, nhà thầu đang tập trung triển khai thi công lan can bờ bò, gờ lan can, dải trồng hoa.

Thi công cầu Cửa Lục 3. (Ảnh: Hoàng Huy) 

Hạng mục cầu dẫn phía Hoành Bồ dài gần 1,3 km hiện đã thi công 550/652 cọc khoan nhồi, hoàn thành 378/618 thân trụ và đổ bê tông 8 đơn nguyên. Dự kiến sẽ hợp long trong quý I/2023. Đoạn đường dẫn cuối tuyến phía Hoành Bồ đã thi công xong đắp đá và đang triển khai thi công đào đất hữu cơ nền đường.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.