Ngày 29/4, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa thống nhất chủ trương đề xuất của Sở Tài chính bổ sung tuyến đường hầm Trần Phú vào danh mục dự án đầu tư công trọng điểm.
Dự án chia thành hai giai đoạn đầu tư. Giai đoạn một sẽ làm hầm từ vị trí 86 Trần Phú đến đường Nguyễn Chánh. Tổng chiều dài toàn hầm là 1,4 km, dự kiến xây dựng từ 2025 - 2040.
Đường ven biển Nha Trang. (Ảnh: Bộ Công thương).
Giai đoạn 2 sẽ bổ sung 2,9 km đoạn hầm trên đường Trần Phú, từ khu vực đường Hoàng Diệu – Nguyễn Bỉnh Khiêm, nâng tổng chiều dài lên 4,3 km. Tổng mức đầu tư 4.385 tỷ đồng, dự kiến thực hiện sau năm 2040.
Ngày 29/4, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội thông qua chủ trương đầu tư cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu. Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội.
Khu vực xây cầu Ngọc Hồi. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).
Tổng chiều dài cầu Ngọc Hồi khoảng 7,5 km, trong đó trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 5,4 km và tỉnh Hưng Yên khoảng 2,1 km.
Tỉnh Ninh Bình vừa chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xúc tiến thủ tục chuẩn bị khởi công Dự án xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ.
Toàn tuyến được chia làm hai đoạn. Đoạn đường thông thường dài hơn 26 km sẽ có bề rộng 37 m với 4 làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp Công trình có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, dùng vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Ngày 28/4, HĐND tỉnh Kiên Giang đã tán thành ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương hợp nhất hai tỉnh An Giang và Kiên Giang thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh An Giang.
Một góc Phú Quốc hiện nay. (Ảnh: Báo Thanh niên).
Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh hợp nhất được xác định đặt tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang hiện nay). Theo đề án, tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 9.889 km2 và quy mô dân số trên 4,9 triệu người.
UBND TP HCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc để nghe báo cáo tình hình triển khai các dự án giao thông kết nối giữa hai địa phương.
Khu vực dự kiến làm cầu thay phà Cát Lái. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để tăng cường kết nối giao thông, hai địa phương đã bàn bạc, thống nhất việc triển khai đầu tư xây dựng ba cầu vượt sông Đồng Nai kết nối Đồng Nai với TP HCM gồm cầu thay phà Cát Lái (cầu Cát Lái), cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2; trong đó, cấp thiết nhất hiện nay là dự án cầu Cát Lái.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh ngày 27/4, Nghị quyết về việc tán thành chủ trương nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP HCM đã được thông qua với 100% đại biểu biểu quyết đồng ý.
Chủ trương nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP HCM thành 1 thành phố trực thuộc Trung ương được tán thành. Tên gọi sau sắp xếp là TP HCM, có trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP HCM hiện nay.
Ngày 28/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII) tiến hành Hội nghị lần thứ hai mươi hai họp bàn về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội; thống nhất sắp xếp từ 526 xuống còn 126 xã, phường.