Ngày 14/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đưa ra các đột phá phát triển tỉnh Nghệ An như phát triển hai khu vực động lực tăng trưởng, gồm TP Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng.
Ngoài ra, tỉnh còn hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, gồm hành lang kinh tế ven biển gắn với trục quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển.
Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế quốc lộ 7A; hành lang kinh tế quốc lộ 48A. Trong đó, phát triển hành lang kinh tế ven biển là trọng tâm.
Tỉnh được định hướng tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị gồm đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông.
Vừa qua, Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội đã lập báo cáo liên quan đến dự án đầu tư và xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ.
Dự án có tổng chiều dài 7,76 km. Điểm đầu tuyến nằm tại vị trí giao cắt với QL 32, thuộc địa phận xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối nằm tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc. Tổng mức đầu tư của dự án là 3.444 tỷ đồng.
Vừa qua, TP Đà Nẵng đã khởi công xây dựng tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu. Công trình này là một hợp phần quan trọng của Dự án bến cảng Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung được UBND TP Đà Nẵng tổ chức khởi công vào ngày 14/12/2022.
Dự án có điểm đầu khớp nối với đường ngoài cảng Liên Chiểu, điểm cuối giao với tuyến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan. Tuyến đường có chiều dài gần 3 km, mặt cắt ngang 30 m, gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế là 60 km/h.
Tuyến đường này tổng mức đầu tư hơn 1.203 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương (500 tỷ đồng) và ngân sách thành phố. Thời gian dự kiến hoàn thành đưa công trình vào sử dụng trong năm 2025.
Thông tin từ TTXVN, Báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV tình hình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau hơn hai tháng khởi công, tính đến cuối tháng 8/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 120/452 ha, đạt gần 27%.
Theo báo cáo của địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng được tính toán tại thời điểm hiện tại của các dự án thành phần dự kiến tăng khoảng 3.674 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng hơn 3.665 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022.
Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo phương án khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông - tây để tạo nguồn lực từ phát triển quỹ đất.
Báo cáo phương án định hướng quy hoạch hai bên tuyến đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông - tây tại cuộc họp, đơn vị tư vấn cho biết, toàn bộ các khu vực hai bên đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế đông - tây có thể nghiên cứu để định hướng quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khu dân cư...
Tổng diện tích khoảng 1.882 ha với 15 vị trí thuộc địa phận các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong và TP Đông Hà.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã duyệt chỉ giới đường đỏ 1/500 tuyến đường nối từ Phan Trọng Tuệ đến thôn Tả Thanh Oai, thuộc địa bàn các xã Thanh Liệt và xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.
Tuyến đường này có chiều dài khoảng 2,1 km. Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao với đường Phan Trọng Tuệ (đường 70); điểm cuối giao với đường vành đai 3,5. Quy mô mặt cắt ngang tuyến là 25 m, trong đó lòng đường xe chạy là 15 m với 4 làn xe, vỉa hè hai bên rộng 10 m.
Trong văn bản khẩn vừa gửi UBND TP HCM về tình hình thực hiện các dự án khép kín vành đai 2, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, vành đai 2 dài khoảng 64 km, quy mô 6 - 10 làn xe. Đến nay, tuyến đường đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác khoảng 50 km, vẫn còn 14 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn.
Trong đó, ngoài một đoạn đang được triển khai theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) là đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa, TP HCM cần thêm hơn 30.000 tỷ đồng để triển khai 3 đoạn còn lại dài 11,3 km để khép kín đường Vành đai 2 TP HCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Ba đoạn còn lại này bao gồm đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp); đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng) và đoạn 4 dài 5,3 km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh.
CTCP Vinhomes vừa có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải thành phố và quận Bình Thạnh về việc tiếp nhận đường nội bộ tại Khu đô thị Vinhomes Central Park tại phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Theo đó, Công ty cổ phần Vinhomes - chủ đầu tư dự án Vinhomes Central Park (Khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn) đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh và UBND quận Bình Thạnh xem xét tiếp nhận các tuyến đường D1 - D19 tại khu này.
Với việc bàn giao các tuyến đường D1 – D19; trong đó có tuyến đường ven sông Sài Gòn đi qua dự án, sẽ tạo điều kiện để TP Hồ Chí Minh hoàn thiện tuyến đường ven sông Sài Gòn, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Hiện tuyến đường ven sông bị chia cắt bởi bức tường giữa khu Vinhomes Central Park và Saigon Pearl.