Thông tư 06 đang tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài M&A dự án với giá vốn rẻ?

Theo HoREA, khi không được vay tín dụng khi dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh, chủ đầu tư buộc phải tìm đến bên thứ 3 có thể vay vốn nước ngoài. Điều này tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài “thâu tóm” dự án bất động sản do có lợi thế nguồn vốn rẻ.

Khu đất dự án vừa được một nhà đầu tư nước ngoài M&A từ doanh nghiệp trong nước. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN.

Liên quan đến khoản 9, Điều 8 của Thông tư 06 quy định nhà đầu tư không được vay vốn tín dụng để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. HoREA cho rằng quy định này đang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

"Quy định tổ chức tín dụng không được cho nhà đầu tư vay để đầu tư vào dự án bất động sản không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh sẽ dẫn đến hệ quả là chủ đầu tư phải có đủ nguồn vốn đầu tư hoặc có khả năng tự mình vay vốn để thực hiện dự án.

Phương án khác là tìm được bên thứ 3 có đủ năng lực hoặc có thể huy động vốn của nước ngoài để có thể tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh phát triển dự án.

Có thể thấy rõ, với khoản 9, Điều 8 thì khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước không nhiều, nhưng lại tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài “thâu tóm” dự án do có lợi thế nguồn vốn rẻ, nên chưa tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp nội địa".

HoREA cho hay, quy định trên không tạo điều kiện để thực hiện hoạt động chuyển nhượng dự án (M&A) thông qua phương thức chuyển nhượng phần vốn góp để các nhà đầu tư có năng lực có thể tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với lý do trên, HoREA đã đề nghị NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 06 theo hướng tổ chức tín dụng được phép cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng vay đối với trường hợp dự án đã có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện. 

Nhiều doanh nghiệp ngoại "rục rịch" M&A đất ở Việt Nam

Theo chuyên gia Colliers Việt Nam, thị trường bất động sản trên cả nước thời gian vừa qua đang chuyển mình mạnh mẽ với các thương vụ M&A giá trị lớn, kỳ vọng hoàn tất trong thời gian tới. Điểm rơi của các quá trình đàm phán này dự đoán sẽ từ quý III/2023 trở đi, tùy thuộc vào tính chất phức tạp của thương vụ.

Còn theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu thị trường Việt Nam nhiều hơn hẳn các năm trước, thậm chí nhiều hơn cả giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Đáng chú ý, 50% trong số nhà đầu tư là các tên tuổi mới trên thị trường, trước đây là Hong Kong, Singapore, Mỹ, Nhật nhưng nay còn có cả Nam Phi, Ả Rập,… 

chọn
Bất động sản tuần qua (28/4 - 4/5): Ba luật lớn kỳ vọng hiệu lực sớm, TP HCM dừng dự án BT của Phát Đạt
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7; điểm mới về thành lập cụm công nghiệp từ 1/5; loạt doanh nghiệp tiến vào Thái Nguyên... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.