Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp mở cửa bán gạo đến 11h đêm để đáp ứng nhu cầu người dân Hà Nội

Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và C.P Việt Nam phải cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội. Hệ thống các nhà bán lẻ được yêu cầu mở cửa bán gạo đến 11 giờ đêm, để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô.

Các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 11 giờ đêm để đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm cung cấp đủ hàng hoá cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hoá. 

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp mở cửa bán gạo đến 11h đêm để đáp ứng nhu cầu người dân Hà Nội - Ảnh 1.

Thủ tướng cũng yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 11 giờ đêm để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô. (Ảnh: VGP)

Lực lượng quản lí thị trường và các cơ quan chức năng phải xử lí nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật.

Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội. Thủ tướng cũng yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 11 giờ đêm để đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô.

Hà Nội đã chuẩn bị đủ hàng hóa, kể cả khi xảy ra trường hợp 1.000 người mắc bệnh

Trong chiều nay, Bộ Công Thương đã có buổi họp khẩn về đảm bảo cung ứng hàng hoá tại Hà Nội.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết  việc sáng nay, 7/3, khi nhiều người dân đổ tới các siêu thị tại Hà Nội mua đồ tích trữ, là hiện tượng cục bộ, khi tâm lí người dân hoang mang trước thông tin Hà Nội có ca nhiễm đầu tiên.

Tuy nhiên, ngay trong buổi sáng, các hệ thống siêu thị đã bổ sung ngay nguồn hàng từ các kho dự trữ lân cận. Hà Nội cam kết đủ hàng, không ngày nào thiếu để người dân phải dự trữ. Đơn cử, Vinmart đã vận chuyển hàng 3 lần từ kho về các hệ thống trên toàn thành phố. 

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp mở cửa bán gạo đến 11h đêm để đáp ứng nhu cầu người dân Hà Nội - Ảnh 2.

Các siêu thị đã liên tục vận chuyển hàng từ kho lân cận về Hà Nội trong ngay, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. (Ảnh: Phúc Minh).

Hệ thống bán lẻ này cho biết các mặt hàng tập trung tăng cường từ hôm nay là thịt sạch, rau củ quả, mì gói, gạo, gia vị, nước rửa tay, khẩu trang... Không chỉ tập trung cho địa bàn Hà Nội, các điểm bán lẻ trên toàn quốc cũng sẽ đảm bảo không thiếu hụt bất cứ mặt hàng nào.

Coopmart Hà Nội cũng lập tức chuyển hàng trong đêm tại các kho ở Bắc Ninh phân phối cho các siêu thị trực thuộc. Hệ thống này trước đó đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho các siêu thị. 

Còn MM Mega Market thông tin nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định. Nhà bán lẻ này chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam, chủ yếu từ Đà Lạt, nên rất ổn định.

Còn Big C cũng tăng lượng hàng tới 300-400% tuỳ theo siêu thị, để đủ hàng, đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân. Trong ngày, Big C đã tăng 4 lần nguồn hàng thực phẩm tươi sống.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, từ tháng 2, khi Chính phủ công bố Covid-19, Hà Nội đã có phương án cung ứng hàng hoá trên thị trường. Các đơn vị phân phối đã tăng lượng hàng 30-40% so với trước đây.

Sở Công Thương cũng xây dựng các kịch bản dự trữ hàng hoá theo 4 cấp độ dịch bệnh, đảm bảo đủ hàng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân ngay cả khi Hà Nội có 1.000 ca nhiễm bệnh. 

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các hệ thống phân phối phải chủ động cung ứng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu, bất cứ có dịch hay không, được không để thiếu hàng, không để tăng giá đột biến. 

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp mở cửa bán gạo đến 11h đêm để đáp ứng nhu cầu người dân Hà Nội - Ảnh 2.

Các siêu thị cam kết đảm bảo hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân, không khan hiếm tăng giá thực phẩm, hàng thiết yếu, người dân không phải lo tích trữ. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

 Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tính cả những tình huống bất ngờ, như trường hợp phải cách li sẽ kéo dài, cách li cả khu phố... thì hệ thống phân phối cũng phải lên kịch bản để đảm bảo nguồn cung ứng.

Từ sáng sớm, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lí thị trường.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ sáng nay cũng đã gửi thông điệp đến người dân không nên hoang mang, lo lắng quá mức mà chen lấn, tập trung đông đúc mua hàng ở siêu thị để tích trữ lúc này.

Ông khẳng định Hà Nội đủ tiềm lực cung ứng đảm bảo thực phẩm, hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng trong tình hình hiện nay.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.