Căn tin một trường tiểu học tại TP.HCM |
Mua hàng từ... người quen, “cấp trên” giới thiệu!
Thí điểm bắt buộc sử dụng thực phẩm sạch Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, để kiểm soát nguồn thực phẩm vào các trường, thời gian tới Đội quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ phối hợp với các quận, huyện lên kế hoạch kiểm tra. Mỗi đơn vị, bếp ăn sẽ được kiểm tra 2 - 3 lần/năm. Đặc biệt, Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ đưa ra chuẩn thực phẩm được phép đưa vào trường học. Việc thực hiện này sẽ thí điểm bắt buộc ở Q.3 và Q.5, sau đó sẽ mở rộng ra các địa bàn khác |
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến thời điểm này TP.HCM có gần 3.000 cơ sở có dịch vụ ăn uống trong các trường.
Tại hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học giai đoạn 2017 - 2018 do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm, cho biết:
“Hiện nay nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tại trường học vẫn chưa có những quy định rõ ràng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn thực phẩm mà các trường sử dụng hiện nay chưa thống nhất.
Nhiều trường tự kiếm nguồn cung cấp từ chợ, do người quen giới thiệu hoặc được “cấp trên” chỉ định. Chưa nhiều trường có ký kết với các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc an toàn”.
Có mặt ở một số trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT tại TP.HCM, chúng tôi chứng kiến nhiều mặt hàng thực phẩm như bánh tráng trộn, mực khô, nui chiên, bánh tráng nướng, bò bít tết, mì xào… được học sinh (HS) sử dụng rất nhiều. Hầu hết các sản phẩm này đều không có tem và nơi sản xuất cụ thể.
Khi hỏi thăm việc cung cấp thực phẩm cho trường, một phụ bếp tại Trường tiểu học R.O (TP.HCM) cho hay: “Thực phẩm để làm bữa ăn bán trú cho HS thường được mua từ chợ. Lúc đầu trường có quy định mua trứng ở siêu thị, nhưng sau khi có nhân viên trong trường nói có người quen cung cấp với giá rẻ hơn nên trường không mua trứng ở siêu thị nữa”.
Phụ bếp này còn cho hay: “Những người cung cấp thịt, cá cho trường hầu hết là chủ sạp buôn bán tại chợ và không có chứng nhận thực phẩm an toàn. Họ có người quen làm trong trường nên được ưu tiên cung cấp thực phẩm”.
Tương tự, bà H.T.K, chuyên cung cấp trứng cho các trường mầm non tại H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, cho hay: “Tôi đi chợ sớm, lựa những người bán buôn giá rẻ, mua xong đưa thẳng về các trường”.
Bà K. nói thêm: “Việc chọn trứng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để phân biệt. Chỉ cần trứng không ung, thối chứ không yêu cầu phải qua kiểm dịch”. Một hiệu trưởng trường mầm non tại H.Vĩnh Tường còn cho biết: “Việc đưa thực phẩm vào trường đôi khi không do trường quyết định mà là “cấp trên” giới thiệu”.
Khâu nào cũng có vấn đề
Cũng tại hội nghị nói trên, ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó trưởng phòng Ngộ độc thực phẩm TP.HCM, cho biết từ năm 2014 đến nay TP.HCM xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, khiến gần 300 HS nhập viện.
Ông Ngọc nhận định: “Các vụ ngộ độc thực phẩm này đều có nguyên nhân từ vi sinh vật. Điều đó cho thấy việc sơ, chế biến thực phẩm đang có vấn đề”. Theo ông Ngọc, 2 trong số 5 vụ ngộ độc có nguồn gốc từ nguồn thực phẩm bên ngoài trường được đưa vào bữa ăn xế của HS.
Ông Ngọc khẳng định: “Chất lượng thực phẩm mà trường mua chưa đảm bảo. Một số bếp ăn, căn tin trường học còn sử dụng thực phẩm chưa rõ nguồn gốc”.
Thực trạng này cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khác. Mới đây, phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Lý Nhân, H.Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) sau khi nghe phản ánh về việc thực phẩm bẩn vào trường đã “mai phục”, bắt quả tang một xe thực phẩm đưa vào trường có những phế phẩm như bí thối, rau hư và cả nước tương giả…
Chị Ng.T.M, phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Lý Nhân, nói: “Vụ phát hiện thực phẩm hư hỏng này chỉ là bề nổi của việc cung cấp thực phẩm bẩn vào trường học” và cho biết thêm: “Điều đáng nói là ngoài Trường tiểu học Lý Nhân, cơ sở cung cấp còn cung ứng thực phẩm cho hơn 20 trường khác trên địa bàn”.
Cần chăm chút kỹ lưỡng cho bữa ăn bán trú Tuần qua, trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về khẩu phần ăn của HS Trường tiểu học Điện Biên 2 (P.Điện Biên, TP.Thanh Hóa) chỉ có miếng cá thu nhỏ và rau muống luộc. Nhiều phụ huynh cho rằng với mức đóng 23.000 đồng/HS/ngày (gồm 1 bữa chính và 1 bữa phụ), khẩu phần buổi trưa của Trường Điện Biên 2 rất bất thường. Chị Trần Thị Luyến, phụ huynh tại H.Bình Chánh (TP.HCM), cho biết: “Khu tôi ở hầu hết phụ huynh vì đi làm sớm nên đăng ký cho con ăn sáng tại trường. Tính ra mỗi ngày con ăn 3 bữa sáng, trưa, xế ở trường. Nếu thực phẩm an toàn, chất lượng bữa ăn tốt thì không sao. Nhưng thực phẩm không đạt chất lượng, bữa ăn bị bớt xén sẽ ảnh hưởng rất lớn tới dinh dưỡng của con. Tôi cho rằng các trường cần phải siết chặt các khâu kiểm định chất lượng bữa ăn, không nên vì lợi nhuận mà dung túng cho các đơn vị cung cấp làm bậy, đưa thức ăn không đạt vào trường”. |
Lối sống 06:20 | 28/04/2019
Lối sống 15:01 | 13/04/2019
Lối sống 11:42 | 10/04/2019
Lối sống 15:13 | 05/04/2019
Lối sống 06:05 | 03/04/2019
Lối sống 05:55 | 02/04/2019
Lối sống 07:19 | 21/03/2019
Lối sống 19:22 | 20/03/2019