Vì sao lại “sến”?
Gần đây nhất, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương ra album nhạc Bolero có tên “Hương xưa”. Album đánh dấu sự quay trở lại với âm nhạc của ca sỹ đất mỏ khiến công chúng khá bất ngờ. Hồ Quỳnh Hương vốn được đánh giá rất cao về giọng hát và gu âm nhạc văn minh, thể hiện qua các album đình đám mà cô đã từng ra mắt công chúng. Với album nhạc “sến” này, Hồ Quỳnh Hương gây chú ý dư luận bởi sự thể nghiệm ở dòng nhạc xưa nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, nữ ca sĩ đang hoang mang trong phong cách âm nhạc nên đã chọn nhạc xưa như một cách an toàn để ra mắt công chúng yêu nhạc.
Không chỉ Hồ Quỳnh Hương thể nghiệm với nhạc “sến”, rất nhiều ca sĩ đã ra album nhạc vàng như: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Cẩm Ly, Phương Thanh, Quang Dũng, Anh Thơ, Đức Tuấn… Song không phải ai cũng thành công khi đi theo con đường này. Câu hỏi đặt ra là, vì sao nghệ sĩ lại bỗng dưng mặn mà với nhạc mà mọi người vẫn xem là nhạc “sến”?
Hồ Quỳnh Hương gây bất ngờ khi cũng hát nhạc Bolero… |
Có nhiều nguyên nhân để lý giải hiện tượng trên. Dòng nhạc Bolero từ khi ra đời đến nay luôn tồn tại song song với dòng chảy âm nhạc Việt, dù xuất hiện nhiều xu hướng âm nhạc mới khi hội nhập với âm nhạc thế giới nhưng Bolero vẫn có chỗ đứng riêng biệt trong lòng khán thính giả, đặc biệt ở lớp người cao tuổi, những người có tuổi trẻ gắn liền với dòng nhạc này.
Không chỉ vậy, Bolero tồn tại và giữ được giá trị là chính bởi tính “bình dân” của nó, bởi giai điệu và ca từ của hầu hết các ca khúc đều không có gì đột phá, thường là những câu chuyện về tình yêu, về cảm nhận xã hội, tâm tư tình cảm của con người. Cái hay của nhạc “sến” chính là ở chỗ nó biết cách kể chuyện bằng nhạc rất duyên, thủ thỉ mà thấm thía, hợp với đại đa số tâm tư tình cảm của khán thính giả.
Có hẳn một cuộc thi mang tên “Solo cùng Bolero” trên sóng truyền hình. |
Mừng hay đáng lo…
Sự quay trở về của rất nhiều nghệ sĩ hải ngoại dòng nhạc “sến” như Chế Linh, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Giao Linh, Như Quỳnh, Quang Lê… thì Bolero bỗng trở thành món ăn tinh thần thời thượng của công chúng Việt.
Khi họ đã no nê với nhạc Pop Việt lai Hàn, bội thực với đủ thứ âm nhạc thể nghiệm từ thị trường đến nghệ thuật trong hầu hết các chương trình được phát sóng trên truyền hình thì Bolero bỗng trở thành “món” thuần chất Việt trong đời sống âm nhạc.
Độ “hot” của nhạc vàng được minh chứng ở những đêm diễn của các ngôi sao luôn “cháy” vé, những ca khúc nhạc vàng bắt đầu được lên sóng truyền hình và được tung hô không kém những dòng nhạc khác, thậm chí ăn theo thị hiếu khán giả, chương trình “Solo cùng Bolero” ra đời và thu hút được sự chú ý của dư luận.
Nhận thấy thị trường tiềm năng của nhạc “sến”, các ca sĩ bắt đầu đua nhau ra album để đáp ứng thị hiếu của khán giả. Hiện tượng này giống hầu hết các xu hướng âm nhạc mà các ca sĩ Việt từng chạy theo như: Hip hop, dân gian đương đại, R&B, Chillout, EDM (âm nhạc được tạo ra từ các thiết bị điện tử)… một thời gian rồi “chết yểu”.
Sự “lên đời” của Bolero chứng tỏ thị trường âm nhạc của Việt Nam đang thực sự “có vấn đề”. Đề cập tới những nghệ sĩ trẻ đang chạy theo thị hiếu khi liên tục cho ra mắt những album nhạc “sến”, nhạc sĩ Quốc Trung không ngại bày tỏ quan điểm thẳng thắn: “Đó là lười sáng tạo. Không phải họ không đủ trải nghiệm mà đời sống ngày nay làm sao có thể có những trải nghiệm giống như xưa được. Muốn họ hiểu, cần hiểu họ và cần cả sự tin tưởng và tôn trọng họ. Truyền thống của chúng ta vẫn còn nhiều sự áp đặt và tạo ảnh hưởng, chưa chuyển giao và tạo bệ phóng cho lớp trẻ. Đó chính là biểu hiện rõ nhất. Thị trường âm nhạc cần lành mạnh để kích thích sự sáng tạo. Có điều đó mới mong có những nghệ sĩ dấn thân và tìm tòi sáng tạo được”.
Vậy mới nói, nhạc “sến” không phải bỗng chốc thành “sang” mà tự bản thân nó đã có chỗ đứng trong dòng chảy nhạc Việt, chỉ có điều nhạc Bolero hay nhạc nào cũng vậy, không phải ai cũng có thể để lại dấu ấn riêng và không nên tưởng “sang” mà bắt quàng… theo hát.