Tục 'kéo vợ' ở Nghệ An: Đang bị biến tướng, lợi dụng

Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Trần Hữu Sơn cho rằng tục kéo vợ vẫn nên tôn trọng nhưng đối tượng nào lợi dụng thì cần xử phạt.
tuc keo vo o nghe an dang bi bien tuong loi dung
Nhóm thanh niên bắt một cô gái về làm vợ ở Nghệ An. Ảnh cắt từ clip

Cần xử phạt đối tượng lợi dụng

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền video nhóm thanh niên bắt một cô gái về làm vợ tại ngã ba xã Châu Lộc (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Mặc dù cô gái đã gào thét, vùng vẫy nhưng nhóm thanh niên quyết không thả. Hay, không để chàng trai bắt lên xe về làm vợ, một cô gái người Mông tuổi 16 ở Hà Giang đã lượm đá chống trả quyết liệt.

Tục "bắt vợ" lại tiếp tục khiến dư luận dậy sóng bởi có ý kiến cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật. Trao đổi với PV, ông Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu gắn bó với dân tốc thiểu số cho biết, truyền thống của người H’mông dùng từ "kéo vợ" chứ không phải "bắt vợ".

Theo ông Sơn, việc dùng từ "kéo vợ" có ba nguyên nhân: Thứ nhất, giá trị người con gái rất lớn; thứ hai tránh tình trạng thách cưới (thế kỷ trước, người H’mông thách cưới cao khiến nhiều thanh niên không thể lấy được vợ); thứ ba là tránh tình trạng cưỡng ép hôn nhân.

Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, theo truyền thống người H’mông, việc kéo vợ diễn ra khi người ta yêu nhau, thỏa thuận trước chứ không có chuyện không yêu hay không đồng ý.

"Khi kéo vợ, ban đầu người con gái sẽ tỏ ra phản đối để chứng tỏ bản thân có giá trị. Do đó nếu chỉ quan sát phần đầu sẽ khó phân biệt. Ngoài ra, sau khi kéo cô gái về nhà, người H'mông sẽ xắp xếp cho chị hoặc em gái của chú rể làm bạn với cô dâu để quen với cuộc sống của nhà chồng rồi sau đó mới tổ chức cưới xin. Không phải bắt ép về rồi muốn làm gì thì làm", ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, tục kéo vợ hiện đang bị biến tướng ví dụ như xem các video trên mạng thì các em gái còn rất trẻ, chỉ 13-14 tuổi. "Tục kéo vợ vẫn nên tôn trọng nhưng đối tượng nào lợi dụng thì phải xử phạt. Anh kéo vợ khi không được đồng ý, vi phạm luật hôn nhân thì phải xử lý. Nếp sống của người H'mông rất văn minh, tục lệ đẹp chúng ta vẫn nên giữ, còn những gì phản cảm thì phải bỏ", ông Sơn nhận định.

Có dấu hiệu bắt giữ người trái luật?

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Minh Bạch) nhận định rằng trong trường hợp này, hành vi “cướp vợ, bắt vợ” mà nhóm thanh niên thực hiện đối với cô gái ở Nghệ An đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Cụ thể ở đây là tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 BLHS 1999 sửa đổi 2009.

Theo luật sư Tuấn Anh, "bắt vợ, cướp vợ" là một nét văn hóa đặc trưng của một số dân tộc. Tuy nhiên, với xã hội hiện đại, phong tục này chỉ nên được giữ lại theo “hình thức”. Tức là khi tiến hành “bắt vợ, cướp vợ” thì hai bên đã có sự đồng thuận.

Phong tục này nếu diễn ra mà không có biểu hiệu thể hiện sự đồng ý của các bên liên quan thì người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định Điều 123 BLHS hiện hành quy định về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và dẫn tới các hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Hơn thế nữa, hiện nay Luật hôn nhân gia đình cũng đã quy định một cách cụ thể chi tiết về chế độ hôn nhân tại Việt Nam và công dân Việt Nam bất kể tôn giáo, dân tộc phải tuân thủ theo quy định của Luật.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.