Tuổi thơ quậy phá 'quỷ khóc thần sầu' của Ngô Thanh Vân

Lì lợm bám càng hai ông anh "quậy" đủ trò, đứng ngoài sân bóng len lén học lỏm võ, tuổi thơ Ngô Thanh Vân ở vùng quê hình thành nên tính cách mạnh mẽ cho nữ nghệ sĩ.

Alpha Woman là cuốn sách của Ngô Thanh Vân khuyến khích phụ nữ trẻ bước ra khỏi vùng an toàn để thành công. Được sự đồng ý của Sky Books, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Nhà có ba anh em

10 năm đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, mọi thứ đều thiếu thốn, từ lương thực, đồ dùng sinh hoạt, điện nước... Tôi được sinh ra trong khoảng thời gian đầy khó khăn này.

Nhà tôi có ba anh em. Lần lượt tên Phong (anh Hai), Vũ (anh Ba) và Vân. Chắc để khỏi uổng công ba má đặt tên “hoành tráng” nên hồi còn nhỏ, ba anh em nhà tôi quậy phải nói là… quỷ khóc thần sầu!

Tôi là con gái út, thế nhưng hai ông anh chơi cái gì là tôi chơi cái đó. Hai ổng thích gì là tôi thích cái đó. Cả ngày tôi bám theo các anh như một cái đuôi: sáng đá banh, bắn chim, tối đến thì đi đốt đuốc. Mấy ảnh đâu thích nhỏ em đi theo vì vướng bận tay chân, nhưng tôi vẫn lì lợm “bám càng” vậy đó. Kể cũng tội, mà thôi cũng kệ!

Tuổi thơ quậy phá quỷ khóc thần sầu của Ngô Thanh Vân - Ảnh 1.

Ngô Thanh Vân và hai anh trai

Chẳng những là đứa con gái duy nhất trong nhà, tôi còn là đứa con gái duy nhất nằng nặc đòi ba má phải cho đi học võ.

Ở quê tôi ngày đó, thỉnh thoảng có thầy trên thành phố về dạy võ cho tụi nhỏ. Má chỉ đóng tiền cho hai anh trai đi học, còn tôi là con gái nên bị bắt ở nhà. Tôi cứ càu nhàu với má suốt: “Tại sao không cho con đi học? Tại con là con gái ư?”

Một thời gian sau vì quá mệt mỏi nên má bảo tôi cứ ra sân banh, nơi đám con trai học võ. Đứng bên ngoài thôi nha. Rồi người ta làm gì thì con làm y chang như vậy.

Thế là trên sân banh, lớp võ thuật được người ta giăng dây xung quanh, tôi đứng bên ngoài học ké. Hồi đó đâu có quan tâm mình là đứa con gái duy nhất ở đó, chỉ biết là học võ “ngầu” quá nên nhất quyết đòi theo thôi.

Tuổi nhỏ ở vùng quê đã cho tôi một sức sống tự nhiên, mãnh liệt.

Sự nghiêm khắc và không quá bao bọc của má đã rèn cho tôi tính cách kiên cường.

Và, dưới ảnh hưởng của hai anh trai, tôi cũng mạnh mẽ và độc lập hơn nhiều cô bé khác.

Có một câu chuyện ngồ ngộ tới giờ các anh trai tôi vẫn thường nhắc lại mỗi khi họ nói về tính cách cứng đầu và ưa thích sự độc lập của tôi. Đó là ngày đầu tiên tôi đi mẫu giáo. Một ngày như vậy, cô nhóc nào tới cổng trường cũng khóc lóc ầm ĩ, gào loạn cả lên. Vậy mà bữa đó, anh Vũ - người anh thứ hai - đưa tôi đi học đã vô cùng sửng sốt lúc tới cổng trường, tôi tỉnh bơ quay sang nhìn anh, nói nghiêm trang:

- Anh về đi. Em tự vô được rồi!

Có lẽ, đó là câu nói mang tính “điềm báo”, báo hiệu những bước đường sau này của tôi - đứa con gái không mè nheo, không bánh bèo: Một hành trình tự lập, chủ động và can đảm đương đầu.

Tụi con nít ở quê đứa nào cũng khoái tắm mưa. Tôi nhớ lúc mình tầm năm tuổi, bữa đó trời mưa to, cả đám ùa ra sân banh. Ngay trước chỗ cầu môn, do người ta đá banh nhiều nên có một cái hố khá sâu.

Khi mưa lớn thì cái hố trở thành vũng nước, lút cả chân tụi nhỏ.

Anh Phong và anh Vũ chạy băng băng khắp sân, còn tôi thì bé xíu nên cứ lặc lè bì bõm hoài vẫn ở trong cái vũng. Toàn bùn đất vậy mà tôi thấy vui lắm nha, mải mê “tắm gội” các kiểu.

Một hồi sau, má đi kiếm, gọi về. Má kêu trời khi nhìn thấy ba đứa con lấm lem, bùn đất từ đầu tới gót. Dĩ nhiên ba anh em bị má cho “lên thớt” rồi. Riêng tôi bị ăn đòn gấp đôi vì con gái mà “dám” đi đá banh, đã vậy còn chơi dơ nữa. Mà đúng thiệt. Tôi dơ nhất trong đám nhỏ luôn, vì chỉ mình tôi ngụp lặn trong vũng sình thôi mà.

Kỉ niệm đó tôi không bao giờ quên. Lúc nhỏ thì ấm ức vì nghĩ má không công bằng. Nhưng, nhờ những trận đòn gấp đôi các anh, khi trưởng thành rồi, tôi lại ý thức được rất rõ:

Không có việc gì con trai làm được mà con gái thì không!

Chuyến hải trình kề cận tử thần

Cuộc sống gia đình tôi lúc đó thực sự khó khăn. Ba má tìm nhiều cách để thay đổi mà vô vọng. Thế rồi, người lớn xung quanh bắt đầu nói đến việc rời bỏ quê hương xứ sở. Tôi chỉ nghe vậy thôi, chẳng hiểu gì.

Một hôm, ba má nói với tôi rằng: “Con sẽ đi Mỹ!”. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ mười tuổi, tôi hình dung chỉ cần ngồi lên chiếc ghe, ghe chạy sang bờ sông bên kia thì đến Mỹ rồi. Còn “táo bạo” hơn thì chui vào trong một con tàu kín mít, con tàu bay lên cung trăng thì đó chính là nước Mỹ.

[...]

Ngày đầu tiên trên biển, tôi bắt đầu đọc được nỗi sợ trong mắt những người xung quanh. Nhưng vì là một đứa trẻ, tôi vẫn chưa ý thức được về sự hiểm nguy hay chết chóc. Mối bận tâm duy nhất chỉ là lo đói và khát. Lênh đênh trên biển khoảng ba ngày thì tôi mới thực sự nhận ra chuyến đi này không hề giống như trong tưởng tượng. Tôi có thể sẽ không gặp được ba má và các anh nữa. Đó là một cú đánh choáng váng vào nhận thức. Tôi khóc òa lên, đòi về. Tất nhiên, cho dù tôi có khóc hết nước mắt thì cũng không thể về được nữa.

Dần dần, đứa trẻ mười tuổi năm ấy phải chấp nhận sự thật: Nó đang ở trong một chuyến hải trình với bão tố và cướp biển rình rập. Nước có thể hết và thức ăn có thể cạn khi chưa tới nơi. Đơn giản và không ai dám gọi tên, đó chính là cái chết cận kề.

Tuổi thơ quậy phá quỷ khóc thần sầu của Ngô Thanh Vân - Ảnh 2.

Cô bé áo hồng (không bị che mặt) là Ngô Thanh Vân trên tàu cá cũ kỹ trong chuyến vượt biển.

Đến ngày thứ mười thì có một tàu hàng rất lớn chạy đến gần. Tôi được đưa lên trên để vẫy tay cầu cứu. Tàu đi ba vòng xung quanh con thuyền cá mỏng manh rồi quyết định đến gần, thả thang dây xuống cho mọi người leo lên.

Nháo nhào. Hỗn loạn. Hơn một trăm người tranh nhau bám vào thang, để trèo lên.

Ngay khi mọi người lên được tàu hàng, một con sóng lớn ập đến. Chiếc tàu cá cũ kỹ đập mạnh vào mạn tàu lớn, nứt vỡ. Nước cuộn lên. Con tàu nhỏ vỡ thành từng mảnh vụn. Chìm dần, chìm dần…

Sau này, vị thuyền trưởng tàu hàng kể rằng, sở dĩ ông quyết định cứu tàu cá là bởi sau khi đi quanh ba vòng xem xét, ông thấy tình hình tệ lắm rồi. Ngoài ra, dự báo thời tiết còn báo một tiếng nữa thôi, vùng biển này sẽ có một cơn bão lớn. Ông không nỡ bỏ mặc những sinh mạng xa lạ trên biển, dù ông biết, nếu cứu người, ông sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý vô cùng lớn.

Mỗi người thường có ít nhất một lần trải nghiệm cận tử. Tôi cũng vậy. Nhưng, với tôi, trải nghiệm ấy diễn ra quá sớm, để lại trong tôi một vết thương tâm lý hằn sâu.

Tôi không còn là đứa trẻ vô tư lự, ngây thơ và vui tươi nữa, từ chuyến hải trình tột cùng khiếp đảm ấy.

Chuyến đi ấy là cột mốc sâu đậm. Ký ức về nó quá đậm đặc, trở thành một hố sâu chất chứa nỗi kinh hoàng. Suốt mười năm sau đó tôi vẫn rất sợ biển, không muốn đặt chân ra biển, càng ít nghe về biển càng tốt. Nhưng ngược lại, sau hành trình ấy, tôi thấy mình không còn sợ thêm gì nữa. Mỗi khi gặp thách thức trở ngại, hình ảnh chuyến tàu năm xưa lại tràn về. Tôi tự nhắc mình: Đã trải qua những gì tồi tệ nhất, chuyện khó khăn bây giờ có là gì mà phải ngã lòng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.