Vì sao hai dự án cao tốc lớn xin gia hạn về đích?

Hai dự án cao tốc quy mô lớn, có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD là cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang chậm tiến độ.
Vì sao hai dự án cao tốc lớn xin gia hạn về đích? - Ảnh 1.

Nút giao Dung Quất (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) do phải xử lý đất nền yếu nên không thể hoàn thành trước 29/4/2019. (Ảnh: Zing).

Chủ đầu tư chưa quyết liệt, hai dự án cao tốc lớn chậm

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, đến thời điểm hiện tại, cả 3 đoạn tuyến của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đều đang chậm.

Cụ thể, khối lượng thực hiện các gói phía Tây (đoạn 1 từ A1-A4) mới đạt gần 81,75%, chậm 18,25%; đoạn phía Đông (đoạn 3 từ A5-A7) khối lượng thi công đạt 15,04%, chậm 13,14% và các gói thầu đoạn 2 (J1-J3) đạt 82,59%, chậm 8,37%, phần cầu chính của cầu Bình Khánh và Phước Khánh dừng thi công do đang rà soát thiết kế.

“Do công tác điều hành, quản lý dự án của VEC chưa thống nhất, chưa quyết liệt và chưa hiệu quả, đặc biệt từ khi chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, VEC thực hiện không đầy đủ chỉ đạo của Bộ GTVT.

Hiện nay, tiến độ dự án rất chậm và dự án còn rất nhiều tồn tại, đặc biệt là vấn đề xử lý kỹ thuật cầu dây văng Bình Khánh, Phước Khánh”, ông Thành nói và cho biết, nếu không quyết liệt giải quyết nhanh chóng các tồn tại, thúc đẩy tiến độ dự án, nguy cơ gây thiệt hại rất lớn về tài chính do đền bù dừng thi công, chậm hoàn thành đưa công trình vào khai thác hoàn vốn…

Về tình hình triển khai cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC cho biết, đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn vay JICA dài 65km (Đà Nẵng - Tam Kỳ) đã thông xe, đưa vào khai thác tạm từ ngày 2/8/2017 và đang tiến hành thu phí hoàn vốn, còn lại đoạn tuyến sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) đoạn từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi thông xe, đưa vào khai thác tạm từ 2/9/2018, chưa thu phí.

Hiện nay, dự án đang thi công hoàn thiện mở rộng 5 nút giao: Túy Loan, Hà Lam, Tam Kỳ, Dung Quất, Bắc Quảng Ngãi và thi công hệ thống đường gom, đường ngang, đường dân sinh, đường hoàn trả địa phương và hạng mục hàng rào.

“Dự án đang còn vướng mắc 37 vị trí đường gom, đường ngang, đường vuốt nối và 142 vị trí vướng mặt bằng hàng rào do người dân không đồng ý đơn giá và phương án đền bù”, ông Tám nói và cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án, VEC kiến nghị Bộ GTVT sớm gia hạn thời gian thực hiện dự án đến quý I/2023, riêng đoạn WB gia hạn đến 31/12/2019.

Đồng thời, VEC kiến nghị Bộ GTVT cho phép thu phí đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn vay của WB (Tam Kỳ - Quảng Ngãi) để có kinh phí phục vụ công tác quản lý khai thác và hoàn vốn đầu tư dự án.

Vì sao hai dự án cao tốc lớn xin gia hạn về đích? - Ảnh 2.

Thi công gói thầu A7 cao tốc Bến Lức - Long Thành. (Ảnh: Vĩnh Phú).

Không hoàn thiện, không được thu phí

Theo ông Lê Kim Thành, đối với dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, công tác điều hành của VEC còn thiếu quyết liệt dẫn đến không giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh.

"Theo quyết định của Bộ GTVT, tiến độ hoàn thành gói thầu sử dụng vốn JICA được chấp thuận gia hạn ngày 31/12/2018, các gói thầu sử dụng vốn WB được chấp thuận gia hạn ngày 31/10/2018.

Tuy nhiên, hiện tại các thủ tục điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án chưa được hoàn tất, tiến độ hoàn thành các gói thầu VEC cũng chưa trình Bộ GTVT để lấy cơ sở gia hạn", ông Thành nói và cho biết, nguy cơ thời hạn hoàn thành đoạn tuyến vốn JICA sẽ kéo dài đến hết năm 2019, chưa kể giai đoạn 2 của các nút giao khác mức Túy Loan (dự kiến hoàn thành vào quý III/2021).

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km, có tổng mức đầu tư hơn 1,488 tỉ USD gồm: Vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 647,12 triệu USD và 569,3 triệu USD từ vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), còn lại vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 272,46 triệu USD.

Dự án chia thành 3 phân đoạn, sử dụng các hiệp định vay vốn khác nhau và thời gian đầu tư cũng khác nhau.

Trong đó, đoạn 1 (đoạn phía Tây) gồm các gói xây lắp từ A1-A4, sử dụng vốn vay ADB có hiệu lực đến ngày 30/6/2019.

Đoạn 2 sử dụng vốn vay của JICA gồm các gói thầu J1, J2 và J3. Riêng gói thầu J2, phần nối giữa 2 cầu dây văng Bình Khánh - Phước Khánh đã đóng hạn hiệp định vay vốn ngày 27/2/2017, hiệp định vay vốn của hai gói thầu J1 (cầu dây văng Bình Khánh) và J3 (cầu dây văng Phước Khánh) có hiệu lực đến ngày 17/7/2024. Còn lại, đoạn 3 (đoạn phía Đông) gồm 3 gói thầu xây lắp từ A5 - A7 sử dụng vốn vay ADB, hiệu lực vay vốn sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2020.

"Đoạn tuyến sử dụng vốn WB cũng có nguy cơ thiếu vốn để thanh toán cho nhà thầu sau thời điểm các hiệp định vay vốn WB kéo dài hết hiệu lực (29/4/2019).

Đặc biệt, nút giao Dung Quất do phải xử lý đất nền yếu trong thời gian khoảng 300 ngày nên không thể hoàn thành trước ngày 29/4/2019", ông Thành cho biết thêm.

Trước tình hình thực tế của dự án, chủ trì cuộc họp vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu VEC phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống hàng rào để đảm bảo ATGT trên toàn tuyến đường đang khai thác.

"Hiện nay, hệ thống đường gom, hàng rào thuộc các gói thầu sử dụng vốn JICA đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ và đoạn sử dụng vốn WB từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi đều chưa xong. Trường hợp hết hiệp định vay vốn, Cục QLXD&CLCTGT và Vụ KH&ĐT cần phối hợp nghiên cứu đề xuất gia hạn thời gian kết thúc hiệp định, tinh thần là đề xuất kéo dài thời gian tối đa theo quy định để trình Chính phủ và các bộ, ngành xem xét.

Trường hợp các cơ quan chức năng đã hỗ trợ hết sức mà tiến độ dự án không kịp, lỗi là do VEC", Bộ trưởng nói và cho rằng, VEC không thẳng thắn nhìn nhận khó khăn để khắc phục thì nguy cơ lụt tiến độ là điều khó tránh.

"VEC không hoàn thiện hệ thống kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn cho quá trình lưu thông thì không thu được phí và cũng không cơ quan nào dám cấp phép cho VEC thu phí.

Khi ấy, lượng tiền về không có để trả nợ nên càng kéo dài thời gian, VEC sẽ càng khó khăn về tài chính", Bộ trưởng nói và thẳng thắn đánh giá, tiến độ dự án hiện nay chậm do vướng hàng rào mặt bằng chỉ là một phần, còn lại phần lớn là do VEC chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo nhà thầu, để diễn ra tình trạng tiến độ thi công "giậm chân tại chỗ" nhiều tháng qua.

Liên quan đến dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, nguy cơ chậm tiến độ còn cao hơn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thời hạn vốn vay ADB cho đoạn phía Tây tháng 6/2019 đã hết thời hạn nhưng tiến độ hiện tại chậm bình quân 18%, có những gói thầu chậm tới 33%.

Nhánh phía Đông đã khởi công hơn một năm, thời hạn vay vốn hết hiệu lực vào tháng 6/2020 nhưng khối lượng GPMB và thi công còn rất lớn, mới hoàn thành 15%, còn tới 85% xây dựng.

“VEC phải đề ra phương án, đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng được gia hạn hợp đồng để tiếp tục làm. Tuy vậy, VEC cần hiểu rằng, thời gian xin gia hạn quá dài, tổ chức tín dụng quốc tế sẽ không đồng ý. Chủ đầu tư phải trả lời được cụ thể khi nào xong thì khả năng được gia hạn thời gian mới có khả thi”, bộ trưởng yêu cầu.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Từ Hà Nội - TP HCM cần tối đa 7hDự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Từ Hà Nội - TP HCM cần tối đa 7h Hơn 14 nghìn tỉ đồng giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020Hơn 14 nghìn tỉ đồng giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giờ ra sao?11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giờ ra sao?
chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.