Kể từ tháng 5, Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC), đối tác gia công bán dẫn lớn nhất thế giới năm 2019, đã ngừng mọi hợp đồng đặt hàng mới từ Huawei Technologies. Quyết định này đưa ra nhằm tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ, với mục đích cản trở các công ty sản xuất chip xử lí của nước này cung cấp các sản phẩm cho Huawei.
Công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan (tiếng Trung là Công ty chế tạo tích thể điện lạc Đài Loan), còn được gọi tắt là TSMC, là tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới, với trụ sở chính và các hoạt động chính nằm trong Khu Khoa học và Công nghiệp Tân Trúc tại thành phố Tân Trúc, Đài Loan.
Công ty được thành lập tại vào năm 1987, là công ty sản xuất bán dẫn đầu tiên và từ lâu đã trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Hãng được niêm yết trên cả hai Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan và Sở giao dịch chứng khoán New York.
Mặc dù TSMC cung cấp một loạt các dòng sản phẩm vi mạch (bao gồm cả cao áp, tín hiệu hỗn hợp, tương tự và MEMS), nhưng hãng được biết đến với dòng sản phẩm chip logic, với thế mạnh đặc biệt trong quá trình thụ điện năng thấp tiên tiến như 28 nm HPM với công nghệ HKMG cho các ứng dụng điện thoại di động và hiệu suất cao.
TSMC phục vụ khách hàng của mình với công suất toàn cầu khoảng 13 triệu tấm đĩa bán dẫn, tương đương 300 mm mỗi năm vào năm 2020. Hãng gần như độc quyền cung cấp các chip bán dẫn đa dạng kích thức từ 2 micron cho đến các quy trình tiên tiến nhất hiện nay, là 7 nanomet. TSMC là nhà máy đầu tiên cung có khả năng sản xuất vi xử lí 7 nanomet và là công ty đầu tiên thương mại hóa công nghệ in khắc cực tím cực tím (EUV) trong việc đưa sản phẩm của khách hàng ra thị trường với khối lượng lớn.
Vốn hóa thị trường của TSMC đạt giá trị 63,4 tỉ USD vào tháng 12/2010. Tờ Thời báo Tài chính đưa tin, hãng đã được xếp hạng thứ 70 trong FT Global 500 năm 2013, danh sách các công ty có giá trị cao nhất thế giới với số vốn là 86,7 tỉ USD, trong khi đạt mức vốn hóa thị trường 110 tỉ USD vào năm 2014.
Doanh số của TSMC tăng từ 44 tỉ Tân Đài tệ vào năm 1997 lên 763 Tân Đài tệ (khoảng 25 tỉ USD) vào năm 2014, thu nhập thuần đạt 9 tỉ USD vào năm 2014 với biên lãi gộp 50%. Từ năm 2014, TSMC đã ghi nhận xu hướng gia tăng doanh số liên tục do nhu cầu tăng cao, chủ yếu là do chip cho các dòng điện thoại thông minh đến từ hàng loạt các hãng lớn.
Hầu hết các tập đoàn hàng đầu về bán dẫn như Qualcomm, NVIDIA, Advanced Micro Devices, MediaTek, Marvell và Broadcom là khách hàng của TSMC, cũng như các công ty mới nổi như Spreadtrum, AppliedMicro, Allwinner Technology và HiSilicon,…
Chính vì thế, khi lệnh cấm vận mới từ Mỹ được TSMC tuân thủ, Huawei như phải gánh chịu cú "knock out". Chip rất quan trọng đối với một lượng lớn các sản phẩm của Huawei từ các trạm cơ sở cần thiết cho mạng 5G cho đến điện thoại thông minh của họ.
Huawei thiết kế chất bán dẫn cho các sản phẩm của mình thông qua một công ty có tên HiSilicon. Nhưng việc sản xuất thực tế những con chip này được thực hiện bởi TSMC của Đài Loan. Và thật không may, TSMC lại sử dụng thiết bị do Mỹ sản xuất để sản xuất những con chip đó.
Đối với điện thoại thông minh của mình, Huawei có một loạt bộ vi xử lí dưới thương hiệu Kirin được áp dụng vào hầu hết tất cả các mẫu điện thoại thông minh của mình. Vấn đề đối với Huawei là sự phụ thuộc rất lớn vào TSMC với hơn 98% chip liên quan đến điện thoại thông minh do công ty Đài Loan này sản xuất, theo ước tính của Counterpoint Research.
Bộ phận bán lẻ cho người tiêu dùng của Huawei chiếm hơn 50% tổng doanh thu của công ty trong năm 2019, mang lại doanh thu 66,93 tỉ USD.
CNBC nhận xét: "Có rất nhiều tiền của sẽ bị đe dọa nếu HiSilicon bị tấn công".
Mặc dù trước đó, Huawei đã xem xét các nhà sản xuất chip Trung Quốc đại lục để đặt hàng sản xuất bộ vi xử lí Kirin cho điện thoại thông minh. SMIC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc, là ứng cử viên số một. Tuy nhiên, theo tạp chí Global Times, con chip này chỉ dành cho dòng điện thoại Honor của Huawei, và không giải quyết được nhu cầu của các dòng sản phẩm khác.
"Trên hết, TSMC vượt xa SMIC về năng lực, công suất và quy mô công nghệ hàng đầu", Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, nhận xét. Ông khẳng định, các quy tắc mới của Mỹ có thể là một "cú hích lớn" đối với Huawei.
Có thể nói TSMC có mối quan hệ cực kì tốt với chính quyền Mỹ. Hãng này sản xuất chất bán dẫn, vi mạch, vi xử lí… hầu như bằng các công cụ được mua từ Mỹ. Ngoài ra, công ty đã vận hành một nhà máy chế tạo ở Camas, Washington và các trung tâm thiết kế ở Texas và California.
Động thái mới nhất để mối quan hệ này "thân càng thêm thân" chính là TSMC vừa gật đầu với chính quyền Trump về việc xây dựng nhà máy tại Mỹ. Wall Street Journal đưa tin, Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở Arizona. Đây là nhà máy sẽ sản xuất chip bóng bán dẫn 5 nanomet cho TSMC.
Hãng cho biết cơ sở này sẽ tạo ra hơn 1.600 việc làm chuyên nghiệp công nghệ cao, công việc xây dựng bắt đầu vào năm 2021 và dự kiến sản xuất sẽ bắt đầu vào năm 2024. TSMC cho biết tổng chi tiêu cho nhà máy sẽ vào khoảng 12 tỉ USD từ năm 2021 đến năm 2029.
Thời báo New York đánh giá: "Động thái này dường như là một chiến thắng cho chính quyền Trump, người luôn kêu gọi xây dựng mắt xích sản xuất của Mỹ và chỉ trích sự mong manh của chuỗi cung ứng công nghệ tập trung chủ yếu ở Trung Quốc".
Giới truyền thông không khỏi đồn đoán, TSMC dùng nhà máy này để xoa dịu Tổng thống Trump, từ đó có được "kim bài miễn tử" trong lệnh trừng phạt của Mỹ vì công ty này là nhà cung cấp vi xử lí lớn cho Huawei. Trước đó, một số quan chức chính quyền của Trump đã ủng hộ gây thêm áp lực cho Đài Loan và TSMC để lựa chọn giữa việc cung cấp chip cho Trung Quốc hoặc cho Mỹ.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của TSMC cho biết quyết định xây dựng nhà máy này dựa trên nhu cầu kinh doanh của công ty, không phải là một phần của bất kì cuộc đàm phán nào nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt thương mại. "Cơ sở tại Mỹ không chỉ cho phép chúng tôi hỗ trợ khách hàng và đối tác tốt hơn, mà còn cho chúng tôi nhiều cơ hội hơn để thu hút nhân tài toàn cầu", vị này nhấn mạnh.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch của TSMC, Lưu Đức Âm, chia sẻ với Thời báo New York rằng, TSMC đã đàm phán với Bộ Thương mại về mở một nhà máy ở Mỹ. Nhưng họ sẽ cần trợ cấp đáng kể từ chính phủ đáng kể. Tháng trước, khi họp mặt với nhà đầu tư, ông Lưu cũng than thở rằng sẽ mất chi phí rất cao để tạo ra một nhà máy ở Mỹ mà khoản tiên đó "khó có thể chấp nhận vào thời điểm này".
Thế nhưng chỉ sau một tháng, kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ đã ra lò. Thời báo New York không khỏi hoài nghi chính quyền Trump đã rót tiền hoặc có những khoản ưu đãi tài chính không nhỏ dành cho doanh nghiệp này để một mực lôi kéo TSMC về phía Mỹ.
Đô thị 08:29 | 13/07/2020
Nhà đất 08:06 | 13/07/2020
Kinh doanh 08:03 | 13/07/2020
Đô thị 08:03 | 13/07/2020
Kinh doanh 09:07 | 29/06/2020
Đô thị 06:02 | 29/06/2020
Du lịch 06:00 | 29/06/2020
Tiêu dùng 20:34 | 28/06/2020