Viện trưởng Tối cao: Phải xử nặng người trong ngành vi phạm

Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng người đã và đang thực thi pháp luật mà lại vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của cơ quan nhà nước, thì phải xử lý ở mức cao nhất có thể.

Ngày 5/4, VKSND tối cao tổ chức hội nghị tập huấn công tác bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND.

Phát biểu chỉ đạo, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao, khẳng định ngành Kiểm sát luôn đề cao và coi việc chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, ngành đã cố gắng, làm rất trách nhiệm, đồng thời đề ra nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất việc để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Viện trưởng Tối cao: Phải xử nặng người trong ngành vi phạm - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Trí phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VKSND tối cao

Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành phải tăng cường công tác rút kinh nghiệm; tổ chức tập huấn về các quy định pháp luật mới, quy trình nghiệp vụ đảm bảo triển khai thực hiện đồng bộ; luôn luôn thu thập tài liệu, chứng cứ theo hai hướng buộc tội và gỡ tội, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội tránh để xảy ra trường hợp oan sai gây bức xúc cho người dân.

Đặc biệt, ông Lê Minh Trí cũng đề cập tới trách nhiệm của cán bộ ngành trong việc chấp hành pháp luật. Theo viện trưởng VKSND Tối cao, đối với người hiểu biết rất rõ về pháp luật, đã và đang thực thi pháp luật mà lại có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của cơ quan nhà nước thì phải xử lý thật nặng, xử lý ở mức cao nhất có thể để răn đe và phòng ngừa chung.

Dù không đề cập trực tiếp, nhưng phát biểu trên của ông Trí được nhiều người liên tưởng đến vụ việc ông Nguyễn Văn Linh, cựu phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy tại TP.HCM.

Một phó viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng tuy viện trưởng không nói cụ thể về ai, vụ việc nào, nhưng ai cũng hiểu chỉ đạo ấy được áp dụng cho cả người đang hay từng công tác trong ngành kiểm sát...

Phải cầu thị trong bồi thường oan sai

Cũng tại hội nghị, ông Phạm Hoàng Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sẽ thiết lập cơ chế pháp lý bồi thường của Nhà nước minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước.

Còn ông Nguyễn Đăng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, nhận định việc ban hành quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường giúp xác định, phân định rõ trách nhiệm của từng chủ thể có liên quan trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường; hạn chế tối đa các trường hợp giải quyết kéo dài, gây bức xúc cho người yêu cầu bồi thường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường, đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ, thống nhất trong toàn ngành.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, yêu cầu các đơn vị cần có sự quan tâm hơn nữa cũng như phải có tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao nhất trong công tác bồi thường thiệt hại. Thủ trưởng các đơn vị, viện trưởng VKSND các cấp tiếp tục nghiên cứu, quán triệt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và quy trình của VKSND tối cao về công tác bồi thường.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.