Vụ người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy ở Galaxy 9: Cơ quan nào có thẩm quyền giải thích pháp luật?

UBTVQH là chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện thẩm quyền này có Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác lập pháp.

Chiều 8/4, Công an quận 4 làm việc với bảo vệ chung cư Galaxy 9, người quẹt thẻ giúp bé gái đi thang máy; tổ trưởng tổ kĩ thuật và một nhân viên kĩ thuật của chung cư này.

Nguồn tin PLO cho biết buổi làm việc không diễn ngay tại chung cư Galaxy 9, nơi xảy ra vụ việc bé gái bị ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng "nựng" trong thang máy.

Trước vụ việc bé gái ở chung cư Galaxy 9 (quận 4, TP HCM), rất nhiều độc giả thắc mắc rằng cơ quan nào có thẩm quyền hướng dẫn và giải thích áp dụng pháp luật liên quan đến hành vi dâm ô, hiếp dâm trẻ em để xử lý vụ việc?.

Vụ người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy ở Galaxy 9: Cơ quan nào có thẩm quyền giải thích pháp luật? - Ảnh 1.

Vụ nguyên phó viện trưởng sàm sỡ bé gái trong thang máy gây bức xúc lớn trong dư luận. (Ảnh cắt clip).

Thẩm quyền giải thích pháp luật

Thẩm quyền đề nghị giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh được quy định tại Điều 159 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 như sau:

- Chủ tịch nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận và đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị UBTVQH giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

- UBTVQH tự mình hoặc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội quy định tại quy định trên quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Như vậy, Tòa án nhân dân tối cao chỉ có quyền đề nghị UBTVQH giải thích pháp luật (khoản 1 Điều 159 Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

Với quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về việc áp dụng án lệ tại Tòa án, thì Thẩm phán cần phải diễn giải pháp luật khi xét xử các vụ án.

Việc diễn giải pháp luật của Thẩm phán (Tòa án) hoàn toàn khác về tính chất với giải thích pháp luật của UBTVQH. Nếu giải thích pháp luật của UBTVQH là có tính bắt buộc chung thì giải thích pháp luật của Thẩm phán (Tòa án) chỉ có hiệu lực đối với vụ án cụ thể mà Thẩm phán xét xử và chỉ được áp dụng cho những vụ án tương tự xảy ra trong tương lai nếu đó là án lệ.

Về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

Liên quan đến tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi", có 2 tài liệu giải thích khái niệm "dâm ô" là thông tư liên tịch số 01/1998 và bản tổng kết hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và hành vi giao cấu khác về mặt tình dục của TAND tối cao.

Tại "Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục" (số 329 - HS2 ngày 11/5/1967 của TAND tối cao), tội dâm ô được hướng dẫn như sau:

"Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thoả mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó (ví dụ như: dùng tay sờ mó hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần, cho xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình…).

….

Can phạm thông thường là nam giới, nhưng trong một số trường hợp hết sức cá biệt có thể là nữ giới.

…dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tròn mức hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù… đối với người lớn từ cảnh cáo đến 1 năm tù".

Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/ TANDTC - VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 của Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ nội vụ (nay là Bộ công an) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, đã hướng dẫn hành vi dâm ô đối với trẻ em là hành vi như "sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác, nhưng không có việc giao cấu với trẻ em".

Tuy nhiên, đây là những tài liệu đã hết hiệu lực áp dụng. Trong khi đó Bộ luật hình sự năm 2015 lại chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi dâm ô.

Mới đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã ban hành kế hoạch tổ chức cuộc họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới.

Theo đó, cuộc họp nhằm đánh giá đầy đủ việc thực hiện của các bộ, ngành đối với các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp trước đây. Đồng thời, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nổi cộm, bức xúc được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác này và kiến nghị, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung.

Trong đó, Ủy ban Tư Pháp yêu cầu các đơn vị báo cáo cụ thể các vụ xâm hại tình dục trẻ em như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.