Vụ nhà cựu Phó viện trưởng VKS sàm sỡ bé gái ở Sài Gòn bị ném chất bẩn: Người ném có thể bị phạt nặng

Hành vi ném chất bẩn, sơn vào nhà người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy mức độ mà hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự.

Chiều 5/4, chính quyền Đà Nẵng tổ chức hội nghị về công tác đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn với sự tham gia của nhiều Sở, ban, ngành có liên quan.

Tại hội nghị, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhắc lại vụ việc nhà ông Nguyễn Hữu Linh - cựu Phó viện trưởng VKS Đà Nẵng, người liên quan trong vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TP HCM vừa bị xịt sơn, ném chất bẩn.

Theo ông Thơ, cá nhân ông Linh vi phạm thì pháp luật xử lí, còn việc xịt sơn bôi bẩn nhà ông này là không được phép, tổn thương người thân không có liên quan.

Chính vì vậy, ông Thơ đề nghị cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lí, không để tái diễn hành vi trên.

Vụ nhà cựu Phó viện trưởng VKS sàm sỡ bé gái ở Sài Gòn bị ném chất bẩn: Người ném có thể bị phạt nặng - Ảnh 1.

Cửa vào nhà ông Linh bị xịt sơn và ném chất bẩn.

Hành vi ném chất bẩn, sơn vào nhà người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy mức độ mà hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự.

Xử phạt hành chính

Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Cụ thể, Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác.

- Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng.

- Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường.

- Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

Với lỗi vi phạm như đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác, người có hành vi vi phạm trên sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là "buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Trách nhiệm hình sự

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì:

"Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."

Tội gây rối trật tự công cộng trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, qua việc vi phạm quy tắc sống lành mạnh, nếp sống văn minh, xã hội chủ nghĩa, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở những nơi công cộng. Trật tự công cộng được hiểu là tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật nơi công cộng.

Theo đó, Tội gây rối trật tự công cộng là tội phạm có cấu thành vật chất nên phải có hậu quả xảy ra trên thực tế thì mới có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, căn cứ theo hướng dẫn tại điểm 5.1 khoản 5 Mục I Nghị quyết Số: 02/2003/NQ-HĐTP thì:

"5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:

a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;

….

h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội…

Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không."

Theo đó, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với "Tội gây rối trật tự công cộng" thì hành vi gây rối phải gây ra các hậu quả trên thực tế.

Do hậu quả xảy ra trong trường hợp này là không lớn nên chưa có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.