Vụ bê bối gian lận điểm thi THPT Quốc Gia 2018: Phụ huynh ‘có thể’ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ

Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng luật sư Đồng đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “đưa hối lộ” đối với những phụ huynh nếu có đủ căn cứ chứng minh phụ huynh của học sinh gian lận điểm thi lợi dụng sự quen biết của mình, đưa lợiích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn để họ nâng, sửa điểm cho con mình.

Khởi tố tội "đưa hối lộ" nếu có đủ căn cứ

Liên quan đến vụ bê bối gian lận điểm thi tại kì thi THPT Quốc gia 2018, vừa qua danh sách thi sinh được nâng điểm và danh sách phụ huynh có liên quan đến bê bối gian lận điểm thi này mới được công bố, đáng chú ý khi phần lớn những phụ huynh này đều là cán bộ, Đảng viên đang công tác ở cơ quan nhà nước.

Câu hỏi được dư luận quan tâm lúc này đó là việc xử lý ra sao đối với những phụ có tên trong danh sách gian lận điểm thi của các thí sinh và hình thức xử lý sẽ như thế nào.

Bàn về vấn đề này  luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Dưới góc độ pháp luật, nếu có đủ căn cứ chứng minh phụ huynh của học sinh gian lận điểm thi lợi dụng sự quen biết của mình, đưa lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn để họ nâng, sửa điểm cho con mình thì những đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo Điều 364 BLHS 2015.

Vụ bê bối gian lận điểm thi THPT Quốc Gia 2018: Phụ huynh ‘có thể’ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ - Ảnh 1.

Luật sư Trần Xuân Tiền- Văn phòng luật sư Đồng Đội.

Trường hợp phụ huynh, người thân của các thí sinh được sửa nâng điểm thi là người có chức vụ hoặc có quan hệ với người đã nâng điểm mà tác động tới người này thì có thể bị truy cứu về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác nhằm trục lợi" theo Điều 366 BLHS 2015.

Trong trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được là có sự tác động của các phụ huynh vào các đối tượng nâng điểm cho các thí sinh thì không thể "xử lý trách nhiệm hình sự đối với họ".

"Dưới góc nhìn của một luật sư, tôi thấy đây là sự việc rất nghiêm trọng, để lại hậu quả lâu dài xã hội. Mặc dù chưa có kết luận điều tra nhưng với phụ huynh là quan chức, cán bộ đang làm việc trong các cơ quan nhà nước có con trong danh sách nâng điểm, trước hết cần kiểm điểm, giải trình với cơ quan có hay không vì theo luật công chức đây là hiện tượng vi phạm đạo đức chứ không thể nói vô can dù có nâng điểm hay không.

Việc nâng điểm là do cấp dưới tự ý mà không nói với cấp trên nhằm "nịnh bợ" thì sau khi thực hiện cũng phải báo cáo lại để lấy thành tích hoặc số điểm được nâng lên quá lớn, đặc biệt có cả thủ khoa sau khi chấm lại điểm lại trượt đại học thì không thể không biết", luật sư Trần Xuân Tiền cho biết.

Về việc công bố danh sách thí sinh và phụ huynh có liên quan đến việc gian lận điểm thi luật sư Trần Xuân Tiền cho biết việc công khai danh sách thí sinh gian lận là không nên.

"Theo tôi, cần xem xét kỹ lưỡng việc công bố danh sách thí sinh và phụ huynh có liên quan đến việc gian lận điểm. Không nên công khai thí sinh gian lận bởi không nên đánh đồng việc được nâng điểm và việc đi mua điểm, gian lận điểm thi, các em có thể không tham gia việc gian lận điểm mà chủ yếu do phụ huynh các em thực hiện.

Đối với những phụ huynh "chạy điểm", "mua điểm" cho con, mặc dù dư luận rất bức xúc và lên án mạnh mẽ nhưng việc công khai danh tính cần phải cẩn trọng bởi chưa có kết luận điều tra của cơ quan công an", luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.

Đồng thời, theo các quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 về quyền bí mật đời tư và Luật An ninh mạng 2018, việc nêu tên họ công khai có thể làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mỗi cá nhân, mặt khác, nếu họ không có tội hoặc không có lỗi trong gian lận điểm thi thì có quyền tố cáo về hành vi công khai danh tính gây phức tạp. Tương tự, việc đăng tải bản án lên cổng thông tin điện tử của Tòa án cũng phải được sự đồng ý của họ, tên chỉ được viết tắt để tránh làm ảnh hưởng đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.

Do đó, không nên nêu tên phụ huynh lên mạng xã hội mà chỉ nên nêu ở phạm vi hẹp. Để giải quyết triệt để vướng mắc này, Bộ Giáo dục cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về các bước giải quyết và xử lý trong trường hợp gian lận điểm thi theo hướng vừa đảm bảo tính giáo dục, răn đe nhưng không xâm phạm quyền bí mật đời tư và quyền nhân thân của cá nhân theo quy định pháp luật.

Không nên công khai danh sách thí sinh

Cũng liên quan đến việc này luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng luật Giang-Thanh cho biết việc công bố danh sách thí sinh là không nên.

"Về việc công khai danh tính thí sinh, tôi cho rằng không cần thiết. Trên thực tế không phải thí sinh nào cũng biết rằng cha mẹ mình hoặc người khác có tác động để điểm số của thí sinh được tăng lên trái quy định. 

Vụ bê bối gian lận điểm thi THPT Quốc Gia 2018: Phụ huynh ‘có thể’ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ - Ảnh 2.

Luật sư Giang Hồng Thanh- Văn phòng luật sư Giang- Thanh.

Do đó nếu công khai danh tính của những thí sinh này sẽ là bất công cho họ", luật sư Giang Hồng Thanh chia sẻ.

Nói về việc xử lý ra sao với các phụ huynh có tên trong danh sách gian lận điểm thi của các thí sinh luật sư Giang Hồng Thanh cho biết, đối với những người đã nhờ vả, tác động để người có thẩm quyền sửa điểm thi, nếu Cơ quan điều tra chứng minh được họ đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất khác, họ có thể bị xử lý hình sự về tội "Đưa hối lộ" theo Điều 364 Bộ luật hình sự 2015.

chọn
Chi tiết tồn kho hơn 11 tỷ USD tại 10 doanh nghiệp bất động sản
Các chủ đầu tư kỳ vọng việc mở bán và ghi nhận doanh thu dự án sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực hàng tồn kho và có thanh khoản dòng tiền.