Vụ nữ tài xế Camry tông chết người ở Hà Nội: Lùi xe làm chết người có thể bị xử lý như thế nào?

Luật giao thông đường bộ 2008 quy định, khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.

Sáng 10/5, tin từ Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 1 người tử vong.

Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 6h30 ngày 10/5 tại ngõ 250, phố Khương Trung, quận Thanh Xuân.

Vào thời điểm trên, một người phụ nữ trung tuổi điều khiển chiếc xe máy Honda Lead mang BKS 30K9-54xx lưu thông trong ngõ 250 phố Khương Trung thì xảy ra va chạm với xe Toyota Camry mang BKS 30A-075.xx.

Cú va chạm quá mạnh khiến người phụ nữ trung tuổi đi xe máy bị thương nặng nằm bất động trên đường, chiếc xe ô tô Camry hư hỏng, dừng chắn ngang con ngõ.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi lùi xe làm chết người của tài xế ô tô phải chịu trách nhiệm gì?

Vụ nữ tài xế Camry tông chết người ở Hà Nội: Lùi xe làm chết người có thể bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Xe Camry hư hỏng phần đầu, nằm chắn ngang ngõ. (Ảnh: Hữu Thắng/TTO).

Quy định về lùi xe

Theo quy định tại Điều 16 Luật giao thông đường bộ 2008, khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.

Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.

Trong trường hợp khi lùi xe vi phạm các quy định trên, gây hậu quả chết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mức phạt khi vi phạm quy định lùi xe

Nếu vi phạm, người điều khiển sẽ bị xử phạt theo điểm l khoản 2, điểm a, điểm h khoản 4, điểm b, điểm c khoản 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Cụ thế, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người lùi xe ở đường một chiều, đường có biển "Cấm đi ngược chiều", khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất; lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước.

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng, đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.

- Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ một tháng đến bốn tháng.

Lùi xe làm chết người bị xử lý như thế nào?

Hành vi lùi xe ô tô không quan sát của lái xe dẫn tới cái chết của người phụ nữ có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015.

Để cấu thành tội phạm này, chủ thể bắt buộc có các hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Và vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về giải thích từ ngữ thì đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.

Do đó, việc xác định hành vi vi phạm các quy định về điểu khiển phương tiện giao thông đường bộ không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự mà phải căn cứ vào các quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Mặt khác, hậu quả xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 260.

Vậy, để xác định xem ai là người có lỗi trong trường hợp này, bạn cần phải liên hệ với cơ quan công an để xem xét lại biên bản ghi nhận hiện trường, hồ sơ vụ án.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.