Vụ nước có mùi ở Hà Nội: Cần ứng cứu như thiên tai

Chuyên gia cho rằng vụ nước có mùi ở Hà Nội cần ứng cứu như thiên tai, tình trạng khẩn cấp.

20191011_180421

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Styren trong nước máy gây hại như thế nào?

Ngày 15/10, UBND TP Hà Nội đã cung cấp thông tin xác minh vụ nguyên nhân nước có mùi.

Hà Nội cho biết cán bộ của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà phát hiện dầu thải nhưng không báo cáo cũng như ứng cứu, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lí nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

"Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi "khét" có trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra.

Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l- Nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN)", UBND TP Hà Nội cho biết.

Về chất Styren trong nước máy, GS Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) cho biết đây là hợp chất hữu cơ dang lỏng không màu và nhẹ hơn nước.

"Styren không tan trong nước và khi nồng độ đậm đặc sẽ có mùi khó chịu", GS Trần Văn Sung cho hay.

Nếu cơ thể con người nhiễm Styren với hàm lượng cao sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, giảm thị lực." Với tỉ lệ 3,6 lần và có thể cảm nhận được mùi thì chắc chắn có hại nhưng mức độ như thế nào cần đánh giá cụ thể", GS Trần Văn Sung cho biết thêm.

73322848_3121952544513780_6090345161387147264_n

Người dân Hà Nội đang phải mua nước sạch để sử dụng sau vụ nước máy có mùi. (Ảnh: Di Linh).

Cần ứng cứu như thiên tai?

PGS TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cho rằng khi xét về khía cạnh cấp nước an toàn, đơn vị cấp nước phải luôn luôn kiểm soát hiện tượng lạ; có trách nhiệm phải đảm bảo nguồn nước.

"Không thể để tình trạng cấp nước đến khi người dân sử dụng mới phát hiện nước có mùi.

Đơn vị cấp nước phải đảm bảo qui trình, kết hoạch cấp nước an toàn, chặt chẽ. Tất nhiên, trong vụ việc này, trách nhiệm chính thuộc về Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà, tuy nhiên chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm", ông Hạ nói.

Cũng theo PGS TS Trần Đức Hạ, nước máy không đảm bảo cần xả đi và cơ quan chức năng cần cấp nước khác cho người dân sử dụng bằng xe bồn, đấu nối nguồn khác...

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng, vụ nước có mùi ở Hà Nội là một báo động về câu chuyện nước sinh hoạt. Bởi lẽ, nước sinh hoạt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân với qui mô lớn.

Bà Lý cho rằng những nơi được phân định là nguồn nước cấp thường được bảo vệ cẩn thận do đó việc xuất hiện dầu thải cho thấy việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước đang là thách thức lớn.

"Chúng ta phải nhìn nhận lại câu chuyện kiểm soát ô nhiễm nguồn nước là vấn đề ưu tiên", bà Lý nói.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho rằng cần xây dựng một luật kiểm soát ô nhiễm nguồn nước và giải pháp kĩ thuật xử lí những ô nhiễm tiềm năng.

Với vụ việc này cần xử lí toàn bộ nước không đảm bảo và chỉ khi nào nước an toàn mới cấp trở lại.

"Việc này phải được ứng cứu như một thiên tai, "tình trạng khẩn cấp", bà cho hay.

Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho biết phải có đơn vị độc lập kiểm tra chất lượng nước để tránh gây hoang mang cho người dân.

Ngày 15/10, Công ty CP Nước sạch Hà Nội đã có thông báo khẩn về việc hỗ trợ cấp nước cho các khu vực dân cư bị ảnh hưởng từ nguồn nước mặt sông Đà theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.

Cụ thể, Công ty CP Nước sạch Hà Nội sẽ sử dụng tối đa các phương tiện cấp nước (xe bồn) hỗ trợ cho người dân các khu vực bị ảnh hưởng miễn phí.

Để được hỗ trợ, Tổ dân phố, Ban quản trị, quản lí các tòa nhà cần liên hệ Công ty và cung cấp thông tin, địa chỉ chính xác nhận nước.

Ngoài ra, Công ty CP Nước sạch Hà Nội mở cửa 24/24h các nhà máy nước gồm Hạ Đình, Pháp Vân, Mai Dịch, trạm cấp nước Quỳnh Mai để người dân chủ động vào lấy nước sạch sử dụng sinh hoạt.

chọn
Bất động sản tuần qua (28/4 - 4/5): Ba luật lớn kỳ vọng hiệu lực sớm, TP HCM dừng dự án BT của Phát Đạt
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7; điểm mới về thành lập cụm công nghiệp từ 1/5; loạt doanh nghiệp tiến vào Thái Nguyên... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.