CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) vừa thông qua chủ trương thoái vốn các dự án đầu tư địa ốc trong nước, hoặc công ty con kinh doanh không hiệu quả.
Số tiền thu về nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh lĩnh vực xây dựng, bao gồm dân dụng, công nghiệp, hạ tầng trong nước và đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị chưa tiết lộ cụ thể dự án nào công ty sẽ dự định rút.
Theo báo cáo thường niên năm 2020, Xây dựng Hòa Bình có hai dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hơn 1.428 tỷ đồng.
Trong đó, tại dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình - HBIC tại khu đất 2,45 ha tại quận 9, TP HCM do Xây dựng Hòa Bình góp 95%. Lợi nhuận dự kiến 10%. Hiện dự án đã hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Theo kế hoạch, tháng 3/2021 - 12/2021 công ty sẽ hoàn thành thủ tục xây dựng và cấp giấy phép xây dựng. Bước sang giai đoạn 3 là tháng 1/2022 - 12/2024, Hòa Bình sẽ khởi công và hoàn thành các giai đoạn xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị, đăng ký chứng nhận cơ sở ươm tạo và vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao.
Dự án thứ hai là Khu nhà ở Hòa Bình tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP HCM với diện tích 3 ha. Trong tổng 528 tỷ đồng đầu tư trong đó Xây dựng Hòa Bình góp 21,2%. Dự án dự kiến khởi công vào quý III/2021 và hoàn thành toàn bộ dự án quý III/2023. Lợi nhuận dự kiến 10%.
Ở nước ngoài, Hòa Bình có góp 20% vốn làm dự án chung cư cao cấp 30 tầng tại Ontario, Canada. Vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.
Dự án này đã hoàn thành thiết kế ý tưởng và thiết kế chi tiết, đang huy động thêm vốn để triển khai thủ tục xin giấy phép xây dựng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn góp của chủ sở hữu khoảng 114%.
Ngoài ra tại Canada, Hòa Bình còn dự định góp 36,7% trong tổng chi phí 6.800 tỷ đồng để phát triển dự án Queenston Quarry căn hộ chung cư, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp.
Còn tính tới ngày 31/3/2021, Hòa Bình đang sở hữu tổng cộng 21 công ty con, và 229 tỷ đồng góp vốn tại 5 công ty liên kết. Ngoài ra, tập đoàn xây dựng này còn có khoản đầu tư dài hạn tại các công ty khác.
Nhìn lại năm 2020, đây là năm khó khăn nhất trong lịch sử 33 năm hình thành và phát triển của Xây dựng Hòa Bình.
Doanh nghiệp cho biết thị trường xây dựng đầy khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư địa ốc được cấp giấy phép xây dựng, cộng thêm những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến các chủ đầu tư trong lĩnh vực du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng đều bị thiệt hại rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xây dựng.
Năm 2021, trước những tác động tích cực của chuyển dịch kinh tế đến ngành xây dựng, Hòa Bình sẽ tìm và mục tiêu chiếm lĩnh những thị trường mới.
Bên cạnh các thế mạnh như nhà ở, khách sạn,... Hòa Bình định hướng tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạnh nhóm dự án công nghiệp và năng lượng tái tạo, hạ tầng.
Tập đoàn cũng đặt kế hoạch giá trị trúng thầu các hợp đồng khoảng 14.000 tỷ đồng, chủ yếu là mảng dân dụng với tỷ trọng 75% và 25% còn lại đến từ bất động sản công nghiệp. Năm ngoái giá trị trúng thầu của Xây dựng Hòa Bình hơn 9.400 tỷ đồng.
Theo đó, mục tiêu doanh thu hợp nhất công ty đặt ở mức 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với kết quả năm 2020, lợi nhuận cao gấp 3,3 lần lên 235 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chủ tịch Lê Viết Hải khẳng định "việc hướng ra thị trường nước ngoài là con đường tất yếu của tập đoàn".
"Có như thế Hòa Bình mới thoát khỏi giới hạn của thị trường chật hẹp trong nước, đồng thời kéo theo nhiều doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng cùng chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ liên quan xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, đưa công nghiệp xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia", ông Lê Viết Hải nêu quan điểm.