Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo không kịp đăng kí trực tuyến tờ khai hải quan cho số lượng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4. Họ cho rằng việc Tổng cục Hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu gạo từ 0 giờ 30 ngày 12/4 là thiếu công bằng, thiếu minh bạch.
Chính vì vậy, nhiều công ty xuất khẩu gạo đã gửi công văn, đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ xem xét, giải quyết.
Ngày 14/4, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết ông đã kí văn bản đề nghị giải quyết khẩn cấp lần thứ hai, gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Cụ thể, ông Bình đề nghị hủy toàn bộ tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ ngày 11/4 đến nay. Cạnh đó, yêu cầu hải quan cho các DN khai tiếp những lô hàng đang khai dang dở và thông quan hết toàn bộ số lượng gạo đang nằm tại các cảng.
“Hiện tại, DN đang có mấy trăm ngàn tấn gạo nằm tại các cảng chờ thông quan. Danh sách, số container, các DN nhận về để đóng gạo… Bộ Công Thương đều nắm rất rõ. Đáng lẽ nếu hải quan cho mở tờ khai thì việc đầu tiên là phải cho các lô gạo đã và đang khai dang dở xuất khẩu, sau đó mới cho mở tờ khai mới.
Việc rất đơn giản vậy mà hải quan không thực hiện. Đó là chưa kể lúc nửa đêm cho mở tờ khai và chỉ trong ba giờ đồng hồ cho đăng kí hết 400.000 tấn gạo. Vậy có đúng với chỉ đạo của Thủ tướng là công khai, minh bạch không?”, ông Bình thắc mắc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho hay trên địa bàn tỉnh có 21 DN xuất khẩu gạo nhưng không có đơn vị nào đăng kí xuất khẩu được. Chính vì vậy các DN đều khóc ròng do hết hạn ngạch, trong đó có một công ty hiện có hơn 9.000 tấn gạo đang nằm ở cảng nhưng không đăng kí được.
Các DN này trước đó vốn đang xuất khẩu bình thường, sau đó có lệnh ngưng đột ngột. Nay có lệnh cho xuất khẩu lại, nhưng quy định hạn ngạch 400.000 tấn mà không có hướng dẫn hay ưu tiên cho các đối tượng như DN có hàng hóa tại cảng, đang làm thủ tục hải quan dở dang, đang có hợp đồng… nên tạo ra cuộc tranh giành mất trật tự.
“Các DN không đăng kí được phải lưu kho dưới tàu nên tốn chi phí rất lớn, bán gạo trả tiền tàu cũng không đủ. Khổ nhất là các DN 100% vốn nước ngoài. Họ không được bán hàng nội địa, chỉ được xuất khẩu nhưng bây giờ họ không đăng kí được thì chỉ có nước buông tay chịu lỗ, rồi hợp đồng bao tiêu với người dân này kia, khổ trăm bề”, ông Dũng cho hay.
Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, sáng 12/4, sở rà soát, nắm thông tin nhanh từ các DN xuất khẩu gạo thì được biết Tổng cục Hải quan không công bố thời gian mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động. Do đó, phần lớn công ty trên địa bàn cũng không thể thực hiện đăng kí tờ khai hải quan xuất khẩu gạo.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, cho hay chỉ riêng các đơn vị hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đăng kí có hợp đồng xuất khẩu sản lượng đã lên tới 1,3 triệu tấn gạo, tồn kho gần 3 triệu tấn. Vì thế, khi chỉ cho xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 thì chắc chắn sẽ tồn kho tới 900.000 tấn.
Khi mở tờ khai điện tử, ai nhanh tay thì được, khi đó chắc chắn sẽ có những DN chậm chân, không xuất khẩu được.
“Vì vậy, theo tôi, để minh bạch, rõ ràng, cơ quan hải quan xác minh cứ DN nào đăng kí tờ khai có số container, có tàu rõ ràng, có hàng thật thì cho thông quan. Còn nếu DN nào không có thì coi như tờ khai đó bị xóa. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần đề xuất bổ sung 200.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4”, ông Nam kiến nghị.
Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, hiện sản lượng gạo, nếp có hợp đồng giao hàng trong quý II/2020 của các DN trên địa bàn nhưng chưa được xuất khẩu khoảng 87.294 tấn. Trước tình hình trên, sở đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu 78.737 tấn gạo, nếp.
Phía An Giang cũng đề nghị sắp tới, Tổng cục Hải quan cần kịp thời có văn bản thông tin đến Cục Hải quan các địa phương, các DN xuất khẩu gạo và trên tất cả phương tiện thông tin đại chúng thời gian mở cửa hệ thống thông quan hàng hóa tự động. Qua đó để tất cả DN đều có cơ hội thực hiện đăng kí tờ khai hải quan xuất khẩu gạo, có cơ hội tham gia vào hạn ngạch xuất khẩu gạo.
Nguyên tắc quản lí hạn ngạch xuất khẩu gạo của Chính phủ theo Công văn 2412 Bộ Công Thương trình Thủ tướng ngày 6/4 là: Tờ khai đăng kí trước sẽ được xuất khẩu trước, tờ khai được mở cho đến khi chạm mốc 400.000 tấn. Không ưu ái ai cả, DN nào đăng kí sớm thì được, nếu hết hạn ngạch rồi thì DN không đăng kí tờ khai được.
Theo nguyên tắc này thì hải quan thiết lập một hệ thống cho phép DN đăng kí tờ khai cho đến khi nào số lượng đăng kí chạm mốc 400.000 tấn thì dừng, không cho phép đăng kí nữa. Hải quan hoàn toàn thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Một lãnh đạo Chi cục Hải quan TP HCM cho biết sSẽ kiểm tra tờ khai và thực tế hàng hóa. Theo đó, phải rà soát các tờ khai đăng kí xuất khẩu gạo, vì có trường hợp một người vào đăng kí nhưng lại đăng kí vài chục, có khi cả trăm tờ khai. Vì vậy, phía Chi cục Hải quan TP HCM đã có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn về các trường hợp tờ khai thuộc luồng đỏ, kiểm tra thực tế hàng hóa.
Ví dụ trường hợp tờ khai mà không có hàng thật thì xử lí, loại bỏ ra như thế nào để những DN có thể khai tờ khai tiếp.
Bên cạnh đó, nên chăng Bộ Công Thương cần đề xuất cho phép những DN đã có hợp đồng từ trước thì được xuất khẩu trước, những trường hợp kí hợp đồng sau thì xuất sau sẽ hợp lí hơn.
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long:
Xem lại chỉ tiêu chỉ cho xuất 400.000 tấn gạo
Phải nhìn nhận vấn đề là chỉ tiêu xuất khẩu 400.000 tấn gạo nhanh chóng được đăng kí hết, đặc biệt các DN gạo ở ĐBSCL bức xúc cho thấy chỉ tiêu này cần phải xem xét lại.
Sắp tới, ngành chức năng cần phải xem xét dựa trên năng lực của các DN xuất khẩu gạo trong sáu tháng hoặc một năm qua, căn cứ trên cơ sở các hợp đồng đã kí, để thấy được năng lực thật sự. Từ đó, phân bổ dựa trên tỉ lệ năng lực này chứ không phải phó thác cho việc hên xui, xí phần trước thì được như vừa qua.