Xuất khẩu gạo tiếp hay tạm dừng?

Dù Thủ tướng đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo nhưng xuất hay dừng vẫn đang gây tranh cãi.
Xuất khẩu gạo tiếp hay tạm dừng? - Ảnh 1.

Việt Nam cần thay đổi chiến lược xuất khẩu gạo. (Ảnh: Thanh Niên).

Trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu tác động nặng nề của hạn mặn vượt lịch sử, việc tạm dừng xuất khẩu để cân đối nhu cầu trong nước và cơ cấu lại ngành nông nghiệp là cần thiết.

Trung Quốc thu gom lương thực trên toàn tiểu vùng Mê Kông

Theo Tổng cục Hải quan , trong 2 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam đến gần 600% về lượng và 724% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Không chỉ ở Việt Nam, tờ Phnom Penh Post dẫn số liệu mới nhất của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, cũng cho thấy điều tương tự. Cùng thời gian trên, Campuchia đã xuất khẩu gần 136.500 tấn gạo, tăng 21% so với cùng kì năm trước; trong đó 51.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc, chiếm tới 37,4% tổng xuất khẩu gạo của nước này.

Tiếp tục ngược dòng Mê Kông, Thái Lan tuy chưa có thông tin cập nhật về lượng gạo xuất khẩu, nhưng theo Reuters, giá gạo chuẩn 5% tấm của Thái Lan đạt 480 - 505 USD/tấn trong ngày 19/3, mức cao nhất kể từ tháng 8/2013. Đây cũng là tuần tăng thứ 6 liên tiếp của giá gạo xuất khẩu Thái Lan. 

Hay như một nước giáp biên giới với Trung Quốc là Myanmar, hồi cuối tháng 2, Chính phủ và Liên đoàn Gạo nước này cho biết, từ đầu tháng 10/2019 đến ngày 7/2/2020, nước này đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo, khoảng 30% trong số này bán sang Trung Quốc. Trong năm tài chính sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2020, Myanmar đặt mục tiêu xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo.

Trở lại với con số xuất khẩu gạo tăng 6 - 7 lần của Việt Nam, tuy ấn tượng nhưng xét về số tuyệt đối trên 66.000 tấn thì chưa phải nhiều, so với lượng gạo bình quân mỗi năm Việt Nam xuất sang Trung Quốc 2 - 3 triệu tấn. 

So với lượng gạo mà Philippines nhập khẩu từ Việt Nam 2 tháng đầu năm lên tới 357.000 tấn (dẫn đầu) thì số lượng xuất sang Trung Quốc cũng là không đáng kể. 

Tuy nhiên, nếu lượng gạo nhập khẩu của Philippines chỉ tăng có 13% thì Trung Quốc đến gần 600%. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang "gom" gạo hết sức mạnh mẽ.

Việc này trái với thói quen mua hàng của thương nhân Trung Quốc. Thường doanh nhân Trung Quốc không nhập khẩu gạo vào các tháng đầu năm mà thường bắt đầu vào tháng 4 - 5 khi nông dân ĐBSCL thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, sản lượng dồi dào, giá giảm. Tuy nhiên, năm nay họ tăng nhập bất chấp giá, về khách quan là do dịch bệnh hoành hành, nhưng không loại trừ khả năng họ đón đầu giá lương thực sẽ tiếp tục tăng, mua vào thời điểm này vẫn còn rẻ. 

Việc Trung Quốc tăng mua cùng với sự gia tăng của hầu khắp các thị trường đã đẩy giá gạo của Việt Nam xuất khẩu loại 5% lên mức 395 USD/tấn, tăng 47 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Gánh nặng nồi cơm 1,4 tỉ dân

Đầu tháng 3, Thanh Niên có đăng bài “Trung Quốc cũng thiệt hại vì hạn, mặn ở 'vựa lúa' Việt Nam”, các số liệu xuất khẩu gạo của Việt Nam và các nước trong lưu vực tiểu vùng sông Mê Kông một lần nữa củng cố thêm cơ sở của lập luận trên.

Nhiều người cho rằng việc thu gom nông sản ồ ạt của Trung Quốc chỉ là nhất thời, bởi tác động của đại dịch Covid-19. Điều này chỉ đúng một phần vì kho dự trữ của Trung Quốc luôn duy trì ở con số trên 117 triệu tấn, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Chính vì vậy, trong ngắn hạn, Trung Quốc không phải quá lo. 

Nhưng dịch bệnh thì chưa biết bao giờ qua và mấy năm gần đây Trung Quốc “thay kho” – xả cũ nhập mới. Việc này đã đẩy giá lương thực thế giới giảm mạnh, nông nghiệp và nông dân Việt Nam là một trong những nạn nhân. Tình cảnh đó buộc Trung Quốc thu gom lương thực, một mặt đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, mặt khác để bảo đảm số lượng dự trữ.

Việc thu gom gạo của Trung Quốc một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của các nước vùng hạ lưu sông Mê Kông đối với vấn đề an ninh lương thực của chính nước này. Có thể nói, các nước vùng hạ lưu Me Long giống như một kho dự trữ thứ 2 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Nói một cách khác là người dân lưu vực sông Lan Thương – Mê Kông uống chung dòng nước và ăn chung hạt gạo. Điều này là quy luật tự nhiên, và đôi bên cùng có lợi. 

Trung Quốc cần lương thực và người dân tiểu vùng Mê Kông cần thị trường.

Việt Nam cần thay đổi chiến lược xuất khẩu

Nếu nhìn ở góc độ Mê Kông là dòng sông chung của 6 nước, và cùng nhau chia sẻ lợi ích mà dòng sông này mang lại, Việt Nam cần xuất khẩu gạo vì năng lực sản xuất vượt nhu cầu tiêu thụ. Song việc tạm dừng một thời gian để cân đối sắp xếp lại là hợp lí.

Trước tình hình dịch bệnh và hạn hán khốc liệt ở ĐBSCL, Chính phủ cần cân đối nhu cầu và năng lực cung ứng lương thực trong nước, kế đến là ổn định thị trường trước khi tính đến lợi ích kinh tế mà hoạt động xuất khẩu gạo mang lại. Vì nếu không cân đối và ổn định thị trường nội địa trong bối cảnh hiện nay, rất có thể cơn sốt gạo năm 2008 có thể lặp lại.

Xuất khẩu gạo tiếp hay tạm dừng? - Ảnh 2.

Cần chuyển sang hướng giảm thâm canh, tăng chất lượng để đảm bảo sức sản xuất của đất. (Ảnh: Thanh Niên).

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định: “An ninh lương thực không chỉ cho 5 hay 10 năm mà cho nhiều thế hệ mãi mãi về sau. An ninh lương thực muốn cho vững bền, thì không đơn giản ở việc chúng ta đẩy cao sản lượng bằng việc thâm canh, dùng nhiều phân thuốc, xuất khẩu thật nhiều, năm sau cao hơn năm trước, hay tích trữ bao nhiêu trong kho mà nó nằm ngay trong sức khỏe của đất đai. 

Theo đó, cần phải dần dần chuyển sang hướng giảm thâm canh, tăng chất lượng, tăng giá trị, giảm phân thuốc, dưỡng sức đất đai, đảm bảo sức sản xuất lâu bền cho đất”.

Hiện, vựa lúa gạo ĐBSCL đang đối mặt hạn mặn khốc liệt vượt lịch sử, sụt lún, nước biển dâng… Vì thế, tư duy xuất khẩu gạo càng nhiều càng tốt cần phải từ bỏ. Thay vào đó, cần xem xét điều chỉnh giảm dần sản lượng xuất khẩu xuống 2 - 3 triệu tấn/năm thay vì 5- 7 triệu tấn hiện nay. 

Có 2 lí do. Thứ nhất, theo quy luật thị trường lượng giảm, giá tăng thì giá trị thu về vẫn đảm bảo. Thứ hai, về mặt tự nhiên, thời gian qua sản xuất của chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào phân bón, thuốc trừ sâu, sản lượng nhiều nhưng lợi nhuận không cao, đất đai cũng cần nghỉ ngơi để hồi phục sức sản xuất. 

Đợt hạn mặn này là một sự báo động của thiên nhiên buộc chúng ta cần nghiêm túc xem xét điều chỉnh.

Nhiều ý kiến cho rằng giá gạo đang thuận lợi, nếu không tranh thủ sẽ vuột mất cơ hội hoặc nếu chúng ta giảm lượng, các nước khác sẽ tăng lượng xuất. Điều này thực tế không đáng lo, vì tình trạng khô hạn không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông đều bị, nên vấn đề an ninh lương thực nước nào cũng đặt lên hàng đầu. Quan trọng nhất lúc này vẫn là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cho 100 triệu dân về lâu dài.

Việc tạm ngừng xuất khẩu có thể gây ra hệ lụy nhỏ trước mắt là ảnh hưởng tới giá lúa nội địa, nông dân thiệt thòi. Để giảm thiểu tác động này, cần triển khai sớm Nghị quyết số 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện mua lương thực nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020 với số lượng 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.