Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp về chất lượng, tiêu chuẩn kĩ thuật khi xuất khẩu trang sang châu Âu

Bộ Công Thương nhấn mạnh sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kĩ thuật nào, thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU.

Bộ Công Thương vừa khuyến cáo nhằm tránh thiệt hại về kinh tế cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam, hiện sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để kinh doanh trong mùa dịch Covid-19.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã liên hệ tìm đối tác để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, đồng thời nhờ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước thành viên EU liên hệ tìm đối tác.

Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang sang EU - Ảnh 1.

Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang sang EU. (Ảnh: Vinatex).

Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý rằng các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để có thể xuất khẩu mặt hàng này vào EU.

Chẳng hạn, cần dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU), hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra, trong trường hợp chưa có nhãn CE, để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia (tham khảo tại website Ủy ban Tiêu chuẩn hóa châu Âu CEN - European Committee for Standardization).

Bộ Công Thương nhấn mạnh việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kĩ thuật nào, thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU, cũng như gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.

Theo thống kê của Cục Công nghiệp, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ, năng lực sản xuất khẩu trang hiện lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức khoảng 200 triệu khẩu trang mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước, sản lượng sản xuất được sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong khi đó, hiện nhiều doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu khẩu trang đi các nước do nhu cầu mặt hàng này trên thế giới đang rất lớn do tác động của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường khẩu trang vải giữa mùa dịch Covid-19, nhưng để coi đó là sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn, thì cần thận trọng. 

Khẩu trang vải là mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao, là mặt hàng thiết yếu khi dịch bệnh bùng phát, song khi dịch qua đi, nhu cầu sẽ giảm xuống. Trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, nên việc sử dụng khẩu trang vải chưa thật phổ biến.

Bộ cũng lưu ý thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu để đáp ứng được các tiêu chuẩn này, cũng như xin giấy chứng nhận phù hợp mới thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.