Hiện tại, dự án Queer in School (xây dựng mạng lưới LGBT+ trong trường học) đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội và ghi nhận những phản ứng tích cực từ thành viên trong giới và cộng đồng. Ít ai biết rằng, ý tưởng từng được cho là “điên rồ” này lại được nung nấu bởi một chàng trai trẻ 9X, Nguyễn Bảo Châu (SN 1998, Đại học Sân khấu Điện ảnh). Bảo Châu cũng là một thành viên trẻ nhất trong NextGEN Hà Nội (nơi tụ hội những nhà lãnh đạo trẻ trong phong trào quyền LGBT) và gây ấn tượng bởi nhiều hoạt động tích cực đối với phong trào LGBT.
![]() |
Nguyễn Bảo Châu. (Ảnh: NVCC). |
Cùng trò chơi với Bảo Châu để lắng nghe những điều mà chàng trai trẻ ấp ủ trong dự án đầy nhân văn này,
Chào Châu, điều gì đã khiến bạn xây dựng triển khai dự án câu lạc bộ dành cho LGBT+ trong trường học?
Trước đây, mình đã thành lập một CLB điện ảnh trong trường THPT Việt Đức cùng 5 bạn khác. CLB có tới một nửa là thành viên LGBT nên cũng định hướng đây sẽ trở thành nơi "trú ngụ" của nhiều bạn đồng tính, song tính, chuyển giới hoặc có bản dạng giới nằm ngoài hai bản dạng "nam" và "nữ" (gọi tắt là Queer). CLB của mình lúc đó khá nổi tiếng.
Rồi đến một ngày, một thành viên đã hỏi mình rằng: "Sao anh không lập một câu lạc bộ "bê đê" cho trường mình nhỉ?" Câu hỏi ấy cứ ăn sâu vào trong suy nghĩ của mình. Và mình trăn trở rất nhiều. Tuy nhiên, suy nghĩ đó nung nấu mất khá nhiều năm, phải đến khi mình bước chân vào Đại học, đủ suy nghĩ, đủ trải nghiệm, mình mới phác thảo ra được dự án Queer in School (mạng lưới CLB dành cho Queer tại các trường).
Bản thân mình cũng nghĩ học đường là nơi học sinh, sinh viên gắn bó phần lớn thời gian của mình ở đó. Vậy nên cần có một môi trường học đường an toàn, bình đẳng và thân thiện dành cho những thành viên LGBT+.
![]() |
Châu hiện đang là sinh viên năm nhất trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh. (Ảnh: NVCC). |
Với dự án này, bạn muốn hướng đến nhóm đối tượng nào?
Tất nhiên là CLB LGBT+ sẽ dành cho những người là đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính. Ngoài ra CLB cũng sẽ thu hút các thành viên ủng hộ LGBT+.
Về đối tượng nhắm tới đó chính là học sinh cấp 3 là chủ yếu, sau là các trường Đại học, cao đẳng.
Tại sao Châu lại chọn trường học cấp 3 hoặc Đại học, Cao đẳng là nơi triển khai dự án?
Thực tế, đối với các bạn học cấp 3, đây là thời điểm trưởng thành (đa phần độ tuổi dậy thì), bắt đầu tìm hiểu khám phá bản thân mình. Đây cũng là khung thời điểm nhiều bạn nhận ra mình là ai, rồi hoang mang khi không biết kiến thức hay có ai chia sẻ. Trong khi đó ở các trường cấp 3, vấn đề về giáo dục kiến thức xu hướng tính dục cũng chưa hề được phổ cập nhiều.
Đối với các trường đại học, cao đẳng, nhiều bạn xuất phát từ tỉnh lẻ lên, còn cảm thấy cô đơn, lạc loài khi nhận ra "một mình mình khác biệt". Chính vì vậy, câu lạc bộ hướng tới nhóm đối tượng như vậy nhằm tạo dựng sân chơi kiến thức, sinh hoạt an toàn cho tất cả các bạn.
![]() |
Châu tham dự tập huấn ở nước ngoài. (Ảnh: NVCC). |
Khi thực hiện dự án này, Châu có đặt ra vấn đề về thành viên câu lạc bộ sẽ ít cũng như khó khăn khi nhận được sự chấp thuận từ phía nhà trường?
Về vấn đề đầu tiên, câu lạc bộ sẽ ít thành viên, mình không hề lo lắng. Theo thống kê có tới 5% dân số là thuộc LGBT+. Về lý thuyết, một trường có khoảng 1000 học sinh, sinh viên thì đã có tới 50 bạn là LGBT+. Thực ra, điều quan trọng nhất, đó không hẳn là số lượng, mà các bạn LGBT+ có thể tự tìm đến nhau, tự chia sẻ. Hôm nay, có 1 bạn thì sau một thời gian, chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn khác biết đến và tham gia.
Hơn nữa, khi mình lắng nghe trên các diễn đàn, nhiều bạn mới chuẩn bị bước vào môi trường mới đều hỏi: “Trường mình có kì thị đồng tính không? Hay trường mình có phân biệt đối xử với người chuyển giới không?” Sự ra đời của một CLB LGBT+ sẽ giúp đỡ các bạn có được câu trả lời, và nhận được sự đồng minh khi mới bước vào môi trường mới.
Còn về vấn đề việc xây dựng CLB có gặp khó khăn nào từ sự chấp thuận từ phía nhà trường thì quan điểm của mình là xây dựng CLB như các hội nhóm của những người cùng sở thích, cùng đặc điểm như CLB người yêu phim, CLB các bạn mê bóng… Thế nên, CLB của mình ở đây nghĩa là một ngày đẹp trời, các bạn tự tụ tập với nhau, ngồi kể chuyện, chia sẻ về những vấn đề mình đang gặp phải. Điều này không nhất thiết phải thông qua sự chấp thuận từ phía nhà trường.
Châu đánh giá thế nào về mức độ khả quan của dự án này?
Hiện tại dự án đang chọn được 5 trường trên địa bàn Hà Nội để thực hiện thí điểm các hoạt động và để các bạn tự lên ý tưởng. Ý tưởng nào hay bên mình sẽ tài trợ. Từ đó sẽ nhân ra các trường học trên địa bàn Hà Nội.
Mình tin dự án sẽ thành công. Vì nhu cầu giao lưu, tìm “đồng loại” trong cộng đồng LGBT+ rất lớn nhất là khi những bạn học sinh, sinh viên đang cần nơi chia sẻ, sinh hoạt.
Cám ơn Châu về cuộc trò chuyện này!
LGBT 07:23 | 14/06/2019
LGBT 17:33 | 11/06/2019
LGBT 07:42 | 11/06/2019
LGBT 18:23 | 10/06/2019
LGBT 18:00 | 06/06/2019
LGBT 16:01 | 05/06/2019
LGBT 14:31 | 05/06/2019
LGBT 16:28 | 04/06/2019