‘2 cô con gái của ông chủ vườn thuốc’: ước nguyện tự do của hai trái tim yêu

“The Chinese botanist’s daughters” (2 cô con gái của ông chủ vườn thuốc) là bộ phim hiếm hoi lấy chủ đề đồng tính nữ của đạo diễn kiêm biên kịch Đới Tư Kiệt với hầu hết bối cảnh được quay tại Việt Nam.

Trong khu vườn dược liệu nhiệt đới hoang sơ, có câu chuyện tình vượt ranh giới định kiến của hai cô gái Trần An (Lý Tiểu Nhiễm) và Lý Minh (nữ diễn viên người Pháp - Mylène Jampanoï) . Để thực hiện ước nguyện tự do của những trái tim yêu, liệu những cô gái có phải đánh đổi điều gì?

Tình yêu – dược liệu cho hai tâm hồn cô đơn

Không gian trải dài xuyên suốt bộ phim “The Chinese botanist’s daughters” gói gọn trong vùng “thâm sơn cùng cốc” với khu vườn hoang dã trồng vô số loại dược liệu quý của nhà dược học họ Trần vào những năm 80 của Trung Hoa thế kỷ trước. Đạo diễn người Pháp gốc Hoa lừng danh Đới Tư Kiệt đã chọn nhiều địa điểm của Việt Nam, chủ yếu là Tam Cốc Bích Động, Tràng An (Ninh Bình), SaPa (Lào Cai), chùa Cổ Am… để quay bộ phim đầy tâm huyết này. Tuy nhiên, bộ phim cũng gặp không ít trắc trở trong quá trình thuyết phục vốn từ nhà sản xuất và sự kiểm duyệt gay gắt từ chính đất nước Trung Quốc.

Những khung cảnh thuần thiên nhiên, chưa có sự can thiệp nhiều của bàn tay con người tu sửa, mang vẻ đẹp của nguyên sơ pha lẫn kỳ bí, huyền ảo có lẽ là lý do hấp dẫn nhất khiến Đới Tư Kiệt thực hiện quá trình tiền kỳ của phim tại Việt Nam.

Hình ảnh dược sĩ Trần tài ba trong nghề nhưng lại có tư tưởng khắt khe, lối sống bảo thủ, kỹ càng đến khó tính với bất kỳ ai, ngay cả với cô con gái An của mình có lẽ không xa lạ với những khán giả châu Á. Không cần đến nhiều cảnh quay mang tính bạo hành, không khí nặng nề, âm u trong gia đình nhỏ của vị dược sĩ Trần vẫn được khán giả cảm nhận rõ ràng.

2 co con gai cua ong chu vuon thuoc uoc nguyen tu do cua hai trai tim yeu

Đó là một chuỗi áp lực từ người cha, người thầy của thế hệ trước đè nặng lên cuộc sống của người con, người học trò của thế hệ sau. Hình ảnh nghiêm khắc, khuôn phép của dược sĩ Trần được đặc tả qua những lời mắng gay gắt mà ông dành cho con gái hay học viên về những lỗi họ mắc phải như sai giờ giấc, quên lấy nước mưa pha trà…

Đồng thời, những khoảnh khắc ông lặng im thật đáng sợ, đó là thứ mệnh lệnh không lời có sức đè nén vô cùng lớn mà bất kỳ ai cũng phải cúi đầu nghe theo. Cách ông giáo dục, áp đặt tư tưởng và cả sự lựa chọn hôn nhân của con mang đậm dấu ấn hà khắc đến tiêu cực. Không cần đến một gia đình nhà chồng quá quắt, một người cha độc tài đã đủ khiến An bị “cực hình”.

An mồ côi mẹ từ khi 10 tuổi. Cô sống trong một môi trường “ngột ngạt” với người cha luôn “lạnh lùng và kiêu ngạo” đã hơn 20 năm. Liệu rằng cô gái An với tâm hồn trong sáng có rơi vào cảm giác cô độc, nhàm chán vì không có người bầu bạn, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, suốt ngày chỉ lặp đi lặp lại chuỗi công việc chăm sóc, kiểm tra dược liệu, quét dọn nhà cửa và hầu hạ người cha khó tính?

Còn Lý Minh lại là một học viên từ nơi xa được cử về tư gia của dược sĩ Trần để học việc. Mà theo lời bà giáo (nghệ sĩ Như Quỳnh) dặn dò Lý Minh: “Đó là nơi tốt nhất để con học về dược liệu”. Lý Minh sinh ra trong gia đình Hoa kiều, có mẹ là người Nga nhưng không may mồ côi từ nhỏ sau một vụ động đất vào năm 1976. Màu mắt lai của Lý Minh lúc nào cũng đượm buồn và dường như chỉ trở nên tươi tắn hơn khi cô đắm đuối ngắm nhìn An.

Sống trong trại mồ côi từ nhỏ, thiếu thốn tình thương gia đình, Lý Minh chỉ biết lấy đam mê nghiên cứu dược liệu làm động lực sống qua ngày, cuộc sống của cô dần thay đổi khi bước chân vào vườn thuốc của dược sĩ Trần. Nhưng do sai phạm lấy nhầm độc dược, người thầy nghiêm khắc đã suýt nữa đuổi Lý Minh. Nếu như không có sự can ngăn, khuyên nhủ của An, có lẽ Minh đã lên chuyến tàu trở về trại mồ côi và khán giả không có cơ hội thưởng thức câu chuyện tình lãng mạn mà buồn đau của hai cô gái trẻ.

2 co con gai cua ong chu vuon thuoc uoc nguyen tu do cua hai trai tim yeu

Cùng nhau trò chuyện, hướng dẫn nhau trong việc tìm hiểu dược liệu, an ủi nhau mỗi khi người kia gặp chuyện buồn, nắm lấy bàn tay cùng đỡ nhau trèo lên ngọn núi cao để hái dược liệu. Trong không gian mờ ảo của núi rừng với hương dược liệu đê mê, tình yêu của Trần An và Lý Minh bắt đầu chớm nở và trở nên đắm say từ lúc nào không hay. Người đầu tiên Lý Minh lén nhìn khi bước vào khu vườn dược liệu của Giáo sư Trần, không ai khác chính là An.

Khác với thái độ không quan tâm của Giáo sư Trần khi đón nhận món quà của Lý Minh là chú chim trong lồng, An háo hức và vui mừng như chính cô mới là người được tặng quà. Lời giải thích ngẫu nhiên của An về hai cây dược liệu sót lại trên núi có khả năng chữa lành vết thương dường như báo hiệu cho tiến trình tình yêu của hai người thiếu nữ.

Những ánh mắt trao nhau tình tứ, những lần tắm chung, chút mơ tưởng tương lai khi cả hai đi qua một đám cưới của cư dân bản địa tổ chức trên thuyền… từ cấp độ kín đáo đã dần trở nên mạnh bạo hơn theo thời gian. Đó không đơn thuần là sự chuyển biến giữa các giai đoạn tình yêu từ rung động âm thầm chuyển sang chính thức gần gũi. Chính bước ngoặt mang màu sắc bi kịch đã khiến hai cô gái mãnh liệt hơn trong tình yêu của chính mình. Khi đã nhận ra chỉ có tình yêu mới là dược liệu duy nhất nâng đỡ cuộc sống của họ vượt qua mọi cô độc hay đơn điệu, họ đã tìm cách vượt qua nghịch cảnh để có được tình yêu vĩnh hằng.

Bước ngoặt khiến câu chuyện tình của Lý Minh và Trần An "khoác tấm áo" bi thương có lẽ nằm ở chi tiết người anh của An là Đăng về nghỉ phép sau thời gian dài vắng nhà nhập ngũ. Người cha khắc nghiệt ép Lý Minh gả cho con trai mình – theo tư tưởng lạc hậu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Hai cô gái phải làm gì để bảo vệ tình yêu của mình?

Bằng câu hỏi đầy ẩn ý mang tính đấu tranh về tư tưởng giữa hai thế hệ, An bấy lâu tưởng chừng chỉ biết cam chịu mọi mệnh lệnh của người cha đã dám lên tiếng hỏi cha về việc ông độc đoán can thiệp vào chuyện tình cảm lứa đôi: “Sao cha biết Lý Minh thích anh con? Và sao cha biết anh con muốn cưới vợ bây giờ"?

Thái độ giận hờn, bực tức và cáu gắt của An mỗi khi nhìn thấy cha gán ghép anh trai với Lý Minh; khi Đăng nhờ cô làm “quân sư mai mối” cho mình và Lý Minh qua bức thư tình mà với An là “khiếm nhã, không hay ho”… đều có ngôn ngữ riêng của chúng – đó là sự ghen tuông có căn cứ của một người tình dành cho một người tình.

Và Lý Minh đã xoa dịu nỗi ghen tuông đó bằng những cử chỉ và hành động dịu dàng, ấm áp. Cô tìm đến tận ngôi chùa mà Trần An giận dỗi bỏ nhà đi đến đó để ngủ qua đêm và nhận lại nụ cười tha thứ từ An. Cô nhẹ nhàng đưa ngón tay lên vùng mắt của An và khẽ hỏi: “Đêm qua em đã khóc phải không?”

Đỉnh điểm là cái hôn tay chủ động của Lý Minh dành cho An ở quán ăn đông người và lời thì thầm: “Sao em lại không tin chị? Ngoài em ra, chị không yêu một ai khác”. Lý Minh còn hiện thực hóa lời nói của mình thành hành động táo bạo khi trước ngày cưới giữa mình và Đăng, cô đã đề nghị An lấy đi trinh tiết của mình vì với cô chỉ có An mới xứng đáng có được thứ quý giá đó, bất chấp về sau cô đã phải trả giá khi bị Đăng đánh đập thậm tệ tra hỏi về nguyên do “đánh mất cái ngàn vàng”. Coi trọng trinh tiết của một người con gái là tư tưởng lâu đời của phương Đông nhưng đã được làm mới dưới lăng kính tình yêu giữa Lý Minh và Trần An qua bộ phim của Đới Tư Kiệt.

Lý Minh chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân để lấy Đăng vì một nguyên do duy nhất, đó là cách “ngụy trang” để cô có thể ở bên Trần An mãi mãi trong tư gia của nhà dược liệu họ Trần. Khi Đăng trở về quân ngũ, hai cô gái như được giải thoát. Họ quấn quýt nhau như hình với bóng. Cách Lý Minh cắt ngắn bộ tóc như cắt đi sự ràng buộc với bất kỳ luật lệ nào. Họ cứ yêu nhau nồng nàn, thắm thiết, họ vụng trộm, họ công khai và rồi họ bị bắt gặp, cái kết thương đau bất ngờ đến với hai trái tim yêu.

Khi xem “The Chinese botanist’s daughters”, nếu quan sát kỹ, khán giả sẽ nhận ra những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng của phim. Cảnh quay cánh cửa An mở để thấy Minh không còn mang nghĩa thực mà còn ẩn ý cho cánh cửa trái tim rộng lòng đón nhận tình yêu.

2 co con gai cua ong chu vuon thuoc uoc nguyen tu do cua hai trai tim yeu

Nếu mở đầu phim có hình ảnh chú chim tù túng trong lồng thì đến giữa phim lại có phân đoạn đẹp tuyệt mỹ về khung hình cũng như thông điệp đạo diễn gửi gắm. Những chú bồ câu trong chùa khi được thả lên bầu trời thường mang theo lời ước nguyện của người thả chúng. “Nếu ước hai người yêu nhau mãi mãi thì thả 64 chú bồ câu. Nếu ước hai người bên nhau mãi mãi không rời thì thả 108 chú bồ câu – cũng là cuốn sách cuối cùng trong kho kinh sách Phật” – lời giải mã của Thiền sư thôi thúc Lý Minh và Trần An đem tự do cho gần hết số bồ câu trong chùa.

Giữa cảnh non xanh nước biếc trập trùng, đàn bồ câu tung cánh bay cao lên bầu trời cao lồng lộng là hiện thân của ước nguyện khao khát tự do, vượt ra ngoài mọi rào cản cách ngăn của định kiến và là minh chứng đậm đà nhất cho tình yêu giữa Lý Minh và Trần An. Đó là lời thề nguyện thủy chung được Phật pháp chứng giám. Hình ảnh phóng sinh chim bồ câu còn lặp lại ở cuối phim như một ẩn dụ cho kết cấu đầu cuối tương ứng, biến cái kết bi thương trở nên nhân từ hơn, cuối cùng ước nguyện bên nhau mãi mãi của hai cô gái yêu thương nhau cũng trở thành sự thật, ở một thế giới bình yên hơn.

Lời tự sự chưa vẹn toàn

Lấy cảm hứng từ vụ án có thật tình cờ bắt gặp trên trang báo, đạo diễn Đới Tư Kiệt đã làm nên bộ phim “The Chinese botanist’s daughters” như một lời phân trần cho nỗi niềm của hai cô gái có tình yêu đẹp chốn dương gian nhưng chỉ có thể ở bên nhau ở suối vàng. Mốc thời gian những năm 80 của thế kỷ trước, không riêng gì Trung Hoa, nhiều quốc gia vẫn nặng nề về quan niệm đối với người đồng tính, họ nghĩ rằng đó là biểu hiện của “yêu tinh” đáng bị trừng phạt và khép tử hình.

Bằng lối kể chuyện theo ngôn ngữ điện ảnh với những hình ảnh chạm vào thị giác và xúc giác của người xem nhờ vào hai mỹ nhân chính là Lý Tiểu Nhiễm và Mylène Jampanoï cùng nhiều chi tiết ẩn dụ nhiều lớp nghĩa, Đới Tư Kiệt đã biến chất liệu của một vụ án tưởng chừng khô khan trở thành một tác phẩm điện ảnh rung động lòng người.

Nếu ai là khán giả trung thành của Đới Tư Kiệt qua các tác phẩm điện ảnh và văn học của ông, bạn dễ dàng cảm nhận rõ nét “vị" Đới Tư Kiệt trong từng khung hình và lời thoại. Ưu ái bối cảnh vùng núi non hiểm trở, mỗi bộ phim của Đới Tư Kiệt là một câu chuyện buồn khác nhau về những phận người đang từng ngày giằng xé nội tâm, mong muốn chống lại nghịch cảnh nhưng bối cảnh xã hội lại khốc liệt ngăn cản họ.

Nếu như “Balzac and a little Chinese seamstress” (Balzac và cô gái thợ may Trung Hoa) khắc họa cuộc sống của những thanh niên tư sản phải lên vùng rừng núi để cải tạo trong cuộc cách mạng văn hóa cùng những nuối tiếc về tình yêu, tuổi trẻ của một thế hệ cũ nhìn vào chính mình trong hiện tại thì “The Chinese botanist’s daughters” lại thức tỉnh cách nhìn của những con người đứng bên ngoài câu chuyện đối với những “tội phạm” hay chính là “nạn nhân” của mối tình trắc trở biến thành “tội lỗi” do sự hà khắc của định kiến xã hội gây nên.

Tác phẩm điện ảnh nào của Đới Tư Kiệt từ “Balzac and a little Chinese seamstress” (2002) đến “The Chinese botanist’s daughters” (2006) và gần đây nhất là “Night Peacock” (2016) cũng mang nặng nỗi ưu tư về tình yêu. Đó là những mối tình dang dở với cái kết buồn, những dư vị tình yêu sâu nặng thể hiện qua cách yêu thương thầm kín…

Là một người xa xứ sinh sống lâu ở đất nước Pháp nhưng dòng máu Á Đông vẫn chảy thường trực trong con người Đới Tư Kiệt, thể hiện qua những thước phim ông làm về con người phương Đông. Nghề thợ may tinh tế cùng bài ca dân tộc miền núi, nghệ thuật thổi sáo cùng nghề làm tơ lụa tỉ mỉ và lối sống khắc kỷ cùng những dược liệu quý chữa trị bệnh… là những hình ảnh mang hồn cốt Á Đông trong phim của Đới Tư Kiệt.

2 co con gai cua ong chu vuon thuoc uoc nguyen tu do cua hai trai tim yeu

Kể câu chuyện tình thành công chạm tới cảm xúc của người xem không đơn thuần nhờ vào kỹ nghệ đạo diễn mà còn nằm ở nét chân thực, gần gũi của những nhân vật bước từ thế giới thực vào thế giới điện ảnh – Đới Tư Kiệt đã hoàn thành xuất sắc công việc đó. Nếu “The Chinese botanist’s daughters” là tác phẩm điện ảnh mang chủ đề đồng tính thì cuốn tiểu thuyết “Mặc cảm của D” của chính ông lại có những nhân vật đồng tính được lồng ghép vào câu chuyện mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ văn hóa, mà như nhà phê bình Nguyễn Vĩnh Nguyên “Mặc cảm của D - nền nã và đầy những ngoa dụ, cuốn tiểu thuyết tạo hứng thú cho người đọc nào muốn suy tư, giải mã”.

Tuy nhiên, “The Chinese botanist’s daughters” chưa thực sự là bộ phim hoàn hảo để trở thành “phiên bản nữ” của “Brokeback Mountain” như lời của nhà sản xuất của phim khẳng định. Chuyển biến tình cảm của Lý Minh và Trần An diễn ra nhanh chóng, thiếu sức thuyết phục, dường như họ đến với nhau vì nhục dục nhiều hơn là sự sẻ chia. Mật độ đối thoại thể hiện sự quan tâm, chăm sóc ít hơn nhiều so với những “cảnh nóng” của hai nữ diễn viên gợi cảm.

Mang không khí trầm uất, u ám của định kiến xã hội đè nặng lên tình yêu của hai cô gái, nhưng những phân đoạn thể hiện hình ảnh xã hội thu nhỏ lại mờ nhạt và chưa đủ độ khốc liệt. Ánh mắt dò xét của những người đàn ông trong quán ăn khi An và Minh trò chuyện thân mật hay cảnh hai cô gái đứng ở vành móng ngựa chưa thể khiến khán giả nghĩ rằng những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc hà khắc với người đồng tính như thế nào.

Hình ảnh Giáo sư Trần – một người cha bảo thủ chiếm gần hết thời lượng ông xuất hiện, trong khi theo lời của cô gái nói với Lý Minh, ông có tiền sử bệnh tim và tuy bề ngoài “lạnh lùng, kiêu ngạo” nhưng lại là “người tử tế”. Khán giả chưa nhìn thấy những phân đoạn thể hiện Giáo sư Trần là “người tử tế” – khi một mệnh đề đã được đưa ra, đạo diễn nên khiến cho khán giả tin rằng điều đó tồn tại, thay vì để nó mất hút vào khoảng không quên lãng.

Tuy nhiên, “The Chinese botanist’s daughters” vẫn là một trong những bộ phim đáng xem về chủ đề đồng tính nữ lấy bối cảnh Trung Quốc thời kỳ trước. Còn đặc biệt hơn nữa khi bộ phim lại quay ở Việt Nam và có sự góp mặt của nghệ sĩ Việt như Như Quỳnh, Dương Tường…

2 co con gai cua ong chu vuon thuoc uoc nguyen tu do cua hai trai tim yeu Dũng 'Thiên lôi' và Linh Phụng trong 'Song Lang': Chuyện tình đam mĩ thập niên 80

“Song Lang” là bộ phim chiếu rạp đầu tay của đạo diễn tài ba Leon Quang Lê, đang được đánh giá là một trong những ...

2 co con gai cua ong chu vuon thuoc uoc nguyen tu do cua hai trai tim yeu 5 phim đồng tính về vấn đề 'come out' ra mắt 2018 mà bạn nên xem

"Come out" luôn là vấn đề khó khăn đối với người đồng tính vì có nhiều rào cản trong cuộc sống. Dưới đây là tên ...

2 co con gai cua ong chu vuon thuoc uoc nguyen tu do cua hai trai tim yeu 5 bộ phim đồng tính nữ tuyệt hay của điện ảnh Trung Quốc

Đề tài đồng tính nữ không còn là lạ đối với điện ảnh Trung Quốc khi các nhà làm phim đã khắc họa rất nhiều ...

2 co con gai cua ong chu vuon thuoc uoc nguyen tu do cua hai trai tim yeu Người tình đồng giới không nguôi thương nhớ Trương Quốc Vinh

Đường Hạc Đức đăng ảnh bày tỏ nỗi nhớ nhung nam diễn viên quá cố trong ngày sinh nhật anh, 12/9.

2 co con gai cua ong chu vuon thuoc uoc nguyen tu do cua hai trai tim yeu Kim Khánh và câu chuyện đồng tính sau màn ảnh

Kim Khánh, từ HLV Aerobic đến Á khôi Thể thao, người mẫu và đặc biệt nổi danh sau nhiều vai diễn trong các bộ phim ...

2 co con gai cua ong chu vuon thuoc uoc nguyen tu do cua hai trai tim yeu 5 phim đam mĩ học đường Thái Lan hay nhất bạn không nên bỏ qua

Phim đam mĩ về đề tài học đường đang mang về doanh thu cao tại Thái Lan bởi nó thể hiện được những góc nhìn ...

chọn
ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh số 2024 dự kiến 90.000 - 110.000 tỷ, dự án Đông Anh và Đan Phượng đang làm thủ tục pháp lý
Năm 2024, dự kiến doanh số Vinhomes sẽ tăng trưởng so với 2023, đạt khoảng 90.000 - 110.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vinhomes Ocean Park 2, 3, dự án mới Vũ Yên và 1 - 2 dự án mới khác.