Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam hiện là bác sĩ - giảng viên trường Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ được các “mẹ bỉm sữa” ưu ái gọi với cái tên “bác sĩ sữa mẹ”. Biệt danh trìu mến này xuất phát từ công việc chính của bác sĩ, đó là chữa trị, động viên tinh thần mẹ sữa, bảo vệ dòng sữa quý báu cho các bé. “Bác sĩ sữa mẹ” mong muốn các mẹ sẽ tìm lại được niềm tin vào bản thân, vào con để kéo dài hành trình nuôi con bằng sữa mẹ đáng tự hào này.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam (ngoài cùng bên trái) được coi là "vị cứu tinh" của các "mẹ sữa". |
- Chào bác sĩ, từ đâu, cơ duyên nào mang bác sĩ đến với công việc hiện tại – hỗ trợ, tư vấn kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ và chữa các bệnh liên quan đến sữa mẹ cho các mẹ đang có con nhỏ?
Mình tốt nghiệp Khoa bác sĩ đa khoa - Đại học Y Hà Nội. Là bác sĩ nội trú chuyên ngành phục hồi chức năng, sau đó trở thành giảng viên bộ môn phục hồi chức năng trường Đại học Y Hà Nội.
Cũng giống như duyên bác sĩ, nghề chọn người, mình trở thành bác sĩ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ dòng sữa mẹ cho mẹ sữa và bé sữa sau khi mình làm mẹ. Khi sinh bé đầu, mặc dù trước đó có tham khảo nhiều tài liệu, chủ động học tập về nuôi dạy con nhưng vẫn vấp phải hầu hết mọi khó khăn giống như các bà mẹ khác. Mà tới giờ tất cả những khó khăn đó là do thiếu hụt kiến thức đúng, không được hỗ trợ hợp lý và những chỉ dẫn sai lầm. Ví dụ như sữa sau sinh mổ chưa về, cần cho con ăn sữa bột trước không con sẽ tụt đường huyết, sau đó sữa có thì căng cứng đau nhức, con rất khó khăn bú, từ chối vú, núm vú chảy máu đau rát và tắc sữa, nỗi ám ảnh con thiếu sữa khi bé bú xong không ngủ, ngủ rất ngắn và quấy khóc cả đêm.
Mình đã tham vấn rất nhiều chuyên gia, nhiều thầy cô có uy tín lâu năm trong vấn đề sản khoa và nhi khoa để tìm sự giúp đỡ nhưng đều không giải quyết được. Rất may với năng lực tự tìm hiểu tự đào tạo từ trước, sau rất nhiều công tìm kiếm từ nguồn tài liệu nước ngoài và từ lý luận y học cơ sở, mình đã có thể tự giải quyết được những khúc mắc của bản thân và từ đó bắt đầu giúp các mẹ sữa khác.
Bác sĩ đang Hoài Nam đang hướng dẫn một mẹ tư thế cho bé bú đúng cách và khớp ngậm đúng. |
- Bác sĩ đã làm công việc này được bao lâu? Xin bác sĩ chia sẻ thêm về công việc cụ thể của bác sĩ?
Mình luôn nói với bé lớn của mình là chính nhờ có con và những điều sai lầm khi chăm sóc con mẹ mới có thể giúp đỡ được những người khác.
Mình đã làm việc này được 6 năm. May mắn là trong 3 năm thực hành tại phòng vật lý trị liệu Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, mình có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều ca bệnh từ rất nhẹ đến rất nặng, được đối chiếu lâm sàng với cận lâm sàng và theo bệnh nhân từ đầu tới lúc kết thúc điều trị. Từ đó mình tích lũy được nhiều lý luận và kinh nghiệm cho bản thân.
Hiện tại mình có tổ chức những khóa học tiền sản miễn phí dành cho các bố mẹ chuẩn bị mang thai, đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ, khám và điều trị các vấn đề gặp phải của mẹ trong thực hành nuôi con bú như con bú không đúng khớp, tổn thương núm ti, quầng thâm và viêm tắc sữa, khám phát hiện dị tật vận động, theo dõi phát triển tinh thần vận động và hướng dẫn các bà mẹ chăm sóc bé khi con ốm, các dấu hiệu cần đưa đi khám cấp cứu…
"Luôn mong mỏi các mẹ tìm tòi, học tập và cập nhập thông tin về sữa mẹ". |
- Trong suốt thời gian tiếp xúc và khám chữa bệnh cho các mẹ, trường hợp nào khiến bác sĩ nhớ và ấn tượng nhất?
Kỷ niệm vui thì rất nhiều, các ba mẹ báo cho mình khi bé sữa chào đời sinh thường hay sinh mổ vẫn được kẹp rốn chậm, da tiếp da, bú mẹ hoàn toàn, giúp được các mẹ nuôi bú song song, giúp cho các mẹ mắc sai lầm tìm về được sữa mẹ cho con. Giúp các mẹ chăm sóc các bé viêm mũi họng, viêm tai giữa viêm tiểu phế quản, khỏi bệnh hoàn toàn không bị lạm dụng thuốc kháng sinh giảm ho, phát hiện rất nhiều dị tật ở giai đoạn rất sớm và thay đổi chất lượng cuộc đời bé chỉ trong thời gian can thiệp rất ngắn, giúp được nhiều bé lồng ruột được tháo lồng sớm…
Trường hợp ấn tượng nhất là trường hợp của một “bố sữa”. “Mẹ sữa” sinh mổ nên phải cách ly con sau sinh, ông bố đó đã xin bằng được con ra với bố, da tiếp da, mút tay bố trong 5 tiếng chờ mẹ về. Thành quả là em bé đó được tự tìm vú mẹ và bú mẹ trực tiếp sau 1,5 giờ tiếp da trên bụng mẹ. Hiện tại em bé đó giờ đã được một tháng rưỡi và vẫn được tiếp da thường xuyên. Mình thật sự nghĩ là bố mẹ bé nghiện tiếp da với con rồi.
Một trong những "bố sữa" từng tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ Nguyễn Hoài Nam. Trong ảnh, ông bố này đang cho con bú bằng ngón tay. |
- Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam khá thấp, trường hợp bú mẹ hoàn toàn không nhiều. Bác sĩ nghĩ sao về điều này, nguyên nhân do đâu và liệu có thể thay đổi trong tương lai gần được không?
Trước khi tiếp cận tới nguồn thông tin khoa học về sữa mẹ trên thế giới, mình cũng nghĩ chuyện đó rất bình thường. Nhưng khi càng hiểu sâu về sữa mẹ thì mình thực sự lo lắng. Sữa mẹ là giải pháp cho vấn để toàn cầu, sữa mẹ cho sự sống và phát triển bền vững. Vì thế mình luôn tự nhủ lòng, còn sức còn làm, còn có thể giúp được mẹ sữa và bé sữa thì còn cố gắng. Có nhiều nguyên nhân cho tỉ lệ này, mình xin được kể tới một vài nguyên nhân chủ chốt:
- Sự thiếu hụt kiến thức đúng về sữa mẹ của cả nhân viên y tế và gia đình
- Người mẹ không có khả năng tự quyết, tự bảo vệ chính kiến của bản thân do sức cản văn hóa Việt
- Người mẹ không được hỗ trợ đúng đắn và kịp thời từ nhân viên y tế, từ người thân
- Người mẹ và gia đình nhận được các hỗ trợ lời khuyên không đúng, không thích hợp từ nhân viên y tế
- Sự quảng cáo thường xuyên, liên tục trực tiếp tinh vi từ các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung
"Tin vào bản năng làm mẹ, sẽ có thể nuôi con sữa mẹ thành công". |
- Mẹ sữa ở Việt Nam luôn chịu thiệt thòi và không được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh. Nhiều sữa thì người ta nói là sữa không chất, sữa hôi, không thơm, cho bú thêm sữa ngoài cho con thông minh cao lớn. Ít sữa thì càng bị “ép” phải cho con bú thêm sữa ngoài. Với tư cách là một bác sĩ sữa mẹ, bác sĩ có lời khuyên gì cho các mẹ sữa nói chung, để có thể cho con bú càng lâu càng tốt?
Với tư cách là bác sĩ, mình luôn mong mỏi các mẹ tìm tòi, học tập và cập nhập thông tin về sữa mẹ. Trước khi đưa ra bất cứ quyết định cá nhân cần có đầy đủ thông tin và tìm những người bạn cùng quan điểm ủng hộ, hỗ trợ mình trong công cuộc nuôi con sữa mẹ. Mẹ nào cũng thương yêu con nhưng muốn thương yêu con phải hiểu biết. Mỗi phụ nữ trước khi mang thai nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, thời gian, sức khỏe, để trong trường hợp xấu nhất bị ép buộc làm theo những điều không đúng có thể đủ năng lực đứng lên tự quyết đời mình.
- Ngoài biệt danh “bác sĩ sữa mẹ”, bác sĩ còn được các mẹ ưu ái gọi là vị cứu tinh của mẹ sữa vì chuyên trị tắc sữa. Xin bác sĩ chia sẻ thêm về nguyên tắc trị tắc sữa dựa trên nguyên tắc giữ sữa cho con, cho mẹ?
Để không viêm tắc sữa, mẹ sữa cần hiểu biết về cơ chế tiết sữa của mẹ các giai đoạn khác nhau, cần tôn trọng bé và để bé tự tìm bắt bú. Không cho bé bú bình và núm ti giả trước 6 tuần. Khi đã sai sót trong khi bú làm tổn thương đau rát núm vú cần ngừng lại, tìm hiểu và sửa sai khớp ngậm, không làm dụng máy hút sữa và dùng máy hút sữa đúng. Khi đã tắc sữa không làm vú tổn thương thêm bằng cách chườm nóng và nặn day vú. Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa.
- Nếu để tóm gọn lại các nguyên tắc để cữ bú đầu đời của con thuận lợi, bác sĩ sẽ cho lời khuyên gì?
Mình không dám khuyên gì khác ngoài thực hành sữa mẹ của Bộ Y tế ban hành: chậm kẹp rốn, da tiếp da ngay sau sinh, để bé tự tìm bú và cho bú theo nhu cầu của em bé. Tất nhiên kiến thức đúng và có hỗ trợ đúng sẽ giúp các mẹ vượt qua khó khăn nhẹ nhàng hơn.
Đô thị 17:38 | 11/03/2020
Lối sống 13:10 | 18/05/2019
Lối sống 10:50 | 25/04/2019
Lối sống 11:00 | 18/07/2018
Lối sống 07:03 | 25/06/2018
Lối sống 09:05 | 28/02/2018
Lối sống 03:20 | 27/02/2018
Lối sống 07:53 | 23/02/2018