Bầu Thắng viết tâm thư gửi 10 kiến nghị gỡ khó cho nền kinh tế, kêu gọi không sợ hãi nếu chính sách hỗ trợ đưa đúng từng nhóm người cần

Trước diễn biến xấu do đại dịch Covid-19, ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, đã viết tâm thư tỏ bày quan điểm của mình và kiến nghị 10 giải pháp gỡ khó cho kinh tế. Bầu Thắng nói rằng: Chuyện phá sản chưa bao giờ gần như thế nhưng không phải vì vậy mà chúng ta sợ hãi.

Bầu Thắng: Chuyện phá sản chưa bao giờ gần như thế...

Mở đầu, vị này dẫn chứng, tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 27/3, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thừa nhận: "Rõ ràng chúng ta đã bước vào thời kì suy thoái, mà sẽ còn tồi tệ hơn năm 2009".

"Trận chiến toàn cầu chống dịch này cho thấy tầm sát thương của nó không phân biệt siêu cường hay nước nhỏ. Mỹ, châu Âu hay Việt Nam đều phải oằn mình gánh chịu như nhau. Và rõ ràng, đối tượng dễ tổn thương nhất là quốc gia có nguồn lực dự trữ yếu hơn", bầu Thắng nhận định.

Theo ông, những ngày qua, chúng ta đã phải chứng kiến những hệ quả nặng nề mà đại dịch đã giáng xuống cho mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là người lao động thời vụ và các hộ buôn bán nhỏ. Đây là những người có thu nhập bấp bênh, nghỉ một ngày xem như tay trắng.

"Có nhìn thấy từng ánh mắt thất thần, nghe từng tiếng thở dài nẫu ruột của họ mới thấu hiểu được thế nào là 'khủng hoảng'", Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group chia sẻ.

Giảm 50% giá điện, 50% lãi suất ngân hàng và 10 kiến nghị của Bầu Thắng để đối phó Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group. (Ảnh: Xây Dựng Số).

Không chỉ người lao động, chủ doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cũng lâm vào khủng hoảng quy mô hơn. Chi phí doanh nghiệp vẫn phải trả, trong khi nhà xưởng không hoạt động, doanh thu không có, lãi ngân hàng vẫn phải nộp đều... Ông Thắng cho rằng: "Chuyện phá sản là một tương lai chưa bao giờ gần như thế!".

Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta sợ hãi

Tuy nhiên, bầu Thắng vẫn khẳng định: "Không phải vì vậy mà chúng ta sợ hãi". Theo đó, nếu có một gói giải pháp toàn diện và phù hợp cho từng thời điểm quan trọng, "đưa tay" đến được từng nhóm đối tượng cụ thể cần hỗ trợ, Việt Nam vẫn có thể bình yên chiến thắng trong cuộc chiến với Ccovid-19.

Doanh nhân này cho rằng, Chính phủ đã có những chính sách nhạy bén và rất ý nghĩa. Trên cơ sở đó, thị trường cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn nữa, để có thể đương đầu một cách lâu dài, hạn chế tối đa những tổn thương có thể xảy ra do suy thoái kinh tế, người dân mất kế sinh nhai. 

Bầu Thắng đưa 10 giải pháp mà "Chính phủ có thể triển khai ngay". Cụ thể:

1. Đối với chi phí sinh hoạt cơ bản của người dân, lựa chọn áp dụng 1 trong 2 hình thức hỗ trợ khẩn cấp:

- Giảm giá điện 50%, cho nợ 50% còn lại, áp dụng vào 3 tháng được cho là đỉnh điểm khó khăn của mùa dịch là tháng 4, 5 và 6/2020. Khoản nợ 50% tiền điện này sẽ được chia đều thanh toán vào năm 2021.

- Hỗ trợ cho mỗi công dân Việt Nam 1.000.000 - 1.500.000 đồng/người, chia ra nhận làm 3 lần trong tháng 4, 5, 6 nhằm hỗ trợ trang trải cho sinh hoạt phí tối thiểu.

2. Để giảm gánh nặng tài chính cho mỗi cá nhân và gia đình, giãn nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2019 và 2020, thu lại khoản nộp này vào năm 2021 và 2022 (không tính lãi).

3. Hỗ trợ giảm 50% lãi suất ngân hàng cho các khoản vay đến kì trả lãi tháng 4, 5, 6/2020 (50% này sẽ được Nhà nước hỗ trợ 25%, ngân hàng giảm 25%) nhằm kích thích nền kinh tế sau đỉnh dịch.

4. Giãn nộp thuế VAT 12 tháng của quý I và quý II/2020 và sẽ thu lại trong năm 2021, không tính chậm nộp (loại trừ những ngành nghề không bị ảnh hưởng).

5. Tạm dừng thu các khoản vay của học sinh, sinh viên cho đến 30/9, và không tính lãi quá hạn cho các khoản vay đó.

6. Hỗ trợ doanh nghiệp 50% lãi vay trong 3 tháng 4, 5 và 6/2020 khi doanh nghiệp vay với mục đích trả lương cho người lao động - khống chế mức lãi vay không quá 7%/năm.

7. Sớm thực hiện việc hoàn thuế cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

8. Quốc hội xem xét sớm điều chỉnh luật theo hướng giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp cho những ngành đang phải chịu tác động mạnh nhất, là dịch vụ và du lịch.

9. Đẩy nhanh hơn nữa quy trình xử lí các thủ tục hành chính có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.

10. Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ về dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, đây là chính sách kịp thời. Tuy nhiên, đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ cần xem xét các ngành nghề khác mà doanh nghiệp cũng chịu tác động gián tiếp, trực tiếp từ đại dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động...

Ông Thắng nói: "Có thể nhiều người sẽ cho rằng những khoản hỗ trợ, những biện pháp chống đỡ nói trên là quá nhỏ, nếu so sánh với nước ngoài. Nhưng chúng ta phải đặt chương trình hành động này trong bối cảnh Việt Nam không phải là siêu cường, nguồn lực dự trữ của quốc gia không đủ lớn".

"Đây chỉ là 'một miếng khi đói' mà thôi, ít ra chúng ta sẽ không để cho một người dân nào phải 'đói' vào lúc này! Đó là điều tiên quyết", bầu Thắng nhấn mạnh.

Thành lập quỹ hỗ trợ cùng chung lưng đấu cật 

Để cùng với Đảng và Nhà nước gánh vác khoản ngân sách giải cứu rất lớn theo 10 kiến nghị trên, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cho rằng nên thành lập 1 quỹ đồng hành, với tên gọi "Quỹ Gia đình Việt Nam". Quỹ này kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế trong xã hội cùng đóng góp tài chính dựa trên khả năng của từng cá nhân, tổ chức.

"Với tinh thần tương thân tương ái vốn là nét văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, tôi tin quỹ này, như tên gọi của nó, là một gia đình lớn chung lưng đấu cật, là nơi thể hiện được tình cảm của từng thành viên trong gia đình Việt Nam, góp sức mình vào việc giải quyết khó khăn chung của đất nước", ông nói thêm.

Ngoài ra, ông Thắng còn cho rằng, Chính phủ có thể huy động thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế. Việc hoàn trả sẽ thu từ nguồn giãn thuế của năm 2019 và 2020, đảm bảo sự bình ổn trong vận hành chung của nền kinh tế.

chọn
Bất động sản tuần qua (28/4 - 4/5): Ba luật lớn kỳ vọng hiệu lực sớm, TP HCM dừng dự án BT của Phát Đạt
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7; điểm mới về thành lập cụm công nghiệp từ 1/5; loạt doanh nghiệp tiến vào Thái Nguyên... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.