Bê bối kì lạ phía sau lô khẩu trang Trung Quốc 'gây thất vọng' ở Phần Lan

Đứng trước nguy cơ dịch bệnh, Phần Lan còn bị cuốn vào vấn đề kì lạ khác - một cuộc tranh cãi ai đúng, ai sai về lô hàng 2 triệu khẩu trang không đạt chuẩn từ Trung Quốc.

Hôm 8/4, các quan chức đã phát hiện ra lô hàng đầu tiên gồm 2 triệu khẩu trang y tế và 230.000 mặt nạ phòng độc từ Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo vệ chống lại virus corona trong môi trường y tế, không phù hợp để sử dụng trong bệnh viện.

“Tất nhiên đây là một chút thất vọng đối với chúng tôi”, Kirsi Varhila, thư kí thường trực Bộ Y tế Phần Lan nói trong một cuộc họp báo hôm 8/4.

Chỉ vài giờ sau, Tiina Jylhä, một cái tên nổi tiếng trên báo lá cải, ngôi sao truyền hình thực tế, và là chủ thẩm mĩ viện ở Estonia, tuyên bố với tạp chí Suomen Kuvalehti rằng công ty của bà đã bị lừa tiền.

Bà nói đã kí hợp đồng 5 triệu euro (5,4 triệu USD) với chính phủ Phần Lan để mua khẩu trang từ Trung Quốc, nhưng vào phút chót, tiền lại được chuyển vào tài khoản ở Bỉ của doanh nhân người Phần Lan Onni Sarmaste.

Nhưng ông Sarmaste lại kể với tờ Helsingin Sanomat phiên bản khác của sự việc: chính công ty ông đã kí hợp đồng với chính phủ Phần Lan, và ông chỉ liên hệ với bà Jylhä đề nghị cung cấp khẩu trang. Nhưng vì công ty bà Jylhä nói không có hàng, nên ông đặt hàng từ nơi khác.

Ông Sarmaste còn cáo buộc bà Jylhä cùng chồng Tape Valkonen đã đe dọa ông, và thuê băng đảng môtô Hells Angels khét tiếng đi đòi 5 triệu euro. Ông nói ai đó đã cố đột nhập vào căn hộ của ông giữa đêm, và cửa sổ của ông bị ném đá.

Bà Jylhä phủ nhận các cáo buộc, còn cảnh sát thủ đô Helsinki xác nhận rằng họ đang điều tra.

Sang ngày 9/4, Tomi Lounema, người đứng đầu Cơ quan Cung ứng Khẩn cấp Quốc gia (NESA), thừa nhận đã quá vội vàng khi phải gấp rút tìm mua khẩu trang.

Bê bối kì lạ phía sau lô khẩu trang Trung Quốc 'gây thất vọng' ở Phần Lan - Ảnh 1.

Một nhân viên đang kiểm tra khẩu trang. (Ảnh: Getty Images).

Trong một cuộc họp báo trực tuyến, ông nói NESA đã mua khẩu trang từ cả ông Sarmaste và bà Jylhä. Cả hai hợp đồng đều trị giá 5 triệu euro.

Cần nhiều tuần nữa để Phần Lan bắt đầu sản xuất khẩu trang, vì vậy để nhanh chóng nhập khẩu trang, NESA đã ưu tiên tốc độ giao hàng và giá cả, thay vì chọn nhà cung cấp đáng tin cậy nhất.

“Chúng tôi không tuân theo các thủ tục kiểm tra cần thiết mà mọi người kì vọng ở chúng tôi... Chúng tôi đã có những thỏa thuận mà trong tình thế bình thường sẽ không có”, ông Lounema nói.

Ông cho biết lô hàng của Sarmaste là lô hàng chứa khẩu trang không đạt chuẩn, còn lô khẩu trang của bà Jylhä thì vẫn chưa tới.

Ông Sarmaste lại khẳng định hai triệu khẩu trang đạt chuẩn bệnh viện, nhưng là bệnh viện Trung Quốc, không phải bệnh viện Phần Lan. Không rõ chính phủ có được ông Sarmaste hoàn tiền hay không, nhưng kết quả điều tra sắp được công bố.

Tờ Ärileht đưa tin ngân hàng Luminor của Estonia đã đóng băng tài khoản của bà Jylhä, vì thấy khoản tiền chuyển trị giá 5 triệu euro đáng nghi.

Các nước châu Âu đang gặp vấn đề tương tự khi đặt mua thiết bị y tế từ Trung Quốc, do thị trường khẩu trang Trung Quốc “cực kì hỗn loạn”, ông Lounema nói với báo giới trước đó.

“Giá cả tăng lên theo thời gian, người mua hàng phải thực hiện giao dịch nhanh chóng và trả tiền trước, kéo theo rủi ro thương mại rất cao”, ông nói. Trong những tuần gần đây, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia đã trả lại khẩu trang xuất xứ từ Trung Quốc.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.