Cơ quan Quản lí Chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng lại với đề xuất của chính quyền Mỹ, nếu có hiệu lực có thể sẽ buộc các công ty đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ.
Phía Trung Quốc tuyên bố rằng động thái như vậy sẽ làm "suy yếu niềm tin" vào thị trường Mỹ.
Thượng viện Mỹ tuần trước đã nhất trí thông qua dự luật buộc các công ty hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu không tuân thủ các qui định kiểm toán của Mỹ, điều mà nhiều công ty Trung Quốc không muốn hoặc không thể tuân theo.
Vào Chủ nhật, Cơ quan Quản lí Chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng thông qua tuyên bố một cách hệ trọng, rằng đề xuất này là "đang nhắm trực tiếp vào Trung Quốc, cũng như đang chính trị hóa các qui định về chứng khoán".
"Dự luật sẽ làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu vào thị trường vốn của Mỹ và vị thế toàn cầu của họ", Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) tuyên bố.
"Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư toàn cầu sẽ đưa ra những lựa chọn sáng suốt của riêng mình, theo những gì mang lại lợi ích cho họ nhiều nhất", đại diện CSRC nói thêm.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý tạm dừng các biện pháp làm leo thang thuế quan thương mại, căng thẳng giữa hai cường quốc vẫn đang gia tăng trên các mặt trận khác, trong đó có việc Trung Quốc đã đưa ra động thái áp đặt luật an ninh quốc gia mới cho khu vực tự trị Hong Kong.
Mỹ gần đây cũng đã siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Huawei, khiến công ty viễn thông Trung Quốc này phải cảnh báo rằng "sự sống còn của công ty đang bị đe dọa".
Tổng thống Donald Trump vào đầu tháng này cũng đã ra lệnh cho quĩ hưu trí chính phủ liên bang không đầu tư vào các chứng khoán Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi thì tuyên bố các lực lượng chính trị ở Mỹ đang cố gắng đẩy cả hai nước vào "một cuộc chiến tranh lạnh mới".
Tranh chấp về qui định chứng khoán Mỹ-Trung khởi nguồn từ sự sụp đổ của Luckin Coffee, một chuỗi cà phê niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), thừa nhận đã bịa đặt hơn 310 triệu USD doanh thu. Vụ bê bối này khiến giá cổ phiếu của một số công ty Trung Quốc khác niêm yết trên NYSE giảm mạnh gần đây.
Doanh nghiệp Trung Quốc tính đường lui, hướng đến Hong Kong
Nhận ra những rủi ro chính trị đang gia tăng khi giao dịch tại sàn chứng khoán Mỹ, các ngân hàng có liên quan đến doanh nghiệp được cho là sẽ bị ảnh hưởng bởi Dự luật mới, đã vạch ra các kịch bản tham vấn để các doanh nghiệp ứng phó.
Ba lựa chọn phổ biến nhất là tiếp tục xem sàn NYSE là thị trường chính và niêm yết song song trên sàn Hong Kong, hoặc rời khỏi sàn NYSE và chú trọng vào sàn Hong Kong. Cuối cùng là tích cực tiếp cận các nhà đầu tư trong nước trước khi niêm yết trên sàn Hong Kong.
Cốt lõi các kịch bản dự phòng này là sự dịch chuyển của các doanh nghiệp sang các sàn chứng khoán tại châu Á, điển hình nhất là sàn chứng khoán Hong Kong.
"Google của Trung Quốc" – Baidu với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 35 tỉ USD, cho biết đang xem xét lại việc niêm yết trên sàn Nasdaq của mình.
CEO Baidu cho biết công ty đang cân nhắc việc tập trung toàn lực vào sàn chứng khoán ở Hong Kong.
Là doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin ra mắt thị trường chứng khoán Hong Kong, công ty phát triển trò chơi NetEase mở lối cho làn sóng dịch chuyển "sàn" từ Mỹ về châu Á.
Dự kiến đợt chào sàn Hong Kong tiên phong của NetEase, đã được niêm yết trên sàn Nasdaq từ năm 2000, sẽ diễn ra sớm nhất vào tháng 6, thu về khoảng 2 tỉ USD.
NetEase là công ty phát triển game lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ đứng sau Tencent Holdings, có vốn hóa thị trường hơn 50 tỉ USD.
Ngoài ra, một số cái tên lớn như nền tảng thương mại điện tử Alibaba hay JD.com cũng đã niêm yết trên cả hai sàn Nasdaq và Hong Kong để san sẻ rủi ro căng thẳng thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Chúng tôi rất chú tâm đến động thái Washington liên tục thắt chặt các qui định niêm yết cổ phiếu tại Mỹ của các công ty Trung Quốc, chúng tôi đang thảo luận trong nội bộ về những cách chúng tôi có thể thực hiện", Chủ tịch kiêm CEO của NetEase, Robin Li cho biết.
CEO Robin Lin nhận định, các công ty Trung Quốc có niêm yết tại các sàn giao dịch ở Mỹ thường bị định giá thấp hơn so với các công ty cùng ngành tại đây.
Điều này phần lớn là do các nhà đầu tư lo ngại về tính minh bạch và các tiêu chuẩn kế toán của các doanh nghiệp Trung Quốc, do khó khăn trong việc thực hiện thẩm định.
Dự luật chưa được Hạ viện thông qua của Mỹ, yêu cầu các công ty hủy bỏ niêm yết trên sàn nếu ckhông tuân thủ các qui định kiểm toán của Ủy ban Giám sát Công ty Đại chúng Mỹ (PCAOB) trong vòng 3 năm liên tiếp. Đồng thời, các công ty nước ngoài cũng được yêu cầu tiết lộ thông tin cho dù thuộc sở hữu hay kiểm soát của chính phủ.
Dự luật này nếu được thông qua có thể sẽ hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết, huy động vốn trên các sàn giao dịch Mỹ nếu không tuân thủ những qui định, tiêu chuẩn về về quản lí do chính phủ Mỹ đặt ra.