Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% VAT, phí trước bạ ôtô

Bộ Tài chính lí giải đây là thuế gián thu, người tiêu dùng là đối tượng phải nộp thuế. Còn với doanh nghiệp, VAT đầu vào được khấu trừ với thuế giá trị gia tăng đầu ra khi xác định số thuế phải nộp, không ảnh hưởng đến chi phí.

Trong tờ trình dự thảo Nghị quyết các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong Covid-19, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, vừa đưa ra lấy ý kiến, có giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, giảm phí trước bạ ô tô để hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp. Theo đó, mức đề xuất là giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 10% hiện tại xuống 5% cho các nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ. 

Đề xuất này Bộ Tài chính không đồng ý.

Bộ Tài chính lí giải đây là thuế gián thu, người tiêu dùng là đối tượng phải nộp thuế. Còn với doanh nghiệp, toàn bộ VAT đầu vào được khấu trừ với thuế giá trị gia tăng đầu ra khi xác định số thuế phải nộp, nên không ảnh hưởng đến chi phí.

Tương tự, với đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, đến hết năm 2020, Bộ Tài chính cũng không đồng ý. Bộ lí giải nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế, về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.

Lệ phí trước bạ với người mua ôtô đang ở mức 10-12%/giá trị xe. Trường hợp đề xuất này được thông qua, mức lệ phí sẽ giảm xuống mức 5-6%/giá trị xe. 

Ôtô trong nước ế ẩm vì Covid-19 - Ảnh 1.

Ôtô trong nước ế ẩm vì Covid-19. (Ảnh: Thiên Trường).

Với đề xuất cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đến hết quý I/2021 cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Tài chính chỉ chấp thuận giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, để hỗ trợ ngành hàng không, vì đây là ngành ảnh hưởng nặng nề nhất.

Với ngành vận tải khác, Bộ Tài chính yêu cầu không đưa vào dự thảo, vì Luật Bảo vệ môi trường không quy định việc miễn, giảm thuế Bảo vệ môi trường. 

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), quý I/2020, ngành sản xuất xe có động cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, với chỉ số sản xuất ngành giảm 2,5% so với cùng kì.

Trong khi tại thời điểm này năm trước, chỉ số trên tăng 20,8%, còn được đánh giá là có đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu linh phụ kiện ngành ôtô ước đạt gần 907 triệu USD, giảm 7% về giá trị so với cùng kì năm ngoái.

Sản lượng xe sản xuất trong nước theo đó cũng giảm 10,4%, chỉ cho ra khoảng 56.200 chiếc. 

Đáng chú ý là chỉ số tồn kho xe có động cơ trong nước vào quý I/2020 tăng cao đến 122,5%, tức gấp gần 8 lần so với cùng kì 2019 (chỉ tăng 15,6%). Điều này phản ánh tình hình tình hình tiêu thụ ôtô đang gặp khó khăn rất lớn vì sức mua giảm trong những tháng đầu năm.

Cục Công nghiệp dẫn dự báo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, cho biết lượng tiêu thụ ôtô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của hiệp hội.

Trong tháng 4, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô lớn như Thành Công, VinFast, Toyota, Honda, Mercedes… đều phải tạm dừng hoạt động sản xuất, lắp ráp trong 15 ngày để chống dịch.

Các đại lí bán hàng cũng tạm đóng cửa nhằm đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp ôtô, đại lí bán hàng đã hoạt động trở lại, tuy nhiên công suất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở mức thấp, do lượng tồn kho cao. 


chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.