Cần sớm thay thế Nghị định 86, giảm điều kiện kinh doanh cho taxi

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86. Đại diện Bộ Công thương cũng đề nghị giảm điều kiện kinh doanh cho taxi để cạnh tranh Grab.
Cần sớm thay thế Nghị định 86, giảm điều kiện kinh doanh cho taxi - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa).

Nhiều lần trình, Nghị định thay thế Nghị định 86 vẫn chưa được ban hành

Theo thông tin chúng tôi nhận được, mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, ngày 10/9/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2014.

"Nghị định được ban hành đã tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh vận tải tiếp tục phát triển, góp phần cải thiện TT, ATGT.

Tuy vậy, so với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, Nghị định 86/2014/NĐ-CP cần có Nghị định thay thế", Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết.

Theo đơn vị này, đầu năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu soạn thảo trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Sau đó, Bộ GTVT đã tổ chức soạn thảo và nhiều lần lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị hữu quan, các đối thượng bị Nghị định điều chỉnh.

"Nghị định thay thế nhiều lần được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định và Bộ GTVT cũng nhiều lần trình Chính phủ ký ban hành.

Tuy nhiên đến nay đã gần 3 năm, Nghị định đó vẫn chưa được ban hành", Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thông tin.

Cũng theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Nghị định thay thế Nghị định 86 chưa ban hành trong khi vấn đề quản lí đối với GrabTaxi đã qua giai đoạn thí điểm hơn 3 năm (quá thời hạn cho phép hơn 1 năm) và ngày càng bộc lộ những vấn đề cần giải quyết cấp bách.

Cụ thể, các vấn đề cần giải quyết cấp bách do phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đưa ra là sự không công bằng trong cạnh tranh và nghĩa vụ thuế với Nhà nước; không ai quản lí các điều kiện ATGT đối với các xe tham gia vào Grab.

Đồng thời, đơn vị này cũng cho biết hiện vấn đề xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng với điều kiện kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng quá đơn giản đang phát triển rầm rộ.

"Các xe này thực chất không phải là phục vụ khách hợp đồng đi theo đoàn mà vẫn phục vụ khách đi lẻ thuộc phân khúc thị trường của xe tuyến cố định.

Các xe hẹn khách qua điện thoại, chạy xuyên vào trung tâm các đô thị đón khách tại các "bến cóc", các điểm hẹn trên đường phố, cạnh tranh không công bằng đang tạo ra mâu thuẫn rất gay gắt với xe kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định và gây mất trật tự, an toàn và ùn tắc giao thông", Hiệp hội nêu thực trạng.

Theo đơn vị này, Nghị định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung và ảnh hưởng đến trật tự ATGT trong phạm vi cả nước.

Do đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 để lực lượng kinh doanh vận tải ô tô trong phạm vi cả nước phát triển ổn định.

Nghị định cần đảm bảo công bằng cho taxi

Liên quan đến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến cũng đưa ra góp ý với vấn đề xe hợp đồng.

Cụ thể, ý kiến của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, về bản chất, xe hợp đồng được các cá nhân, tổ chức, cơ quan thuê theo 1 hợp đồng nguyên xe, nguyên chuyến, kích cỡ xe được lựa chọn trên cơ sở phù hợp với số người được vận chuyển.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Bộ GTVT chỉ xác định dấu hiệu nhận biết loại hình này trên cơ sở có hợp đồng văn bản giấy hoặc hợp đồng vận tải điện tử.

"Do đó, căn cứ trên khái niệm này các đơn vị vận tải có thể gom khách lẻ hoặc nhóm khách để vận chuyển theo hợp đồng nhằm lách luật dùng xe hợp đồng chạy chuyên tuyến cố định, nhằm giảm thiểu các chi phí tuân thủ quy định như: chi phí thuê bến bãi, trả lương nhân viên phục vụ, bộ phận theo dõi an toàn giao thông... cũng như những trách nhiệm pháp luật khác liên quan tới xe chạy tuyến cố định.

Việc này còn dẫn tới những hệ lụy khác như phá vỡ quy hoạch vận tải, dừng đỗ bừa bãi, gây rối loạn, ách tắc giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn", ông Dũng cho ý kiến.

Đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, ông Dũng đề nghị sửa theo hướng không yêu cầu taxi sử dụng phần mềm phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe.

"Vì quy định này chỉ phù hợp với taxi truyền thống (taxi sử dụng đồng hồ tính tiền) để khách hàng dễ nhận biết.

Đối với taxi sử dụng phần mềm, khách hàng đã nhận biết thông qua biển số xe và định vị trên phần mềm.

Mặt khác, việc gắn "mào" cho taxi sử dụng phần mềm có thể gây ra tình trạng lộn xộn, khó quản lý và khách hàng khó phân biệt với taxi truyền thống.

Ngoài ra, có thể dẫn tới thất thu thuế vì tài xế có thể tắt ứng dụng phần mềm để đón khách dọc đường, thu tiền trực tiếp", ông Dũng cho hay.

Về vấn đề bình đẳng kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục tính toán giảm thiểu các điều kiện kinh doanh áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh taxi để góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng với các đối tượng kinh doanh sử dụng phần mềm kết nối.

Bộ GTVT: "Tất cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là taxi"Bộ GTVT: 'Tất cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là taxi' Người thiết kế ra vách kính an toàn cho taxi: Mới đầu tôi chỉ định lắp thử cho người bạnNgười thiết kế ra vách kính an toàn cho taxi: Mới đầu tôi chỉ định lắp thử cho người bạn Vách ngăn xe taxi chống cướp bảo vệ tài xế hiệu quả nhất?Vách ngăn xe taxi chống cướp bảo vệ tài xế hiệu quả nhất?
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.