Cận Tết, tội phạm thẻ tấn công người bán hàng qua mạng, cảnh giác bị chiếm đoạt hết tiền trong tài khoản

Các ngân hàng khuyến cáo người dùng phải cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo dịp cận Tết để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngân hàng khẳng định không bao giờ yêu cầu khách cung cấp các thông tin tài khoản, thẻ và mã OTP.

Cận Tết, tội phạm thẻ tấn công người bán hàng qua mạng

Cận Tết Nguyên đán Canh Tí 2020, khi nhu cầu chuyển tiền, thanh toán qua thẻ ngân hàng của người dân tăng cao thông qua mua sắm trực tuyến, thậm chí trả nợ cuối năm… nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng việc này, nhằm chiếm đoạt tài khoản của các "con mồi".

Chị Ngọc Thủy - một người rơi vào tầm ngắm của các đối tượng lừa đảo, đã chia sẻ câu chuyện của mình trên một diễn đàn chuyên bán hàng online. Cụ thể, chị Thủy chuyên bán đặc sản vùng miền ngày Tết, cách đây vài ngày, có một khách đặt với tổng số tiền gần 10 triệu đồng.

Cận Tết, tội phạm thẻ hoành hành, coi chừng bị lừa đảo, chiếm đoạt hết tiền trong tài khoản ngân hàng - Ảnh 1.

Cận Tết, tội phạm thẻ tấn công người bán hàng qua mạng. (Ảnh minh hoạ: Thanh Niên).

Tuy nhiên, người này lại viện lí do là đang ở nước ngoài, đặt hàng để biếu tặng người thân và yêu cầu được chuyển tiền qua Western Union.

"Chiêu này không mới, Western Union thì những người bán hàng online chúng tôi cảnh giác lắm. Đến khi người này yêu cầu được biết số tài khoản, mã OTP theo kiểu hối thúc thì chắc chắn là lừa đảo. Khi tôi nói sẽ báo công an thì tài khoản lẫn số điện thoại liên lạc của người này đều biến mất", chị Thủy nói.

Theo chị, cuối năm khi dịch vụ mua bán hàng qua mạng rầm rộ cũng là lúc các đối tượng này lộng hành, thậm chí có những chiêu thức mới tinh vi, vì vậy, những người kinh doanh qua mạng, khách hàng yêu cầu chuyển khoản thì cần phải chú ý.

Tương tự, một trường hợp khác, anh X. đang nhận nhiệm vụ quyên góp tiền để chuẩn bị cho một hoạt động từ thiện sắp tới. Anh công khai số tài khoản cá nhân lên Facebook, sau đó, có một đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo rằng có 2 khoản tiền đang bị "nghẽn" nên chưa thể đến được.

"Nhân viên ngân hàng giả" này yêu cầu được biết đầy đủ số thẻ ngân hàng, thậm chí yêu cầu cung cấp thêm các thông số khác in trên thẻ để giải quyết 2 khoản tiền đang "treo" kia.

Anh X. cho biết đã rất cảnh giác với hành vi trên, nên thấy xin các thông số trên thẻ, anh đặt ngược vấn đề thì đối tượng này cúp máy, số điện thoại không liên lạc được. Thậm chí, đối tượng này còn lần mò cả những người bạn trong nhóm quyên góp từ thiện của anh X. để thực hiện chiêu thức tương tự.

Ngân hàng đồng loạt cảnh báo tội phạm thẻ dịp cận Tết

Hiện một loạt ngân hàng đã lên tiếng khuyến cáo khách về các trường hợp lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng.

Mới nhất, Vietcombank phát đi thông báo chỉ rõ 3 trường hợp lừa đảo phổ biến nhất mà ngân hàng này thống kê được. 

Thứ nhất, đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin. Khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng thông tin về tên truy cập, mật khẩu, mã OTP hoặc thông tin thẻ như số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP.

Cận Tết, tội phạm thẻ hoành hành, coi chừng bị lừa đảo, chiếm đoạt hết tiền trong tài khoản ngân hàng - Ảnh 2.

Ngân hàng khẳng định không giờ yêu cầu khách cung cấp các thông tin tài khoản, thẻ và mã OTP. (Ảnh minh hoạ: Zing).

Trường hợp thứ hai, đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ.

Trường hợp thứ ba, đối tượng lừa đảo lập website/fanpage trên mạng xã hội để mạo danh ngân hàng. Các website/fanpage này thường sử dụng logo, hình ảnh và các bài viết được sao chép từ website/fanpage chính thức của ngân hàng. 

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo tiếp cận khách hàng để tư vấn các sản phẩm vay, với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với sản phẩm ngân hàng đang cung cấp. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, công việc, thu nhập… để phục vụ mục đích gian lận hoặc hướng khách hàng sang các dịch vụ tín dụng đen.

"Vietcombank khẳng định, ngân hàng không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này", nhà băng này đưa ra khuyến cáo.

Trong khi đó, VPBank cảnh báo một phương thức lừa đảo khác mà kẻ gian thường sử dụng, là gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng, lấy tên chương trình trùng với các chương trình của ngân hàng, kèm theo một đường link yêu cầu khách hàng truy cập để nhận thưởng.

Ngay sau khi người dùng đăng nhập bằng tên tài khoản và mật khẩu tại website giả mạo này, kẻ gian đã quản lí tài khoản và chiếm đoạt tiền, như chuyển khoản, mở thấu chi, topup thẻ tín dụng, đăng kí khoản vay online…

VPBank khuyến cáo người dùng tuyệt đối không truy cập đường link trong các tin nhắn gửi tới từ các số điện thoại không hiển thị thương hiệu của ngân hàng. Đồng thời, cần cảnh giác thủ đoạn yêu cầu cung cấp mã OTP, mật khẩu tài khoản hay tên tài khoản. 

VPBank khẳng định ngân hàng không bao giờ yêu cầu cung cấp các thông tin trên, đặc biệt là OTP. Hãy báo ngay với ngân hàng khi có người yêu cầu cung cấp những thông tin này.

Trước đó, Bộ Công an cũng đưa ra khuyến cáo dịp cuối năm khi khối lượng giao dịch trong tài khoản ngân hàng gia tăng cũng là thời điểm tội phạm hoạt động ngày càng nhiều.

Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần kiểm tra kĩ nội dung tin nhắn, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung. Trường hợp nghi vấn, nên gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn.