Thủ tướng chỉ đạo xử lí lừa đảo chuyển nhượng đất trái phép, đa cấp và tội phạm thẻ

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các địa phương nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lí kịp thời các thông tin phản ánh lừa đảo đa cấp, chuyển nhượng đất đai, tội phạm thẻ…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lí các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân gây bức xúc dư luận gần đây.

Theo đó, các trường hợp Thủ tướng lưu ý cần phải xử lí là hoạt động lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai… Các hành vi này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.

logo-4-15690364447791022646843-1569038190681677329520-crop

Thủ tướng lưu ý cần phải xử lí hoạt động lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai… (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Đặc biệt, các đối tượng còn lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo qua Internet, mạng viễn thông.

Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là gọi điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại, giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam, giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt.

Ngoài ra, các đối tượng này còn chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, để lừa đảo lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để hoàn thiện cơ sở pháp lí, chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo này.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lí nghiêm các hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lí kịp thời các thông tin phản ánh. Cơ quan này cũng được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lí các hoạt động lừa đảo, trình Thủ tướng trước ngày 30/11/2019.

Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

Ngân hàng ráo riết cảnh báo các chiêu lừa đảo của tội phạm thẻ

Thời gian qua, ngân hàng liên tục lên tiếng cảnh báo khách hàng về những thủ đoạn ngày càng tinh vi của đối tượng lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài khoản và giá trị tài khoản của khách.

bankkaho-15705514341111112647863

Các ngân hàng cảnh báo tội phạm thẻ đang thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo. (Ảnh: Thanh Niên).

Vietcombank cho biết các đối tượng tội phạm dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo, như giả là nhân viên ngân hàng, nhân viên các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, nhất là ví điện tử, thậm chí mạo danh cơ quan công an, tòa án để lừa lấy thông tin tài khoản rồi rút tiền trái phép.

VPBank cũng gửi cảnh báo khách hàng về việc các đối tượng lừa đảo giả danh ngân hàng, hoặc cơ quan pháp quyền để dụ dỗ, đe dọa lấy mã OTP. Mã này thường được ngân hàng gửi để xác nhận giao dịch, như đổi mật khẩu, chuyển tiền, vay tiền, tất toán sổ tiết kiệm, thanh toán hóa đơn…

"Trên thực tế, ngân hàng và cơ quan công an, tòa án không bao giờ yêu cầu người dân cung cấp OTP và mật khẩu internet banking. Chỉ có kẻ gian mới lừa lấy thông tin này", VPBank khẳng định.

Ngân hàng này cảnh báo khách không chia sẻ mã OTP, tên tài khoản và mật khẩu đăng nhập Internet banking cho bất kì ai, trong bất kì hoàn cảnh nào, kể cả khi kẻ gian đã chuyển một số tiền "trúng giải" và báo sẽ chuyển số còn lại sau khi gửi OTP.

Không chỉ lừa đảo trong hoạt động ngân hàng, thời gian qua, hoạt động lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai cũng nổi cộm, điển hình là vụ Địa ốc Alibaba. 

Theo đó, các dự án chưa làm thủ tục pháp lí, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng lại được Công ty Alibaba quảng cáo là đất nền dự án để bán cho khách hàng.

Tính đến ngày 30/6, Công ty Alibaba đã kí hợp đồng bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.