Canh bạc IPO Bamboo Airways

Bamboo Airways đặt ra tham vọng lớn với kế hoạch IPO.
avatar_1575449967820

Bamboo Airways đặt ra tham vọng lớn với kế hoạch IPO. (Nguồn ảnh: Quý Hoà).

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC), một trong những tập đoàn đa ngành tại Việt Nam, tuyên bố rằng, nếu FLC không về mệnh giá, cổ phiếu của FLC Homes và Bamboo Airways không trên “3 con số”, thì sẽ xin phá sản, thương hiệu FLC vứt đi. Ông Quyết quả quyết như vậy trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đang đặt nhiều dấu hỏi về dự định phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Bamboo Airways với lượng lớn trong ngành.

Giá nào cho cổ phiếu BAV?

Liên quan đến kế hoạch IPO hồi tháng 10/2019, Bloomberg cho rằng Bamboo Airways sẽ thực hiện IPO trong năm 2020, kì vọng huy động được khoảng 100 triệu USD để mở rộng thị phần trong ngành hàng không vốn đang hiện diện nhiều “cá mập”. 

Cổ phiếu BAV của Bamboo Airways có giá dự kiến 60.000 đồng/cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (khoảng 24.300 tỉ đồng), trong khi HVN của Vietnam Airlines chỉ đang giao dịch quanh mức 34.800 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 19/11/2019), cũng như mức định giá của Vietjet (mã VJC) khi niêm yết đạt khoảng 27.000 tỉ đồng.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Quyết cho biết: “Giá cổ phiếu BAV chào bán không dưới 100.000/cổ phiếu, chủ yếu dành cho cán bộ công nhân viên của Tập đoàn FLC. Bamboo chưa có ý định bán cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi vì nhà đầu tư có thể sẽ làm chậm tiến trình phát triển của Hãng. Nếu có bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì giá phải là 150.000 đồng/cổ phiếu”. Ông cũng nói rằng dù với mức giá nào thì cổ đông BAV vẫn sẽ đạt lợi nhuận nhiều lần so với giá ban đầu phát hành.

Canh bạc IPO Bamboo Airways - Ảnh 2.

Trong lịch sử, FLC và những công ty thành viên như ROS, KLF, HAI, ART, GAB từng lên sàn với giá ngất ngưởng ban đầu, nhưng sau một thời gian, cổ phiếu đã không thể làm mát lòng nhà đầu tư. Nổi bật nhất trong số này là cổ phiếu ROS (FLC Faros). Có những thời điểm giá cổ phiếu ROS được đẩy lên đến hơn 225.000 đồng/cổ phiếu, song đến nay, tính theo giá điều chỉnh tại thời điểm đóng cửa ngày 19/11, giá ROS đã rớt mạnh xuống 24.700 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá cao nhất trong số các mã còn lại, chẳng hạn cổ phiếu FLC hiện chỉ quanh giá 3.550 đồng/cổ phiếu. Mới đây, trong một diễn biến liên quan đến cổ phiếu ROS, từ ngày 5/9-1/10, ông Quyết đã bán ra 70 triệu cổ phiếu ROS, dù hồi tháng 6 đã cam kết không bán cổ phiếu nhằm trấn an cổ đông. Ông Quyết cho biết sẽ chi từ 1.500-2.000 tỉ đồng để tăng sở hữu tại FLC.

Trong đường bay chật chội

Bamboo Airways mất 2 năm để chuẩn bị chuyến bay đầu tiên, trong khi Vietjet Air là 4 năm. Tính đến ngày 23/9/2019, vốn điều lệ của Bamboo Airways tăng từ 1.300 tỉ đồng lên 2.200 tỉ đồng. Đầu tháng 11/2019, hãng hàng không này cho biết, vốn điều lệ đã tăng lên 4.050 tỉ đồng. Nhưng đáng lưu ý là báo cáo hoạt động kinh doanh đang lỗ 329 tỉ đồng.

Dù vậy, FLC vẫn nuôi giấc mơ bay rất lớn. Tập đoàn này đã mua nhiều máy bay với trị giá hàng tỉ USD và đặt tham vọng mở đường bay đến Mỹ trong năm sau, trong khi Vietnam Airlines vẫn còn  rất dè dặt vì đánh giá rằng sẽ mất nhiều năm mới có lãi từ chặng bay này. 

Thực tế, Bamboo Airways chiếm 4,2% thị phần và tự định vị là hãng hàng không 5 sao. Trong 10 tháng đầu năm 2019, Bamboo Airways đã thực hiện 14.378 chuyến bay, với tỉ lệ đúng giờ là 93,9%, cao nhất trong các hãng hàng không nội địa, theo Cục Hàng không Việt Nam.

Canh bạc IPO Bamboo Airways - Ảnh 3.

Nhưng nhìn ở một mặt khác, ông Trương Đắc Nguyên, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nhận định: “Để đạt được tham vọng 30% thị phần, Bamboo Airways sẽ phải giải quyết 4 bài toán lớn: (1) tăng slot bay trong bối cảnh hạ tầng hạn chế đã cạn quỹ slot bay; (2) tuyển thêm số lượng đáng kể phi công, thợ máy kĩ thuật trong tình trạng ngành đang khan hiếm nhân sự; (3) tăng mạnh số chuyến bay nhưng vẫn duy trì chất lượng dịch vụ và tỉ lệ đúng giờ; (4) cạnh tranh từ các hãng hàng hiện tại như Vietjet, Vietnam Airlines, Jetstar và các hãng hàng không mới cũng có tham vọng cao như Vinpearl, Vietravel”.

 Chưa kể, dự kiến Hãng hàng không Cánh Diều sẽ cất cánh ngay quý I/2020 với 6 tàu bay, vốn đầu tư lên đến 5.500 tỉ đồng.

Canh bạc IPO Bamboo Airways - Ảnh 4.

Trong khi đó, các hãng hàng không lớn vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ đã có dấu hiệu chậm lại. Thực tế, thị trường hàng không Việt Nam bị kéo đà hãm tốc bởi hàng loạt yếu tố, trong đó ảnh hưởng tiêu cực bởi lượng khách quốc tế và cơ sở hạ tầng. Theo đó, ngành hàng không Việt Nam đối diện xu thế tăng trưởng chậm lại. 

Lợi nhuận ròng thấp khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp đều co hẹp đáng kể. Có thể thấy, luật chơi mới trong lĩnh vực hàng không sẽ càng khốc liệt và câu chuyện về giấc mơ bay Bamboo Airways sẽ còn nhiều diễn biến bất ngờ.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.