Mỹ ghi nhận hơn nửa triệu người nhiễm Covid-19
Theo Reuters, Đại học Johns Hopkin hôm nay cho biết tổng số người nhiễm tại Mỹ lên 503.177, số người chết là 18.761. Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ cao gấp hơn 3 lần vùng dịch lớn thứ hai là Tây Ban Nha.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Hôm nay, New York ghi nhận thêm 777 người chết, giảm nhẹ so với mức tăng kỉ lục 799 hôm trước.
Giám đốc Viện dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci nói đường cong dịch bệnh ở Mỹ đang được làm phẳng như tại Italy vào khoảng một tuần trước nhờ tình hình được cải thiện ở bang New York. Tuy nhiên, Fauci cảnh báo Mỹ chưa đạt đỉnh dịch.
Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong thấp nhất 19 ngày
Theo Reuters, số ca tử vong hàng ngày của Tây Ban Nha tiếp tục giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp trong ngày 11/4 với 510 ca trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 16.353 ca.
Đây cũng là số ca tử vong thấp nhất trong ngày được ghi nhận kể từ 23/3.Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện là 161.852 ca. Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Chính phủ Tây Ban Nha đã đồng ý kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 25/4 dù tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết trong khoảng hai tuần tới, ông sẽ xin ý kiến quốc hội về việc tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày.
Italy tiếp tục gia hạn phong tỏa
Theo Reuters, Italy ghi nhận thêm 3.951 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 147.577, trong đó 18.849 người chết, tăng 570 ca.
Cả hai mức tăng đều thấp hơn so với một ngày trước đó. Các chuyên gia nói rằng số ca nhiễm và tử vong không còn leo thang nhưng vẫn không giảm mạnh. Italy tiếp tục là vùng dịch chết chóc nhất thế giới.
Từ ngày 9/3, Italy đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte gia hạn thêm lệnh phong tỏa toàn quốc đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại vào tuần tới.
Các nhà máy bị đóng cửa vẫn chưa thể trở lại làm việc, Thủ tướng Conte ngày 10/4 cho biết, đây là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết và ông sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định này.
Số ca tử vong tại Pháp vượt 13.000
Theo AFP, Pháp ghi nhận thêm 987 người chết vào hôm 10/4, tương đương mức tăng 8%, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 13.197. Đồng thời, số ca nhiễm mới tăng thêm 7.120, nâng tổng số ca nhiễm lên 124.869 người nhiễm. Pháp hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới.
Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3 và dự kiến sẽ hết vào ngày 15/4 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phát biểu về dịch Covid-19 lần thứ ba trước toàn quốc vào ngày 13/4 và dự kiến công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa.
Anh ghi nhận gần 9.000 ca tử vong do Covid-19
Theo Guardian, Anh thông báo ghi nhận thêm 980 ca tử vong, đây là mức tăng cao nhất trong 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 8.958.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock trong cuộc họp báo tại London hôm nay cho biết, tổng số ca nhiễm tại Anh là 73.758, trong đó 19.304 người phải nhập viện và mới 135 người hồi phục.
Anh hiện là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu, sau Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp. Các chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục. Họ nhận định các cuộc tranh luận về "miễn dịch cộng đồng" ở Anh đã khiến nước này chậm trễ đưa ra các biện pháp cách biệt cộng đồng để ngăn chặn dịch.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, 55 tuổi, đã có thể tự đi lại một đoạn ngắn, cho thấy ông đang dần hồi phục sau khi được rời phòng chăm sóc tích cực ngày 9/4.
Trung Quốc ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm "ngoại nhập"
Theo Reuters, Trung Quốc hôm nay ghi nhận thêm 3 ca tử vong và 46 ca nhiễm mới, trong đó có 42 ca ngoại nhập, Hồ Bắc không phát hiện thêm ca nào.
Nước này cũng báo cáo thêm 34 ca nhiễm không có triệu chứng, tổng cộng 1.092 người nhiễm không có triệu chứng đang được theo dõi. Hiện Trung Quốc ghi nhận tổng số ca nhiễm là 81,953, trong đó có 3.339.
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới trên dưới 50 ca trong 6 ngày liên tiếp
Theo Yonhap, Hàn Quốc hôm nay ghi nhận thêm 30 ca nhiễm mới, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 50, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.480, trong đó có 211 ca tử vong.
Nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Hàn Quốc cùng ngày thông báo sẽ gắn vòng tay điện tử đối với những người vi phạm các qui định tự cách li, như đi ra ngoài mà không thông báo và không trả lời cuộc gọi điện thoại. 54.000 người đang phải tự cách li, hơn 160 người đã vi phạm qui định.
Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỉ lục
Theo Japan Times, Nhật Bản hôm nay ghi nhận thêm 648 ca nhiễm và 6 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 6.717 và 105. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận ca nhiễm mới cao kỉ lục dù đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác.
Chính phủ Nhật Bản sẽ cho phép thống đốc toàn bộ 47 tỉnh "kiên quyết yêu cầu" người dân không đến hộp đêm, quán bar và các địa điểm công cộng để ngăn virus lây lan. Tại 7 khu vực đã ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ yêu cầu người dân ở nhà và các doanh nghiệp không quan trọng tạm thời đóng cửa.
Cập nhật tình hình dịch tại khu vực Đông Nam Á
Theo Reuters, Bộ Y tế Indonesia chiều 11/4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 330 ca nhiễm mới và 21 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3.842 ca và 327 ca tử vong.
Theo Phil Star, Bộ Y tế Philippines chiều 11/4 thông báo nước này có thêm 233 ca nhiễm và 26 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 4.428 ca và 247 ca tử vong. Số người hồi phục cũng tăng thêm 17, nâng tổng số người xuất viện lên 157 người.
Theo New York Times, các quan chức y tế Malaysia chiều 11/4 cho biết nước này ghi nhận thêm 184 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 4.530 ca và 73 ca tử vong.
Hiện Malaysia có số ca nhiễm virus cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bộ Y tế Malaysia cho biết 44% ca nhiễm ở nước này đã hồi phục.
Theo Bangkok Post, trong ngày 11/4, Thái Lan xác nhận thêm 45 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong, nâng tổng số lên 2.518 ca và 35 ca tử vong. Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca mắc nhiễm nhiều nhất, trong khi khi tỉ lệ lây nhiễm cao nhất được ghi nhận tại tỉnh Phuket.
Ở Thái Lan, kể từ khi lệnh giới nghiêm ban đêm được áp dụng từ ngày 3/4, đã ghi nhận hơn 6.500 trường hợp vi phạm. 5.264 người đã bị truy tố do vi phạm sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, trong đó có tới 50% là những người trong độ tuổi từ 20-35.
Thái Lan có thể áp dụng các biện pháp bổ sung mà những đối tượng trên phải tuân thủ như "lệnh ở trong nhà". Nếu vi phạm lệnh này, họ sẽ phải đối mặt với án tù giam tối đa 6 tháng và/hoặc tiền phạt tối đa 10.000 baht (300 usd).
Theo Times of India, Ấn Độ hôm nay ghi nhận thêm 1.035 ca nhiễm và 40 ca tử vong. Đây là mức tăng số ca nhiễm mới trong ngày cao kỉ lục tại quốc gia này.
Hiện Ấn Độ ghi nhận tổng số ca nhiễm và ca tử vong lần lượt là 7.600 và 249 ca. Thủ phủ New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai là các điểm nóng mới nổi. Ít nhất 2 bang Odisha ở phía đông và Punjab ở phía bắc Ấn Độ đã quyết định sẽ kéo dài lệnh phong tỏa cho đến cuối tháng 4.
Trong cuộc họp ngày 11/4, các bang của Ấn Độ đã thúc giục thủ tướng Narendra Modi gia hạn thêm thời gian phong trỏa toàn quốc trong bối cảnh 21 ngày phong tỏa của nước này sẽ chấm dứt vào 14/4.
Kinh doanh 10:08 | 31/08/2020
Đô thị 17:32 | 08/08/2020
Du lịch 12:18 | 12/06/2020
Du lịch 12:07 | 11/06/2020
Du lịch 12:00 | 10/06/2020
Du lịch 13:38 | 09/06/2020
Du lịch 12:13 | 08/06/2020
Du lịch 12:07 | 03/06/2020